Đây chính là cơ sở để nhiều chuyên gia đưa ra nhận định rằng, làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục mạnh mẽ dưới sự tác động của cả yêu cầu chính sách và yếu tố thị trường. Xu hướng tất yếu Trong năm 2016, ngành ngân hàng Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nợ xấu tồn đọng lớn trong hệ thống, cần vài năm để giải quyết. Thứ nhất, các ngân hàng đã và đang tiếp tục thực hiện bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), nhưng giải pháp xử lý các khoản nợ xấu đó vẫn còn chậm. Thứ hai, các ngân hàng đang tiến tới áp dụng chuẩn mực Basel II đợt đầu tiên. Dự kiến, từ tháng 2/2017 sẽ có những yêu cầu cao hơn so với quy định tỷ lệ an toàn vốn hiện hành và M&A sẽ trở thành một xu thế tất yếu.
Trong giai đoạn 2011 – 2015, hoạt động M&A ngân hàng thương mại diễn ra khá sôi động, chủ yếu nằm trong chương trình tái cơ cấu bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), ổn định thị trường tiền tệ. Số lượng TCTD đã giảm 19 tổ chức thông qua việc thực hiện M&A, giải thể, thu hồi giấy phép. Trong đó, có 9 ngân hàng, 2 TCTD phi ngân hàng và 8 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ông Bùi Huy Thọ - Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN cho biết, theo đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý có hiệu quả nợ xấu, đến năm 2020, hệ thống ngân hàng Việt Nam phải có ít nhất 1 - 2 ngân hàng thương mại có quy mô và trình độ tương ứng với các ngân hàng trong khu vực để từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Vì thế, trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả triển khai đề án tái cơ cấu ngân hàng trong giai đoạn 2011 - 2015, NHNN đang khẩn trương triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại TCTD, xử lý kiên quyết và dứt điểm các tổ chức yếu kém; đặc biệt chú trọng nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý, giám sát, cơ chế hỗ trợ cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được mua lại. Theo ông Bùi Huy Thọ, M&A là một giải pháp phổ biến, hiệu quả để xử lý các TCTD yếu kém, có nhiều lợi thế so với các biện pháp khác. Đặc biệt là có sự hỗ trợ can thiệp của NHNN để đảm bảo quá trình M&A không làm gián đoạn hoạt động của các TCTD, bảo toàn được quyền và lợi ích của cổ đông, khách hàng, tiết kiệm chi phí, thời gian, nguồn nhân lực. Hiện nay, vẫn còn tới 12 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 4.000 tỷ đồng, đây là số vốn điều lệ khá khiêm tốn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, cần có nguồn vốn mạnh để đẩy mạnh các hoạt động cho vay và tài trợ thương mại cũng như để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin, phục vụ kinh doanh… và cũng còn khá nhiều tổ chức tài chính đang gặp nhiều vấn đề trong hoạt động. Vì thế, trong giai đoạn tới sẽ là giai đoạn để các ngân hàng này tiếp tục có cơ hội tái cấu trúc, buộc phải tìm các đối tác tương xứng để tiến hành hoạt động sáp nhập để không bị đào thải. Kỳ vọng vốn ngoại
Gần đây, thị trường tài chính chứng kiến nhiều thương vụ bán vốn của các ngân hàng cho nhà đầu tư ngoại, mới đây nhất, Vietcombank bán 7,73% vốn điều lệ cho đối tác GIC Special Investments – quỹ đầu tư quốc gia của Singapore do Thủ tướng Lý Hiển Long làm Chủ tịch. Sau thương vụ trên, Vietcombank trở thành tâm điểm trong ngành ngân hàng, góp phần đưa cổ phiếu ngân hàng này tăng “phi mã”. Cách đây gần nửa tháng (ngày 26/8), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) – thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group) đã chính thức công bố trở thành cổ đông của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Gói đầu tư của IFC vào TPBank có giá trị 403,1 tỷ đồng (khoảng 18,3 triệu USD) thông qua hình thức mua cổ phiếu ưu đãi, cho phép IFC sở hữu 4,99% cổ phần tại TPBank. Không riêng TPBank, IFC cũng là nhà đầu tư rót vốn vào Ngân hàng ABBank với tỷ lệ sở hữu 10%, VietinBank với tỷ lệ 8,03% cổ phần. Còn tại Eximbank, cổ đông lớn nhất là Sumitomo Mitsui Banking Corporation - SMBC (Nhật Bản) với 185.329.207 cổ phần, chiếm tỷ lệ sở hữu 15%. Đại diện phần góp vốn của SMBC là ông Naoki Nishizaw - Phó Chủ tịch HĐQT. Có thể thấy, các thương vụ trao