Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sommelier Hồ Tuấn Minh: Luôn tự hào về món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam

Hải Lý (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bén duyên với giải Nhất cuộc thi tay nghề trẻ TP Hồ Chí Minh, Giải Ba Hội thi tay nghề quốc gia 2006, anh Hồ Tuấn Minh (nickname là Vaccarini Minh) đã xuất sắc giành Giải Nhất Best Sommelier In Viet Nam 2009, Huy Chương Bạc cuộc thi Georges Baptiste cup 2009 quốc tế. Hiện anh định cư và làm việc trong lĩnh vực quản lý nhà hàng tại Thành phố Milano - Italia. Hơn 10 năm định cư tại Italia đến nay, anh luôn đam mê khám phá ẩm thực và truyền cảm hứng cho cộng đồng về văn hóa ẩm thực.

Cơ duyên nào khiến anh trở thành một Sommelier chuyên nghiệp châu Á Thái Bình Dương và nay là ở Italia? 
- Tôi được học và tốt nghiệp chuyên ngành F&B, trong suốt quá trình học, tôi may mắn được đào tạo với nhiều chuyên gia trong và ngoài nước thông qua các cuộc thi tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, với kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn khách sạn lớn cũng như trên tàu du lịch 5 sao Starcruises, chạy vòng quanh khu vực Châu Á. Chính vì có các cơ hội được đào tạo cũng như các kinh nghiệm làm việc tại môi trường quốc tế mà tôi được học, tiếp xúc với nhiều nền ẩm thực khác nhau và thử nếm nhiều loại rượu vang khác nhau. Điều này giúp tôi nhận diện và phân biệt được tính chất lẫn mùi vị của rượu vang dễ dàng hơn. Dù làm việc ở đâu, tôi cũng luôn đam mê và tâm huyết, tôi nghĩ điều này sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của mỗi người khi chọn nghề.
 Anh Hồ Tuấn Minh (bên phải) lúc nhận chứng chỉ tham dự giải Sommelier châu Á Thái Bình Dương tại Osaka, Nhật Bản chụp cùng ông Giuseppe Vaccarini - Best Sommelier in The World 1978 và hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Sommelier chuyên nghiệp của Italia

Theo anh, hình ảnh và văn hóa của mỗi qua gia được thể hiện như thế nào qua phong cách ẩm thực?

- Quả thực khi nói về ẩm thực là một đề tài vô cùng phong phú và đa dạng. Mỗi quốc gia, mỗi TP trong quốc gia đó, mỗi địa danh trong TP đó đều có những món ăn, thức uống cũng như văn hoá ẩm thực rất riêng tạo nên một bản đồ ẩm thực trên thế giới khiến chúng ta phải choáng ngợp. Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều có những món ăn quốc hồn quốc tuý riêng mà khi nhắc tới là họ sẽ nghĩ ngay đến quốc gia đó, như Phở, Bánh mì Việt Nam, Padthai hay Tom Yam Kum của Thailand, Nasi goreng của Indonesia, Nasi lamak của Malaysia, Sushi & sashimi của Nhật Bản, Kimchi & Kimbap của Hàn quốc, Spaghetti Bolognese hay Pizza của Italia, Kebap của Thổ Nhĩ Kỳ,…. Rõ ràng tất cả món ăn ít nhiều gì cũng diễn tả được thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng cũng như tính cách con người của các quốc gia đó.

Là người con đất Việt, anh đánh giá thế nào về ẩm thực Việt Nam và anh yêu thích những món ăn nào của Việt Nam. Và theo anh, làm thế nào để đưa được món Việt lên bàn ăn các nhà hàng ở nước ngoài?
 Anh Hồ Tuấn Minh trong một lần dẫn ông Giuseppe Vaccarini  tham quan trải nghiệm phiên chợ quê ở Thị trấn Voi - Kỳ Anh, Hà Tĩnh và thưởng thức món bánh đập dân dã.

- Là một người con của đất mẹ Việt Nam, tôi luôn tự hào về nền ẩm thực của quê hương mình. Có rất nhiều món ngon của Việt Nam được vinh dự nằm trong top 10 thế giới như phở, bánh mì, nem rán, gỏi cuốn,… Nét đặc sắc của ẩm thực Việt Nam đó chính là nguyên vật liệu tươi mới, phong phú, phức hợp nhiều vùng miền, rau thơm và các loại gia vị cực kỳ đa dạng. Hơn thế, cách người Việt Nam chúng ta kết hợp chúng cùng các nguyên liệu với nhau đã góp phần làm cho món ăn đó không thể lẫn vào đâu được. Ngoài ra, chúng ta có một nền văn hoá giao thoa với Trung Hoa, Lào, Thailand , Pháp,…. càng khiến cho ẩm thực Việt Nam dễ dàng hội nhập và được rất nhiều bạn bè quốc tế cảm thấy hợp khẩu vị và yêu thích. Riêng bản thân tôi thì rất thích các món như phở, bún bò Huế, bún mắm, các món gỏi và một số các món nướng khác nhau từ 3 miền đặc trưng.

