Sớm xây dựng quy chế quản lý toàn diện biệt thự Pháp cổ

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Biệt thự Pháp cổ trên địa bàn Hà Nội sau hàng trăm năm tồn tại đã, đang bị thời gian và việc sử dụng không có bảo trì, sửa chữa khiến xuống cấp nghiêm trọng.

Do đó, việc cấp thiết hiện nay là TP Hà Nội cần thực hiện ngay các giải pháp để giữ gìn, bảo tồn quỹ kiến trúc rất có giá trị của Thủ đô.

Hà Nội được bán biệt thự cổ ra sao?

Về công tác quản lý biệt thự Pháp cổ trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, tháng 9/1998, Chính phủ ban hành Nghị định số 189/NĐ-TTg về việc cho phép TP Hà Nội bán biệt thự cổ thuộc sở hữu Nhà nước. Thực hiện Nghị định của Chính phủ, tháng 12/1998, TP Hà Nội ban hành Quyết định số 70/QĐ-UBND quy định việc bán biệt thự cổ thuộc sở hữu Nhà nước.

Đến ngày 20/8/2007, Chính phủ ban hành Nghị quyết 48 yêu cầu TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dừng việc bán biệt thự cổ, đồng thời phải xây dựng Đề án về quản lý biệt thự cổ trên địa bàn.

Ngày 10/12/2008, TP Hà Nội trình HĐND TP ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ban hành Đề án quản lý quỹ nhà biệt thự cổ trên địa bàn TP Hà Nội. Toàn bộ đề án này đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng thông qua.

Nhiều công trình biệt thự kiến trúc Pháp cổ trên địa bàn Hà Nội đã bị xuống cấp.  Ảnh: Doãn Thành
Nhiều công trình biệt thự kiến trúc Pháp cổ trên địa bàn Hà Nội đã bị xuống cấp.  Ảnh: Doãn Thành

Theo đề án, Hà Nội có tổng số 970 ngôi biệt thự cổ trên địa bàn TP được quản lý. Trong số này, TP Hà Nội đã phân ra danh mục các ngôi được bán và không được bán, gồm có 207 ngôi không được phép bán, 599 căn đang bán dở dang được tiếp tục bán và 164 biệt thự đã bán trọn biển số nhà.

Về danh mục biệt thự được bán, TP Hà Nội đã rà soát bổ sung thêm 1 biệt thự tại khu tập thể Vĩnh Hồ, đưa tổng sổ biệt thự được phép bán là 600 ngôi.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho hay, đối chiếu với hồ sơ quản lý của Công ty quản lý nhà TP và Sở Xây dựng đang nắm giữ 600 biệt thự được phép bán thuộc dạng đan xen sở hữu, gồm 5.686 hộ ký hợp đồng thuê. Đến nay, TP Hà Nội đã ký hợp đồng bán với 4.973 hộ, hiện còn 713 hộ, tương đương 713 hợp đồng chưa bán (563 hợp đồng ngôi chính, 150 hợp đồng ngôi phụ).

Về đối tượng bán, Phó Giám đốc Sở Xây dựng nêu rõ là những phần diện tích đã bố trí cho các hộ gia đình cán bộ công nhân viên chức được sử dụng phân phối nhà, cho thuê nhà có hợp đồng với Nhà nước, chứ không phải bán rộng rãi ra với tất cả đối tượng. Nguyên tắc bán theo trình tự hồ sơ đã được các văn bản pháp lý có liên quan quy định rõ.

Đối với giá bán các căn biệt thự này, lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định, TP Hà Nội tuân thủ theo đúng các quy định của Chính phủ về bảng giá đất và vị trí có nguyên tắc bán. Trên cơ sở đó, liên ngành chức năng của TP Hà Nội xem xét từng tiêu chí, từng nội dung để xác định giá bán chứ không căn cứ vào giá thị trường.

Vào ngày 19/4/2022, TP Hà Nội quyết định tạm dừng bán quỹ 600 căn biệt thự cổ để thực hiện rà soát tổng thể các nội dung có liên quan. Sau khi có kết quả rà soát, TP Hà Nội sẽ công bố thông tin, bao gồm cả vấn đề về việc quản lý quỹ nhà biệt thự còn trống, các biện pháp quản lý, bảo tồn…

Điều chỉnh quy định quản lý

Về việc quản lý danh mục bảo tồn và công tác quản lý biệt thự cổ trong thời gian hiện nay, Phó Giám đốc Sở  Xây dựng Mạc Đình Minh cho biết, theo rà soát của Hội đồng thẩm định và tổ công tác liên ngành TP, toàn bộ danh mục đang quản lý hiện là 1.216 biệt thự.

Trong đó, có 367 căn thuộc sở hữu nhà nước, 372 biệt thự đan xen sở hữu và 117 biệt thự có sở hữu thuộc một tư nhân. Số biệt thự phân theo nhóm gồm: 222 biệt thự thuộc nhóm 1, 356 biệt thự thuộc nhóm 2 và nhóm 3 là 638. Hiện, danh mục biệt thự này đang được UBND TP xem xét để ban hành trong thời gian sớm nhất.

Về công tác bảo tồn các ngôi biệt thự, năm 2013, TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 52/QĐ-UBND, trong đó quy định rất rõ quy cách cũng như cách thức bảo tồn những biệt thự nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3. “Thực hiện theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, hiện nay, liên ngành đang tiếp tục rà soát để điều chỉnh Quyết định số 52/QĐ-UBND nhằm đưa công tác bảo tồn và quản lý biệt thự cổ đi vào nền nếp” – ông Mạc Đình Minh nêu.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, nhiều ngôi biệt thự cổ thuộc diện sở hữu đan xen với đông hộ gia đình cùng sinh sống đã xuống cấp nặng nề, dẫn đến việc sửa chữa, cơi nới, xây thêm làm biến dạng diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt, có căn biệt thự tại phố Nguyễn Thái Học có đến 20 hộ gia đình sinh sống, cùng đó còn có cả diện tích thuộc sở hữu Nhà nước.

Liên quan đến vấn đề này, ông Mạc Đình Minh cho biết, tại Quyết định số 52/QĐ-UBND, TP đã quy định rõ, tất cả nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý (bao gồm cả biệt thự thuộc sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân) đều không được tự ý phá dỡ. Đồng thời, TP Hà Nội đã quy định cụ thể các trường hợp biệt thự trong tình trạng nào được cải tạo, phá dỡ và cải tạo, xây dựng lại theo nguyên tắc nào.

“Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của TP, các sở, ngành sẽ nghiên cứu để dựng quy chế quản lý một cách toàn diện hơn đối với hệ thống biệt thự cổ của Hà Nội nhằm bảo tồn, giữ gìn, tránh sự thất thoát lãng phí” – Phó Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh.