Tại Sơn La, đồng bào dân tộc Dao Tiền chiếm khoảng 1,7% tỷ lệ dân số của toàn tỉnh, sinh sống chủ yếu tại một số bản thuộc huyện Mộc Châu, Vân Hồ và Phù Yên... Đồng bào Dao Tiền tại đây vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống với tiếng nói, chữ viết riêng, các nghi lễ cổ truyền, trang phục và phong tục tập quán mang đặc trưng riêng biệt.
Trong kho tàng văn hóa của người Dao Tiền, có 3 di sản được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là: nghi lễ cấp sắc, nghi lễ rước dâu trong đám cưới truyền thống và nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền). Những di sản này được truyền qua nhiều thế hệ, gìn giữ, bảo tồn và phát huy cho đến hôm nay.
Trang phục Dao Tiền tuy không sặc sỡ như trang phục Dao đỏ nhưng có những điểm nhấn ấn tượng với kỹ thuật tạo hoa văn kỳ công, chứa đựng nhiều ý nghĩa về quan niệm, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc.
Bà Bàn Thị Tươi, bản Chiềng Đi, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ chia sẻ, người con gái Dao Tiền bắt đầu học thêu cùng các mẹ, các chị từ khi còn bé. Đến khi trở thành thiếu nữ là có thể tự nhuộm chàm, dệt vải, thêu áo, thêu khăn, làm váy, hoàn chỉnh những bộ trang phục cho riêng mình dùng làm của hồi môn khi xuất giá về nhà chồng.
Theo bà Tươi, trong quan niệm của dân tộc Dao, trang phục phải được nhuộm chàm tự nhiên mới có giá trị và được công nhận khi thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng của dân tộc. Người phụ nữ khéo tay, cần cù, tỉ mẩn thì mới làm được những bộ hoa văn đẹp mắt, lên màu chuẩn đẹp. Mỗi bộ trang phục mô phỏng về cuộc sống thường ngày, núi non, sông nước và ước vọng về đời sống thịnh vượng, tốt đẹp.
Một bộ trang phục hoàn chỉnh của nam giới bao gồm: áo, khăn quấn đầu, quần, có màu chàm là chủ yếu cùng một số hoa văn trên áo được thêu chỉ màu trắng đơn giản.
Trang phục nữ sẽ cầu kỳ hơn với áo, váy, khăn đội đầu, xà cạp, dây đai lưng cùng một số trang sức bằng bạc. Mỗi bộ phận trên trang phục đều phải làm mất rất nhiều thời gian. Khăn và áo được làm từ vải thô trắng nhuộm chàm, sau đó thêu hoa văn lên mặt trước tấm vải, can ghép vải để tạo hình, đính hạt cườm và tua rua bằng chỉ màu đỏ hoặc hồng lên khăn. Riêng áo được thêu hoa văn xếp tầng bằng chỉ màu trên gấu áo, vạt và lưng áo. Điểm nhấn là hoa văn hình vuông cách điệu tượng trưng cho mặt trời được thêu ở lưng áo với các màu: đỏ, vàng, trắng, xanh nổi bật trên nền chàm đen nền nã.
Hoa văn trên váy được tạo hình theo mẫu chung với 6 loại hoa văn chính: hhình đồng xu, kẻ ngang, hình chữ nhật xếp chồng vào nhau, hình chữ nhật có vạch kẻ bên trong, hình hoa văn sóng nước màu trắng, hình sóng nước màu chàm.
Điểm nhấn trong trang phục dân tộc Dao Tiền là những chi tiết đồng bạc được đính sau gáy áo, trên khăn, hình đồng xu vẽ trên váy và trang sức bằng bạc như: hoa tai, vòng cổ, vòng tay… Trong quan niệm của đồng bào, bạc trắng thể hiện cho sự giàu có, sung túc, phú quý. Đồng bạc cũng gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng, là lễ vật trong đám cưới và là vật giữ hồn đi theo người chết về với cát bụi.
Cùng với nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục dân tộc, lễ cấp sắc và nghi lễ rước dâu được coi là 2 nghi lễ vòng đời quan trọng nhất đối với người Dao Tiền.
Lễ cấp sắc hiện nay vẫn được người Dao Tiền ở Sơn La gìn giữ với nhiều nghi thức khá phức tạp, tổ chức trong 2 ngày 2 đêm. Đây là nghi lễ hội tụ đầy đủ những nét văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc của đồng bào Dao, quy tụ các thầy cúng, thầy hát giỏi, các già làng có uy tín cùng tham gia thực hành trong sự trang nghiêm, kính cẩn và không kém phần sôi động với những đêm múa chuông rộn ràng, thu hút cả bản làng cùng tham dự.
Kho tàng tri thức dân gian, văn hóa của dân tộc Dao Tiền còn được ghi chép bằng chữ viết riêng, là hệ thống chữ tượng hình được gọi là chữ Nôm Dao. Kho tàng này được lưu truyền từ đời này qua đời khác trong bộ sách cổ của đồng bào và được những người già trong các bản làng am hiểu chữ viết dân tộc sao chép, truyền thụ lại.
Các nghi lễ, trang phục truyền thống, tiếng nói và chữ viết của người Dao Tiền là những di sản vô giá, đến nay luôn được đồng bào gìn giữ vẹn nguyên, bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc mình.