Để đưa món Việt ngày càng gần gũi hơn với bạn bè quốc tế, theo tôi, mỗi người Việt chúng ta nói chung và cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống khắp mọi nơi trên toàn thế giới nói riêng hãy cùng chung tay quảng bá mạnh mẽ ẩm thực Việt Nam hơn nữa. Đặc biệt, hãy giảm bớt việc tẩm ướp và lạm dụng gia vị, bột ngọt,… tôn vinh hơn nữa hương vị tự nhiên của món ăn. Bên cạnh đó, nghiên cứu cách thức trình bày để tiện cho việc du nhập ẩm thực các nước khác nhưng vẫn không mất đi tính chất, mùi vị cũng như là hồn Việt ở bên trong đó.
Anh thấy phong cách ẩm thực Việt Nam và Italia có điểm tương đồng nào không và anh có nghĩ đến việc sẽ kết hợp giữa ẩm thực Việt và Italia để tạo ra hương vị mới cho món ăn?

- Ẩm thực Việt Nam và Italia khá giống nhau về nguyên vật liệu chế biến. Nguyên vật liệu tươi, ngon, dễ tìm, đa dạng phong phú theo mùa, theo vùng miền như thực phẩm khai thác từ biển, từ núi rừng…. Phía Nam người Italia họ cũng ăn cay. Người Việt Nam chúng ta cũng đã bắt đầu chú ý và sử dụng dầu olive, uống rượu vang trong bữa ăn. Đây là những nét văn hoá hội nhập mới rất hay để phát huy. Món Việt Nam hoàn toàn có thể kết hợp tốt với rượu vang các nước nói chung và vang Ý nói riêng. Nếu nắm kỹ về cách thức thì không khó cho việc lựa chọn và kết hợp giữa chúng.
 Ảnh nhân vật đang trình diễn pha chế cocktail

Có lúc nào anh có ý tưởng sẽ mở chuỗi nhà hàng thuần Việt tại Italia?

- Đây cũng là ước mơ của tôi, tôi muốn mở chuỗi nhà hàng Việt Nam mang phong cách bình dân, street food, và nhà hàng Việt Nam theo phong cách sang trọng fine-dining để nâng tầm cao mới cho món Việt Nam của mình, đồng thời kết hợp hoàn hảo món ăn Việt Nam với các loại rượu vang và thức uống khác nhau.

Nhiều bạn trẻ hiện nay khi chọn ngành nghề thường quan tâm đến những lĩnh vực hot và khả năng thành công cũng như có thu nhập sau khi ra trường mà ít chọn ngành đầu bếp, anh có ý kiến gì về vấn đề này? Phải chăng việc đào tạo đầu bếp chuyên nghiệp ở Việt Nam chưa được chú trọng để chúng ta có được những đầu bếp giỏi đem chiêng đi đánh xứ người, quảng bá các món ăn Việt Nam với bạn bè quốc tế?

- Thật ra, chúng ta cũng đã có nhiều đầu bếp chuyên nghiệp cả ở Việt Nam và trên thế giới, nhưng con số chưa thực sự nhiều. Nghề bếp khá vất vả, đòi hỏi sự đam mê, yêu nghề và quan trọng nhất là sức khoẻ và khả năng chịu được áp lực rất lớn từ công việc. Theo tôi, các bạn theo nghề bếp cần phải được đào tạo mạnh về kỹ năng quản lý (cost, nhân sự, menu) và đặc biệt là chú trọng đào tạo ngoại ngữ. Đây cũng là một trong những mặt hạn chế chủ yếu mà các bạn đầu bếp Việt Nam chưa thể vươn ra được ở nước ngoài. Có nhiều bạn đầu bếp trẻ rất giỏi, chuyên nghiệp và rất sáng tạo, nhưng lại không giỏi ngoại ngữ, là rào cản trong việc thăng tiến và phát triển cho chính nghề nghiệp mà các bạn đang theo đuổi.

Xin cảm ơn anh!

Anh Hồ Tuấn Minh sinh năm 1986 ở Quy Nhơn. Hiện định cư tại Italia. Một số giải thưởng danh giá trong lĩnh vực khách sạn – nhà hàng anh giành được:

- Giải Nhất cuộc thi tay nghề trẻ TP Hồ Chí Minh năm 2006

- Giải Ba Hội thi tay nghề quốc gia  năm 2006

- Giải Tay nghề trẻ xuất sắc Khu Vực Châu Á Asia Skills Competition  tại Brunei Darusalem năm 2006

- Giải Nhất Best Sommelier In Viet Nam 2009

- Giải Nhất cuộc thi Georges Baptiste cup 2009 cấp quốc gia (Giải thưởng danh giá về tay nghề nhà hàng) Huế Việt Nam

- Huy Chương Bạc cuộc thi Georges Baptiste cup 2009 cấp quốc tế, nhận thưởng Học bổng toàn phần chuyên tu tại Luxembourg và Nhận chứng chỉ loại giỏi