Góc bình yên bên vịnh Lòng Hồ
Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 50 phút lái xe, thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây đang nổi lên là một điểm du lịch mới đầy hấp dẫn, với những trải nghiệm độc đáo mà du khách khó có thể tìm thấy ở một nơi nào khác.
Điểm du lịch thôn Lòng Hồ có diện tích đất tự nhiên 90ha với khung cảnh còn giữ gìn được nhiều nét hoang sơ, giáp hồ Đồng Mô thơ mộng, giáp Tỉnh lộ 88 thuộc huyện Ba Vì dễ dàng cho việc di chuyển của du khách từ trung tâm TP Hà Nội và các tỉnh, thành khác… Đây là những điều kiện vốn có hết sức thuận lợi để phát triển du lịch trải nghiệm.
Nhận thấy tiềm năng du lịch to lớn của vịnh Lòng Hồ, từ năm 2020, Đảng ủy, chính quyền xã Kim Sơn đã định hướng xây dựng điểm du lịch thôn Lòng Hồ với sự tham gia trực tiếp của 14 cơ sở kinh doanh du lịch, phát triển theo nhiều mô hình đa dạng và nhận được sự cộng tác, đồng thuận của người dân địa phương.
Đến với Lòng Hồ, du khách sẽ thực sự được rời xa sự chật chội, ách tắc của nội đô. Cảm nhận đầu tiên của du khách khi đến với thôn Lòng Hồ là không khí trong lành, dễ chịu, cảnh vật còn nhiều nét hoang sơ, kích thích mong muốn được khám phá.
Theo hệ thống biển chỉ dẫn, xe sẽ đưa du khách đến điểm đón khách tập trung tại nhà văn hóa thôn Lòng Hồ. Tại đây, sẽ có biển chỉ dẫn cụ thể tới từng cơ sở du lịch và những nơi du khách có thể thăm quan.
Bên cạnh sự gợi ý của hướng dẫn viên, hành trình trải nghiệm có thể tùy theo nhu cầu thực tế của du khách. Những điểm dừng chân hấp dẫn ở khu vực vịnh Lòng Hồ có thể kể đến như vườn lan Nghinh Xuân Việt Nam; ẩm thực Hoa Viên; nhà vườn ông Bảy, homestay Nhà Duối…
Có thể khẳng định, điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn là một địa chỉ đầy hứa hẹn, lý tưởng để du khách trong nước cũng như quốc tế có những trải nghiệm mới mẻ, trong lành, thư giãn, gần gũi với thiên nhiên, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh, hiểu hơn về cuộc sống ở vùng thôn quê…
Điểm du lịch thôn Lòng Hồ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong vai trò thúc đẩy kinh tế, đảm bảo sự phát triển bền vững của địa phương và là tâm tư, nguyện vọng của tất cả người dân trong xã.
Đánh thức tiềm năng du lịch xứ Đoài
Theo thống kê của Phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Sơn Tây, tại địa phương có 244 di tích. Trong đó, 74 di tích đã được xếp hạng với 16 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 58 di tích xếp hạng cấp tỉnh, TP; 6 di tích cách mạng kháng chiến và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, thị xã Sơn Tây còn có 78 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 65 lễ hội, 6 nghề thủ công, 5 tập quán xã hội và 2 trình diễn; 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 8 di sản được ưu tiên bảo vệ…
Đây là tiền đề vô cùng quan trọng để Sơn Tây phát triển loại hình du lịch văn hóa lịch sử, lễ hội, tâm linh. Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, mục tiêu mà Sơn Tây luôn bám sát và thực hiện đó là Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025”; Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết số 09-NQ/TU về “phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”… Tất cả sẽ được cộng hưởng và giao thoa ở trong không gian di tích, di sản của Sơn Tây, đồng thời gắn với không gian phố đi bộ.
Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TU ngày 8/2/2017 về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thị xã, gắn với phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ giai đoạn 2017 - 2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết 12-NQ-TU ngày 1/6/2021 về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, gắn với phát triển kinh tế du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Được biết, mới đây, Đoàn khảo sát của Sở Du lịch TP Hà Nội tổ chức thẩm định công nhận 2 điểm du lịch trên địa bàn thị xã Sơn Tây là Lòng Hồ và Khu nghỉ dưỡng Glory Resort (khu Đồi Dài, xã Xuân Sơn).
Việc thẩm định đánh giá công nhận điểm du lịch dựa trên 3 nhóm tiêu chí căn cứ theo Nghị định số 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ gồm: Tài nguyên du lịch; Kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch và Điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.
Qua đánh giá thực tế, Đoàn khảo sát đóng góp thêm một số ý kiến để các đơn vị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, trình UBND TP công nhận điểm du lịch trong tháng 4/2023.
Sau khi được công nhận, Sở Du lịch TP Hà Nội sẽ hỗ trợ các đơn vị về thông tin quảng bá bằng giao diện 360° và các website; tham gia các sự kiện quảng bá sản phẩm du lịch. Đồng thời bồi dưỡng đào tạo cộng đồng làm du lịch; giới thiệu các tour, tuyến du lịch về tham quan, nghỉ dưỡng.
Đáng chú ý, chiều 10/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Thường trực Thành ủy đã đi khảo sát thực tế công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị nhiều di tích trên địa bàn thị xã Sơn Tây như: Đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng; đền và lăng vua Ngô Quyền; một số công trình hồ ao tại thôn Cam Lâm; đình làng Mông Phụ và một số ngôi nhà cổ tại di tích làng cổ ở Đường Lâm (xã Đường Lâm); thị sát di tích đền Và (phường Trung Hưng)...
Thay mặt Thường trực Thành ủy trao đổi với báo chí về kết quả buổi khảo sát, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định: Làng cổ ở Đường Lâm và các di tích trên địa bàn thị xã Sơn Tây có giá trị văn hóa lịch sử to lớn. Trong đó làng cổ ở Đường Lâm là di tích hiếm có, thuộc dạng độc nhất vô nhị của cả nước.
Buổi khảo sát đã giúp Thường trực Thành ủy đánh giá được tình hình công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của những di tích này thời gian qua; làm rõ từ thực tiễn những ưu điểm, hạn chế còn tồn tại.
Đây là cơ sở rất quan trọng để lãnh đạo TP xem xét, chỉ đạo trước hết là công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, đồng thời xây dựng các cơ chế nhằm đạt được 3 mục tiêu, vừa bảo tồn, gìn giữ những giá trị vô giá của di tích; vừa phát huy tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch, dịch vụ; đồng thời nâng cao điều kiện sống, bảo đảm sinh kế, gia tăng thu nhập cho người dân.
Thị xã Sơn Tây kiến nghị TP hỗ trợ kinh phí, cho phép và hỗ trợ thực hiện Quy hoạch chi tiết xây dựng bảo tồn và phát huy giá trị một số di tích gắn với phát triển dịch vụ, du lịch thị xã Sơn Tây bao gồm các nội dung như: Mở rộng khuôn viên và đầu tư hạ tầng cụm di tích đền vua Phùng Hưng, đền và lăng vua Ngô Quyền, khu di tích đền Và, Văn Miếu, Thành cổ; xây dựng cụm công viên sông Tích kết nối các điểm di tích bằng đường thủy và đường bộ...