đổi, mua bán cổ phần các ngân hàng của các đối tác ngoại rất sôi nổi thời gian vừa qua. Trong giai đoạn từ nay đến khi làn sóng M&A nở rộ trên thị trường tài chính thì việc mua lại cổ phần của ngân hàng “nội” sẽ được nhiều nhà băng “ngoại” tăng cường mạnh mẽ. Vì so với thủ tục xin thành lập một ngân hàng con 100% vốn ngoại thì việc mua lại một tỷ lệ cổ phần của ngân hàng trong nước được thực hiện dễ hơn. Theo định hướng của Chính phủ, với các ngân hàng đang giai đoạn tái cơ cấu, nếu một nhà băng muốn tỷ lệ cổ phần cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài vượt mức cho phép cũng sẽ được xem xét để nâng cao tiềm lực tài chính và đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu. Vì thế, không chỉ thu hút vốn ngoại trong các đợt tăng vốn gần đây, Tổng Giám đốc một ngân hàng cho biết, ngân hàng ông đã có kế hoạch trình NHNN xin chủ trương bán vốn cho NĐT nước ngoài, với tỷ lệ trên 50%, nhưng còn phải chờ ý kiến từ Chính phủ và NHNN. Đây cũng được xem là giải pháp hiệu quả, giúp quá trình tái cấu trúc ngành đúng hướng và hiệu quả. Theo đại diện các ngân hàng, yếu tố quan trọng trong việc gọi vốn ngoại vẫn là tìm được NĐT phù hợp và có chiến lược đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới, sau đó mới xem xét đến yếu tố giá cả. Trên thực tế, giá mua bán giữa NĐT thông thường và NĐT chiến lược cũng rất khác nhau bởi còn liên quan đến quyền kiểm soát ngân hàng. Đối với các NĐT nước ngoài, tài chính - ngân hàng Việt Nam vẫn là lĩnh vực hấp dẫn, tuy nhiên, họ sẽ không đầu tư với bất kỳ giá nào và để quyết định rót vốn, nhất là với các ngân hàng nhỏ, yếu kém và đang trong quá trình tái cơ cấu, họ cũng xem xét rất kỹ lưỡng. TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN nhận xét, thời gian qua, ngành ngân hàng đã trải qua cuộc “đại phẫu” và không ít nhà băng phải đối mặt với làn sóng M&A. Nhưng bên cạnh những ngân hàng đã thu hút vốn ngoại thành công, cũng có không ít nhà băng thất bại trong đàm phán gọi vốn ngoại để tránh M&A hay bị mua lại với giá 0 đồng. “Điều quan trọng nhất đối với ngân hàng nội hiện nay là phải từng bước củng cố, đẩy mạnh tái cấu trúc, mở rộng hoạt động, ổn định bộ máy, để thu hút NĐT chiến lược phù hợp. Như thế, vị thế của ngân hàng cũng thay đổi” - TS Cao Sỹ Kiêm chia sẻ.
Vietcombank gần đây đã bán 7,73% vốn điều lệ cho đối tác GIC Special Investments – quỹ đầu tư quốc gia của Singapore. Ảnh: Thanh Hải |
Theo Bộ phận Tư vấn M&A của Deloitte: Mục tiêu của các NĐT tư khi đầu tư vào ngân hàng nhỏ, yếu kém là để có thể phát triển nó mạnh lên. Vì thế, ngoài yếu tố về giá được xem là một trong những nhân tố sẽ quyết định, NĐT cũng quan tâm nhiều hơn đến yếu tố tăng trưởng, cho dù lĩnh vực tài chính – ngân hàng Việt Nam vẫn được đánh giá còn nhiều tiềm năng. |
Thời gian qua, biện pháp M&A các TCTD đã chứng tỏ và phát huy tác dụng. Các vấn đề yếu kém, tồn tại của TCTD sau M&A đã từng bước được xử lý. Các TCTD sau M&A nhìn chung đều hoạt động ổn định, chất lượng tài sản được tăng cường, các chỉ số an toàn đều được cải thiện. Do đó, NHNN sẽ tiếp tục khuyến khích các TCTD thực hiện M&A trong thời gian tới. Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát, NHNN Bùi Huy Thọ NHNN và Chính phủ sẽ quyết tâm đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc trong thời gian tới. Tùy thuộc vào hoạt động tái cấu trúc của VietinBank và điều kiện kinh tế thị trường cũng như định hướng của Chính phủ, song VietinBank tin tưởng rằng việc mua bán, sáp nhập các ngân hàng sẽ rất sôi động trong thời gian tới. Hiện tại, chúng tôi đã có kế hoạch trung hạn và xem xét khẩn trương việc tham gia tái cấu trúc tín dụng, có mua bán hợp nhất (M&A) các ngân hàng để tăng cường mức độ ảnh hưởng cũng như quy mô kinh doanh. Chủ tịch HĐQT VietinBank Nguyễn Văn Thắng Đến năm 2017, Việt Nam sẽ giảm số lượng từ 34 về mức 15 - 20 ngân hàng thông qua nhiều cách thức mua bán sáp nhập. Việt Nam có quá nhiều ngân hàng nhỏ nên việc giảm xuống 20 ngân hàng là cần thiết, tuy vậy quan trọng là phương thức, quy trình sáp nhập, hợp nhất phù hợp. Con số không quan trọng bằng cải cách của NHNN. Chuyên gia kinh tế trưởng WB Sandeep Mahajan |