Cầu thủ này gục ngay trên sân và Samson đã nhận thẻ đỏ trực tiếp. Với pha bóng bạo lực của mình, Samson nhiều khả năng sẽ nhận án phạt bổ sung từ AFC.
Một pha tranh bóng giữa cầu thủ Hoàng Vũ Samson (Hà Nội FC) với đội HAGL. |
Mặc dù chưa về đến Việt Nam, nhưng thông qua người phát ngôn đội bóng, Samson đã gửi lời xin lỗi đến Ban lãnh đạo đội bóng cũng như người hâm mộ. Samson lý giải, anh không kiềm chế được là do đối thủ đã có lời lẽ phân biệt đối xử với mình. Lời giải thích này có thể khiến Samson nhận được sự cảm thông từ một bộ phận dư luận nhưng không thể kéo anh ra khỏi cuộc khủng hoảng về truyền thông. Bởi lẽ, một cầu thủ dạn dày kinh nghiệm trận mạc không thể có phản ứng thiếu kiềm chế như vậy.
Thực ra, Samson không phải là cầu thủ hiền lành. Anh nổi tiếng chơi rắn, thậm chí là tiểu xảo với đối thủ. Còn nhớ vào năm 2012, khi bị trung vệ Huy Hoàng (SLNA) chơi rắn, Samson đã có pha vờ ngã và đạp thẳng vào chân đối phương. Hệ quả là Huy Hoàng phải nhập viện khẩn cấp và phải nhận thêm án phạt từ VFF vì pha vào bóng với Samson. Tất nhiên là Samson cũng nhanh chóng gửi lời xin lỗi với Huy Hoàng và nhận án phạt cấm 3 trận vì pha trả đũa lộ liễu. Cũng cách đây không lâu, chính Samson đã khiến dư luận nổi sóng vì pha vào bóng ác ý với Châu Ngọc Quang của HAGL. Sau rất nhiều tranh cãi, VFF đã cấm thi đấu 2 trận với Samson vì pha phạm lỗi kể trên...Samson nổi tiếng là lắm tiểu xảo ở sân chơi V.League vốn bị nhuốm màu bạo lực. Nhiều người nói rằng, cách hành xử thiếu chuyên nghiệp và bạo lực của các cầu thủ nội khiến những cầu thủ ngoại có xu hướng phải đề phòng, thậm chí là phản ứng tiêu cực để bảo vệ đôi chân của mình. Thế nhưng, trong vòng vài năm mà có đến năm bảy lần ra đòn với đối thủ như kiểu Samson thì dù là nhằm để tự vệ, hay bị khiêu khích cũng khó có thể chấp nhận.Nhiều người cho rằng, Samson đã mắc lỗi lớn khi để đối phương đưa vào bẫy khiêu khích. Lẽ ra anh cần phải phản ứng ôn hòa nhằm tránh mang đến tổn thất cho đội bóng của mình. Bởi lẽ, tiểu xảo đang được cho là một phần của bóng đá. Các đội bóng thường nghiên cứu rất kỹ từng cầu thủ của đối phương để giăng bẫy phản ứng. Thường thì trên sân, các cầu thủ không ngừng đưa ra những khiêu khích để buộc đối phương phải phản ứng để rồi nhận thẻ. Nổi tiếng nhất là cái húc đầu của Zidane đối với Materazzi sau khi bị khiêu khích khiến Pháp đánh mất Cúp vô địch World Cươp 2006 vào tay Italia. Người Pháp nổi đóa khi biết rằng Materazzi đã có hành động phân biệt đối xử với Zidane. Tuy nhiên, rất nhiều cổ động viên Iatalia lại coi Materazzi là người hùng.Ở Việt Nam, các cầu thủ cũng thường xuyên sử dụng tiểu xảo, nhất là khi thi đấu trên sân nhà. Từ việc đánh nguội, đến những lời nhỏ to xúc phạm đối phương liên tục được sử dụng. Nổi tiếng nhất chính là những lần các cầu thủ Thể Công “khích” thủ thành Đỗ Thành Tôn của Công an Hà Nội nổi đóa và sau đó là nhận thẻ vàng, thẻ đỏ… Nhưng, bóng đá không có chỗ cho những “chú cừu non”, nên bản thân các cầu thủ phải học được chữ nhẫn ở những thời điểm quyết định, nếu không muốn bị trả giá.