Cầu Đá bắc qua sông Đáy, huyện Quốc Oai được xây dựng kiên cố. Ảnh: Trọng Tùng
|
Như vậy, nhu cầu vốn phục vụ đầu tư xây dựng cầu bắc qua sông chủ yếu vẫn phải “trông” vào nguồn ngân sách TP?
- Đúng vậy. Thực tế, những năm trước khi khu vực Hà Tây (cũ) được sáp nhập với Thủ đô Hà Nội, cũng có một số dự án cầu bắc qua sông nhận được vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Tuy nhiên, nguồn vốn này là hết sức hạn chế. Những năm qua gần như không có. Thêm nữa, vốn WB và ADB cũng đòi hỏi nguồn vốn đối ứng. Nếu TP không hỗ trợ, địa phương cũng khó đáp ứng được.
Thưa ông, việc xã hội hóa và thu hút đầu tư từ các DN, đặc biệt là theo hình thức BOT đã được tính tới chưa?
- Chúng tôi cũng đã có nghiên cứu nhưng thú thực là kêu gọi đầu tư rất khó khăn. Thực tế, các dự án thực hiện theo hình thức BOT từ trước đến nay của TP Hà Nội nói riêng, bình diện cả nước nói chung đều là những dự án lớn nằm trên những trục giao thông huyết mạch. Trên địa bàn TP hiện chưa có dự án cầu bắc qua sông nào theo hình thức này. Sở GTVT cũng đang nghiên cứu dự án cầu Mễ Sở (bắc qua sông Hồng) theo hình thức BOT để làm điểm. Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề cần xem xét. Cụ thể là khả năng thu hồi vốn đầu tư và tiếp nhận của người dân. Nếu đầu tư lớn nhưng mất nhiều thời gian thu hồi vốn, DN sẽ không mặn mà. Đó là chưa kể, người dân tại vùng dự án liệu có đồng ý với phương án thu phí không? Đây là vấn đề cần được tính tới. Vụ việc lùm xùm liên quan tới việc thu phí cầu Hạc Trì (cầu Việt Trì mới) bắc qua sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ là một ví dụ điển hình. (Người dân địa phương không đồng tình với việc thu phí BOT qua cầu Hạc Trì – PV).
Cần sự chung tay
Vậy vai trò, trách nhiệm của các địa phương liên quan tới công tác này ra sao, thưa ông?
- Như đã nói, các địa phương đã được phân cấp đầu tư. Nếu khó khăn có thể báo cáo Sở GTVT kiến nghị TP hỗ trợ. Tuy nhiên, để chung tay cùng TP, các địa phương thông qua chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới, cần có những đầu tư thích đáng nhằm nâng cao hạ tầng phụ trợ ven sông. Điều này sẽ giúp giảm tải hạn mức đầu tư cho TP. Đơn cử, tại khu vực sông Đáy, hiện có trên dưới 10 cây cầu bắc qua sông. Nếu hạ tầng phụ trợ tốt, TP sẽ chỉ phải bố trí ngân sách cho việc xây dựng 3 – 4 cây cầu, thay vì lập rất nhiều dự án như vậy. Điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm của các địa phương mà còn là phương cách chung tay cùng TP dần xóa bỏ tình trạng cầu tự chế hiện nay.
Để từng bước khắc phục tình trạng cầu tự chế, mang tới sự an toàn, thuận tiện đi lại của người dân, thời gian tới, Sở có kiến nghị, đề xuất gì, thưa ông?
- Tôi được biết, hiện các quận đang hỗ trợ nhiều xã vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô xây dựng những nhà văn hóa thôn. Đây là chương trình hỗ trợ có ý nghĩa rất thiết thực. Thông qua nguồn vốn hỗ trợ của các quận, nhiều nhà văn hóa thôn đã được xây dựng, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc. Tôi cho rằng, đây là hướng đi mà các địa phương có thể tính tới trong bối cảnh nguồn vốn TP, xã hội hóa và BOT còn nhiều khó khăn.
Đối với Sở GTVT, trong năm 2016 sẽ thực hiện duy tu, bảo dưỡng thường xuyên khoảng 200 cây cầu bắc qua sông trên địa bàn TP bằng ngân sách thường xuyên của TP. Tuy nhiên, cũng phải thú thực là nguồn vốn này khá hạn chế. Chúng tôi chỉ có thể đánh giá, sắp xếp thứ tự ưu tiên việc đầu tư cho các cây cầu. Đối với những hạng mục cầu xuống cấp nghiêm trọng, Sở GTVT lập dự án kiến nghị TP đầu tư. Thực tế, năm 2016, cũng đã có một số cây cầu được TP bố trí vốn để thực hiện. Đơn cử như cầu Mỹ Hòa (Ứng Hòa), cầu Xuân Thu (Sóc Sơn), cầu Đầm Mơ (Chương Mỹ)… Tôi cũng muốn nhấn mạnh câu chuyện trách nhiệm của các địa phương đã đề cập ở trên. Đó là cùng với hỗ trợ của TP, các địa phương cần nghiên cứu, cân đối trong ngân sách của địa phương mình, có sự đầu tư thích đáng cho việc phát triển hạ tầng giao thông phụ trợ ven các tuyến sông. Như đã nói, điều này sẽ góp phần chung tay cùng TP, các sở, ngành liên quan từng bước tháo gỡ khó khăn về bài toán vốn.
Xin cảm ơn ông!