Hà Nội được biết đến là thành phố nằm giữa các dòng sông, và hai con sông góp phần làm nên đặc trưng đó của Thủ đô chính là sông Hồng và sông Đáy. Trong khi sông Hồng đang đối mặt với nguy cơ mực nước hạ thấp thì “người bạn đồng hành” sông Đáy đang ngày đêm bị tấn công bởi rác thải, công trình trái phép, khiến con sông từng được coi là một trong những biểu tượng thiên nhiên của Thủ đô cứ chết dần chết mòn bởi hành động vô cảm của con người.
Kỳ 1: Bất ngờ từ hành trình đi tìm sự thật
Những đống chất thải đổ sát bờ sông Đáy, tràn xuống cả dưới dòng chảy trông không khác gì những “khối u di căn” đang ngày đêm giết chết một dòng sông.
Núp bóng nhà vườn, đổ thải lấp sông
Cầu Mai Lĩnh bắc qua sông Đáy, nối liền hai phường Đồng Mai và Biên Giang, quận Hà Đông, TP Hà Nội là nơi phóng viên Kinh tế & Đô thị chúng tôi chọn làm điểm khởi đầu của hành trình làm rõ những tác nhân gây ô nhiễm sông Đáy. Từ trên cầu nhìn xuống, dòng sông đáy đen ngòm lừ đừ chảy một cách mệt mỏi.
Hai bên bờ sông, thấp thoáng dưới những rặng tre già xơ xác lấp ló những nhà xưởng lợp tôn - dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện của những “vị khách không mời” trên “lãnh thổ” con sông tự bao giờ.
Nhìn cảnh rậm rạp hai bên bờ sông, chúng tôi quyết định đi ngược dòng hướng về trạm bơm Yên Nghĩa nơi có những con đường mòn có thể đi ra sát bên sông, để có thể quan sát kỹ nhất hiện trạng dòng chảy của sông Đáy.
Đúng như dự đoán, ngay sát trạm bơm Yên Nghĩa là một con đường lớn được đổ bê tông kiên cố dẫn thẳng ra bờ sông. Một dãy nhà xưởng án ngữ dọc theo con đường bê tông đến sát bờ sông rồi tiếp tục vắt sang bên phải, chạy dài tít tắp dọc bờ sông.
Những dãy nhà xưởng được dựng lên kiên cố bằng khung sắt, lợp mái tôn soi bóng xuống dòng nước đen thẳm của dòng sông Đáy càng làm cho cảnh tượng thêm ảm đạm. Ngay sát dãy nhà xưởng, hàng loạt chất thải các loại được đổ thẳng xuống bờ sông.
Những đống chất thải này được tập kết rất có chủ đích, từng bước tràn xuống mặt nước, lấn dần dòng chảy. Theo quan sát, khu vực trên là đường Bờ sông mới, thuộc địa phận xóm 4, thôn Đồng Nhân, xã Đông La, huyện Hoài Đức.
Men theo đường Quán Chảy (thôn Đồng Nhân, xã Đông La) vào ngõ 29 rồi tiếp tục tiến sâu vào con ngách số 19, chúng tôi bất ngờ phát hiện bãi chất thải khổng lồ nằm ngay sát bờ sông Đáy. Đường vào bãi thải này là mảnh đất trống nằm giữa hai nhà vườn trồng lan được quây bằng lưới đen kín mít.
Đi hết mảnh đất trống này là một khu đất bồi nằm sát bờ sông, rải rác trên bãi bồi là những khoảnh ruộng rau, hoa màu do người dân canh tác. Ngay sát những khoảnh hoa màu này, nơi tiếp giáp với dãy nhà vườn trồng lan là bãi thải khổng lồ rộng hàng trăm mét vuông được đổ cao tới vài mét.
Ngoài đất, đá, chất thải xây dựng còn có rất nhiều cành cây, túi nilon, rác thải sinh hoạt… được tập kết… và từng bước lấn ra sát bờ sông, tạo thành mặt bằng lớn.
