Sơn Đà là một trong những xã có vị trí đê xung yếu của TP. Vài năm gần đây, tình trạng sạt lở đất diễn ra phức tạp và nghiêm trọng. Nhà nước đã đầu tư cải tạo, xử lý sạt lở bờ sông ở thôn Khê Thượng, song trước diễn biến bất thường của thời tiết, tình trạng sạt lở vẫn âm thầm diễn ra, có những cung sạt lở lên đến hàng trăm mét, trong đó nghiêm trọng nhất là khu vực bờ sông đoạn qua thôn Đan Thê.Anh Trần Quang Vang - cán bộ địa chính xã Sơn Đà cho biết: Khu vực đất bãi của thôn Đan Thê nằm ở phía hạ lưu của sông Đà. Năm 2013, xã thực hiện dồn điền đổi thửa, quy hoạch thành vùng trồng cây ăn quả cho bà con. Tuy nhiên, do dòng chảy của sông Đà tập trung về phía hạ lưu, thêm vào đó, vị trí này lại chưa được kè chân, nên nguy cơ sạt lở rất cao. Bên cạnh đó, diễn biến của dòng chảy bất thường, mực nước lên xuống thất thường do mưa lũ và hồ Hòa Bình xả nước cũng là nguyên nhân dẫn đến sạt lở.
Ngoài ra, phía thượng lưu bờ sông huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ có xây dựng những cánh hàn nắn chỉnh dòng chảy từ năm 2008 đã làm thay đổi dòng chảy về phía hạ lưu, gây ra tình trạng dòng chảy cục bộ, dẫn đến sạt lở nghiêm trọng cho xã Sơn Đà. Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra nhiều đoạn sạt lở, chiều dài tuyến mỗi đoạn từ 70 - 100m, chiều rộng gần 40m. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, thì nguy cơ cả khu bãi bị cuốn theo dòng nước rất cao.Gia đình ông Đào Vương Thảo ở cụm 4, thôn Đan Thê, hiện đang canh tác cây ăn quả trên tổng diện tích 5,5ha. Ông Thảo lo lắng cho biết: “Tình trạng sạt lở ở khu vực này ngày càng nghiêm trọng, nhất là khi Thủy điện Hòa Bình xả lũ. Mới có mấy năm mà nước đã lấn sâu vào vườn nhà 40m”.Cùng cảnh ngộ, mảnh vườn đang canh tác cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Danh Bảy cũng bị sạt lở tới vài chục mét, cuốn trôi mấy hàng cây trồng trong vườn. Để hạn chế sạt lở, gia đình ông Thảo đã mua đất và chất thải xây dựng về đổ thêm, tuy nhiên giải pháp này cũng không mấy khả thi.Ông Nguyễn Quang Thắng - Chủ tịch UBND xã Sơn Đà cho biết: Trước tình hình sạt lở diễn ra nghiêm trọng trên địa bàn, chính quyền địa phương đã tuyên truyền để bà con nâng cao cảnh giác, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, nhất là khi có báo động lũ. “Về lâu dài, đề nghị huyện, TP và các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời, tiến hành thả đá hộ chân, lát mái kè để chống sạt lở đất, chống sạt lở bờ sông để Nhân dân yên tâm sinh sống” - ông Thắng đề xuất.