Sơn Tây phát triển kinh tế - xã hội từ “đặc sản” văn hóa di sản

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị xã Sơn Tây xác định lấy văn hóa làm tài nguyên, nền tảng để phát triển. Sơn Tây phấn đấu trở thành cực tăng trưởng, kết nối vùng phía Tây Bắc Thủ đô để xứng đáng với tiềm năng, lịch sử và vị thế vốn có của vùng đất này.

Phố đi bộ thành cổ- một trong những "đặc sản" rất hút khách của thị xã Sơn Tây.
Phố đi bộ thành cổ- một trong những "đặc sản" rất hút khách của thị xã Sơn Tây.

Bí thư Thị ủy Sơn Tây đã chia sẻ như vậy khi nói về định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đây cũng là bí quyết để thị xã Sơn Tây có được những bước phát triển mạnh mẽ sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan.

Sơn Tây là quê hương của các vị anh hùng dân tộc và danh nhân như: Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Vua Ngô Quyền, Thám hoa Giang Văn Minh... Sơn Tây hiện có 244 di tích và hàng trăm ngôi nhà cổ. Trên địa bàn thị xã có rất nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng như: Đền Và, Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ ở Đường Lâm, hồ Đồng Mô, Khu sinh thái Asean resort, Thảo Viên, Glory Resort, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam….

Hiện địa phương có 2 điểm du lịch được UBND thành phố Hà Nội công nhận điểm du lịch là: Điểm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm và Điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn.

Đây là những “đặc sản” riêng của thị xã Sơn Tây mà không phải địa phương nào cũng có. Với lợi thế to lớn này, UBND thị xã Sơn Tây đã đề ra mục tiêu giai đoạn 2025 - 2030, thị xã phấn đấu trở thành một trong những địa phương trọng điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô. Năm 2022, thị xã Sơn Tây đón 653.741 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế 13.741 lượt, khách nội địa 640.000 lượt. Riêng điểm du lịch xã Đường Lâm đón 340.000 lượt khách.

Hồ Đồng Mô sẽ trở thành một trong những nguồn lực quan trọng để Sơn Tây phát triển du lịch trong tương lai gần.
Hồ Đồng Mô sẽ trở thành một trong những nguồn lực quan trọng để Sơn Tây phát triển du lịch trong tương lai gần.

Những năm qua, Sơn Tây đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều mô hình, điểm đến du lịch mới, như: Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, chùa Khai Nguyên, đền Măng Sơn (xã Sơn Đông), Văn Miếu - Sơn Tây (xã Đường Lâm); Đoài Creative, Phát Studio tại khu vực Làng cổ Đường Lâm cùng các khu nghỉ dưỡng cao cấp như: Tomodachi Retreat, Glory Resort…

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, trong thời gian tới, cùng với việc phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sẵn có, Sơn Tây sẽ tập trung nguồn lực, định hướng quy hoạch phát triển, hình thành 3 khu du lịch chính là khu du lịch Đồng Mô (là khu du lịch sinh thái kết hợp vui chơi, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng, trong đó có Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam); khu Trung tâm thị xã - Thành cổ - đền Và - Làng cổ Đường Lâm (là khu du lịch về di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng) và khu du lịch Xuân Khanh (là khu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, du lịch sinh thái).

Nhìn vào sự chuyển mình mạnh mẽ về mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của thị xã Sơn Tây trong thời gian vừa qua mới thấy rõ hiệu quả từ việc đưa các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và tâm linh trở thành tài nguyên, thành động lực phát triển mà địa phương này đã đang và sẽ còn đạt được nhiều trong thời gian tới. Đây sẽ là cơ sở vững chắc để biến thị xã Sơn Tây thành một trong những trung tâm du lịch, văn hóa của xứ Đoài nói riêng và của Thủ đô Hà Nội nói chung.