Vào thời điểm chúng tôi ghi hình, tại đây có một người phụ nữ đang làm công tác dọn dẹp và nhổ cỏ trên ruộng rau. Người phụ nữ này cho biết, bãi thải xuất hiện từ lâu và ngày càng lan rộng ra khu vực bờ sông.
Cũng theo người phụ nữ này, tình trạng đổ thải thường xuất hiện vào ban đêm bởi nhiều lần khi ra thăm ruộng vào sáng sớm, người này thấy nhiều đống chất thải mới được đổ vào tối hôm trước.
Theo quan sát, với khối lượng chất thải khổng lồ cùng những dấu vết để lại nơi đây thì các đối tượng đổ thải chắc chắn phải dùng xe cơ giới cỡ lớn (xe tải). Chỉ có điều, tiếng ồn mà loại phương tiện này gây ra, không hiểu tại sao không bị phát hiện và ngăn chặn?!
Lấp sông lấy mặt bằng cho thuê làm dự án
Rời xã Đông La, chúng tôi quyết định thay đổi lịch trình. Thay vì tiếp tục ngược theo dòng sông Đáy đi về hướng Đông Bắc, chúng tôi tiếp cận lòng sông từ đại lộ Thăng Long, chạy men theo đường đê đến khu vực cầu sông Đáy, thuộc địa phận xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
Từ trên cầu, phóng tầm mắt nhìn ra xa, lòng sông Đáy cạn trơ, chỉ còn một dòng chảy nhỏ. Dòng nước đen lầm lì trôi. Dưới lòng sông trơ cạn đã biến thành những bãi đất trống khá rộng, cỏ mọc xanh rì. Theo lời chỉ dẫn của đám trẻ đang chơi ở đây, chúng tôi cuốc bộ xuống dưới lòng sông.
Xuất phát chưa được bao lâu, thủ phạm bức tử sông Đáy đã dần hiện ra trước mắt. Chỉ trong một đoạn sông chưa đầy 100m đã có tới 3 bãi bồi lớn được hình thành từ gạch, đá, chất thải các loại tràn xuống lấp lòng sông.
Sự bành trướng của những bãi thải này lớn đến mức, dòng chảy sông Đáy có nơi bị thu hẹp đến quá nửa, nước bị ùn ứ, cố gắng thoát một cách khó nhọc. Men theo lối bãi thải, chúng tôi trèo lại lên trên bờ, bất ngờ nhận ra phía trên các bãi thải này đã biến thành mặt bằng kiên cố tự bao giờ.
Một dãy nhà quây tôn đã nằm chềnh ềnh trên mặt bằng hình thành từ bãi thải. Trên dãy nhà treo băng rôn đỏ với dòng chữ “Ban chỉ huy công trường”, “An toàn - chất lượng - tiến độ”. Ngay cạnh đó, một bãi thải lớn khác đã được tập kết sẵn ven đường, ngay sát bờ sông Đáy. Chất thải ở đây chủ yếu là đất, đá, phế thải xây dựng.
Tất cả được xếp thành nhiều đống lớn chồng lấn lên nhau, một số chỗ có dấu hiệu được san lấp bằng xe cơ giới cỡ lớn. Trở lại dưới lòng sông Đáy, quyết định đi xuôi về phía cầu 72II, chúng tôi ghi nhận thêm hàng loạt bãi thải đổ xuống lấp lòng sông.
Đặc biệt, đi sâu vào con ngõ 156A đường Vân Côn, rất nhiều nhà dân được xây dựng sát bờ sông, tình trạng đổ thải để lấn lòng sông cũng xuất hiện ở nhiều nơi.
Suốt hành trình gần một tháng đi tìm sự thật sông Đáy đang bị bức tử, chúng tôi đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ bất ngờ tới bàng hoàng, xót xa, căm giận xen lẫn khó hiểu. Xót xa cho dòng sông Đáy từng là biểu tượng một thời đang bị “bức tử”.
Căm giận cho hành vi xâm hại sông Đáy của những kẻ vô tâm, coi thường pháp luật. Và, hơn hết là cảm giác khó hiểu vì những điểm xâm phạm sông Đáy kia đều diễn ra một cách công khai, kéo dài mà chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương đều không hề có động thái can thiệp và ngăn chặn.
(còn nữa)