Sóng đầu tư đổ mạnh về Hà Nội

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tổng số 31,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 11 tháng qua, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, Hà Nội dẫn đầu với tổng số vốn đăng ký gần 7 tỷ USD, chiếm gần 1/4 tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 11 tháng qua.

Sản xuất đĩa thủy tinh dùng trong ổ cứng tại Công ty Hoya Glass Disk Việt Nam, khu CN Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải
Dẫn đầu cả nước thu hút FDI
Báo cáo của Sở KH&ĐT Hà Nội, tháng 11, TP có 60 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 600 triệu USD. Trong số này có 52 dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; 8 dự án liên doanh, liên kết. Bên cạnh đó, có 8 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư bổ sung đạt 6,7 triệu USD. Cũng trong tháng 11/2019, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) góp vốn, mua phần vốn góp đạt 72,9 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 25/11/2019, tổng vốn đăng ký của các dự án thành lập mới và dự án bổ sung tăng vốn đạt 2.142 triệu USD, trong đó đăng ký mới 788 dự án với số vốn đạt 1.562 triệu USD; 160 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 580 triệu USD. Trong 11 tháng năm 2019 NĐTNN góp vốn, mua phần vốn góp đạt 5.330 triệu USD.
Hà Nội được các NĐTNN lựa chọn bởi có cơ sở hạ tầng tốt, các khu công nghiệp hoàn thiện, giao thông thuận lợi. Hà Nội là trung tâm kinh tế, công nghiệp thương mại, dịch vụ… đặc biệt, dân số Hà Nội đang tăng mạnh, tạo ra lực cầu về nhà ở lớn. Vì thế, lĩnh vực thu hút vốn FDI lớn nhất của Hà Nội là bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ thương mại, thông tin truyền thông...
TS Nguyễn Minh Phong
Các quốc gia đứng đầu về quy mô vốn đầu tư tại Hà Nội là Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc. Các dự án lớn từ đầu năm đến nay đã đầu tư vào Hà Nội như Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội. Dự án Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam (Hồng Kông) với mục tiêu thiết kế, lắp ráp và sản xuất linh kiện điện tử tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 200 triệu USD.
Đáng chú ý, trong chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ đi thăm, làm việc tại Hàn Quốc vừa qua, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã trao 4 quyết định chủ trương đầu tư trị giá hơn 400 triệu USD, ký các biên bản ghi nhớ đầu tư vào Hà Nội trị giá hơn 4 tỷ USD.
Sẽ cán ngưỡng 8 tỷ USD vốn FDI
Năm nay, Hà Nội phấn đấu thu hút hơn 7,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, nhiều chuyên gia dự báo hết năm nay Hà Nội sẽ thu hút trên 8 tỷ USD, bằng 1/4 tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của cả nước. Và như vậy 2019 sẽ là năm thứ 2 liên tiếp Hà Nội vươn lên dẫn đầu cả nước, sau khi đã có một năm 2018 thành công đạt khoảng 7,5 tỷ USD (tăng gần 2,2 lần so với năm 2017) về thu hút FDI, mức cao nhất kể từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài.
Kết quả này là nhờ việc áp dụng thành công dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong đăng ký kinh doanh và nhiều tiện ích hỗ trợ DN. Năm 2018 chỉ số năng lực cạnh tranh của Thủ đô Hà Nội tăng 4 bậc và nằm trong top 10 địa phương có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước.
Theo kế hoạch, đến năm 2025 Hà Nội cần khoảng 3 triệu tỷ đồng để đầu tư phát triển. Trong khi nguồn ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 20%, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính theo hướng thuận lợi, thông thoáng, sẽ chính là giải pháp hàng đầu để Hà Nội đảm bảo thực hiện được kế hoạch đã đề ra.
Trong thời gian tới, Hà Nội định hướng thu hút FDI theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững, ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao. TP tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút đầu tư; đẩy mạnh tăng trưởng, kiên trì các giải pháp cải thiện chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho DN. TP luôn xác định cộng đồng DN nói chung, cộng đồng DN FDI nói riêng là động lực quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô.