Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sơn mài truyền thống “vượt khó”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngắm những sản phẩm sơn mài làng nghề Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) hẳn không ít người phải xuýt xoa thán phục trước sự sống động, tinh xảo mà các nghệ nhân ở đây đã tạo ra.

200 năm một làng nghề

Nghề sơn mài ở Hạ Thái mới hơn 200 năm tuổi, thuộc những làng nghề trẻ nhất trong các làng nghề nghề truyền thống ở Việt Nam, nhưng theo các nghệ nhân, nó đã "nâng nghề sơn lên thành nghệ thuật". Để ra đời một sản phẩm, người thợ phải kiên trì với phương pháp thủ công, thậm chí hàng tháng trời với tất cả sự công phu, cầu kỳ, điêu luyện. Để khi ngắm một sản phẩm được hoàn thành, người xem phải cảm nhận sự óng ánh của màu sắc đến độ lộng lẫy, kiêu sang; sự tinh tế, duyên dáng của họa tiết đến tuyệt vời; và cảm nhận được công phu, tỉ mỉ trong từng công đoạn của người thợ làm ra sản hẩm.

Muốn sản phẩm bóng bảy, mịn màng nhưng lại bền lâu, các nghệ nhân phải công phu ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Thường các chất liệu gốm, tre nứa, song mây, gỗ dán và gần đây có cả chất liệu composite… sẽ được sử dụng để tạo cốt. Sau công đoạn tạo cốt sẽ là hàng chục các công đoạn khác nhau để hoàn thiện sản phẩm. Theo những nghệ nhân làng nghề sơn mài Hạ Thái, nước sơn và nét vẽ chính là yếu tố quyết định làm nên vẻ đẹp của sản phẩm sơn mài. Nước sơn được pha chế sao cho "ra màu", không bị giả, không chói cũng không xỉn, càng nhìn càng thấy bóng bẩy, đằm thắm thì mới đạt yêu cầu. Ông Đỗ Văn Thừa, Chủ tịch hiệp hội Sơn mài Thành phố Hà Nội cho biết: Hiện nay, làng nghề đã áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào việc pha chế, thay đổi công đoạn phủ sơn, tạo cho sản phẩm độ bóng, bền, đẹp. Mỗi sản phẩm cũng phải đến 15 - 16 lớp sơn, ít cũng 10 lớp mới đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, các nghệ nhân làng nghề không ngừng sáng tạo, cải tiến hàng nghìn mẫu mã sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu và hấp dẫn khách hàng trong và ngoài nước.

Khó khăn cần vượt qua

Những năm gần đây, xuất khẩu là một trong những hướng đi chủ đạo mà các doanh nghiệp làng nghề sơn mài Hạ Thái đang thực hiện. Hạ Thái có gần 700 hộ, với hơn 3.000 nhân khẩu, có tới 90 % số hộ tham gia sản xuất sơn mài. Hiện làng nghề có 4 nghệ nhân được công nhận. Bên cạnh lao động địa phương còn có hơn 1.000 lao động các địa phương khác đang làm việc tại làng. Hàng sơn mài Hạ Thái chủ yếu dùng để xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật, Úc, Ý, Anh, Pháp, Nga...

Cũng như các làng nghề truyền thống khác, ở thời điểm này, khó khăn của làng nghề sơn mài Hạ Thái là chi phí đầu vào của sản phẩm. Nếu như trước đây, 1kg sơn chỉ có giá 300 nghìn đồng, hiện đã tăng gấp đôi. Vì vậy, không ít hộ kinh doanh phải sản xuất cầm chừng, duy trì nghề là chính. Một số hộ đã phải chuyển sang làm đồ thờ. Trong khi đó, thị trường trong nước tiêu thụ chậm, còn thị trường nước ngoài ngày càng yêu cầu cao về chất lượng và thời gian hoàn thành sản phẩm nhanh, giao hàng đúng hẹn như hợp đồng, khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn.

Để giải quyết bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm, nhiều doanh nghiệp làng nghề Hà Thái mạnh dạn đầu tư kinh phí cho công tác quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường trong đó chú trọng đến thị trường xuất khẩu thông qua việc tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước. Theo ông Đỗ Văn Thừa, 3 năm trở lại đây, đã có hàng chục lượt doanh nghiệp làng nghề Hạ Thái được hỗ trợ kinh phí Khuyến công tham gia các hội chợ trong và ngoài nước, trong số đó nhiều doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng và ký hợp đồng mới với giá trị xuất khẩu hàng trăm nghìn đô la Mỹ, tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động, điển hình như Công ty CP Thái Linh, Công ty TNHH Sơn mài Mỹ Thái, Công ty TNHH Sơn mài Thái Sơn, Công ty TNHH LV và Hòn Ngọc Viễn Đông, Công ty TNHH Nhật Linh... Chị Lưu Thị  Hương Giang, Công ty CP Thái Linh cho biết, hiện doanh nghiệp nhận  khoảng 15 - 20 đơn hàng xuất khẩu mỗi năm, trị giá khoảng 20.000USD/đơn hàng.

Ông Đỗ Văn Thừa cũng cho biết "Chúng tôi đang đề xuất với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN Hà Nội tiếp tục hỗ trợ để sản phẩm làng nghề có một thương hiệu riêng; tiếp tục hỗ trợ để các doanh nghiệp được tham gia các hội trợ, triển lãm trong và ngoài nước; đồng thời phối hợp, hỗ trợ kinh phí mở các lớp đào tạo chuyên sâu, vì hiện nay vấn đề lao động của làng nghề đang gặp khó khăn".