Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sống trong sợ hãi vì ám ảnh bị 'kẻ xấu' hại

Chia sẻ Zalo

KTÐT - Bất kể trời nóng thế nào, dù đang ở nhà, bà Vân, 58 tuổi, Phú Thọ cũng cuốn hai lượt khăn và trùm mũ vải lên đầu, đeo kính râm, khẩu trang. Ngay cả lúc ngủ bà cũng để nguyên trạng vì sợ bị "kẻ xấu" tạt hóa chất qua khe cửa.

KTÐT - Bất kể trời nóng thế nào, dù đang ở nhà, bà Vân, 58 tuổi, Phú Thọ cũng cuốn hai lượt khăn và trùm mũ vải lên đầu, đeo kính râm, khẩu trang. Ngay cả lúc ngủ bà cũng để nguyên trạng vì sợ bị "kẻ xấu" tạt hóa chất qua khe cửa.

Vốn là một giáo viên cấp 3 mới nghỉ hưu, mọi người vốn chỉ nghĩ bà Vân hơi "hâm hấp" vì không chồng. Thế nhưng, gần đây đi đâu bà cũng kể mình bị "kẻ xấu" theo dõi, ám sát vì muốn cướp nhà. Lúc thức cũng như ngủ bà đều trùm khăn, mũ vải lên đầu để tránh không bị tạt hóa chất.

Vẫn chưa thấy yên tâm, vì sợ "kẻ xấu" ngâm hóa chất vào thức ăn để "đầu độc" mình, bà đi mua hẳn két sắt về, cho thức ăn vào trong khóa kỹ lại. Lúc nào bà cũng kè kè bên mình quyển sổ ghi tên, địa chỉ, điện thoại của công an tỉnh, huyện nơi sống.

Tiến sĩ - bác sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Tuna (Phố Vọng, Hà Nội) cho biết, trong xã hội ngày nay, những trường hợp mắc chứng sợ vô cớ như trên không phải là hiếm gặp và với những mức độ khác nhau. Như bà Vân là trường hợp nặng, nỗi sợ hãi lớn dần dẫn đến những suy nghĩ hoang tưởng. Đây là một dạng rối loạn lo âu, chứng bệnh thường gặp trong tâm thần.

Theo tiến sĩ, rối loạn lo âu là sự lo sợ quá mức có tính chất mơ hồ, vô lý, lặp lại và kéo dài gây ảnh hưởng tới sự thích nghi với cuộc sống. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng. Đó có thể là một quan chức nhà nước, có năng lực, làm việc tốt nhưng lúc nào cũng sợ không hoàn thành nhiệm vụ. Được phân công đi công tác thì lại sợ đi máy bay bị rơi.

"Có sinh viên lại luôn ám ảnh sợ làm hại người khác, đi qua đường đẩy họ bị ngã, trông thấy vật nhọn thì sợ cầm đâm vào người ta. Có người lại sợ mặt xấu, lúc nào cũng nghĩ mình xấu xí, thấy xấu hổ, không muốn tiếp xúc với bạn bè... Ai cũng có nỗi sợ hãi của riêng mình, vấn đề là ở mức độ nào, có ảnh hưởng đến cuộc sống hay không", tiến sĩ Bưởi nói.

Những nỗi sợ hãi đó có thể xuất hiện tự nhiên hoặc sau một sang chấn tâm lý, stress như trường hợp của Minh, 9 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội.

Chứng kiến một người bạn cùng lớp đột tử, từ đó trở đi lúc nào cậu bé cũng sợ cái chết. Cậu có thói quen nhìn đồng hồ liên tục, thấy đồng hồ chạy nhanh thì nghĩ mình sắp chết. Cũng vì thế, cậu không thể tập trung vào học, điểm số ngày càng giảm sút.

"Nhiều lúc đi làm về, tôi thấy cháu đóng kín cửa phòng, trùm chăn kín mít người run cầm cập, hỏi thì nó bảo 'con trốn ông thần chết'. Thấy con ngày càng gầy yếu, xanh xao, đêm không ngủ được, thậm chí có lần tôi nhìn thấy cháu cầm cả con dao rồi nhìn chằm chăm vào nó. Tôi lo quá mới vội đưa con đến gặp bác sĩ", chị Dung, mẹ Minh buồn bã kể lại.

Tiến sĩ Bưởi giải thích, ở trường hợp của Minh, cái chết của người bạn đã khiến cậu bé rơi vào hoảng loạn. Nỗi sợ hãi đó càng lớn dần lên nhưng cậu bé lại không biết giải tỏa cùng ai, mà cứ giữ kín trong lòng đến mức không kiểm soát được. Thậm chí, cậu từng tìm đến cái chết như một cách giải tỏa.

"Mẹ cậu bé rất chiều con, còn bố thì có phần nghiêm khắc và hơi lạnh lùng. Nhưng cả hai đều mải lo kiếm tiền nên đã không dành nhiều thời gian cho con", tiến sĩ Bưởi nói.

Hay như trường hợp của chị Linh, 30 tuổi, ở Từ Liêm, Hà Nội, thì lại do đọc báo, xem truyền hình thấy nói nhiều về mấy vụ cướp giết, hành hung sinh ra hoảng sợ. Thấy cái gì chị cũng sợ, cũng liên tưởng ra đủ thứ chuyện.

Một lần đi lạc đường, chị định đứng lại hỏi thăm một ông ngồi trên xe máy nhưng thấy người này đang cầm dao gọt ổi, thế là chị quay xe luôn. Lý do là vào hỏi chị sợ ông ấy mắc chứng hoang tưởng lại đâm cho phát. Đi đường thấy xe nào đi sát vào chị cũng sợ bị cướp.

"Đi đường thì luôn luôn sợ bị tai nạn giao thông. Đi ăn sáng trông thấy ai đeo kính đen, trông ngầu là tôi không dám nhìn vì sợ nó chửi, đánh vì bảo nhìn đểu", chị Linh chia sẻ.

Theo tiến sĩ Bưởi, rối loạn lo âu có nhiều dạng khác nhau: lo âu lan tỏa, lo âu hoảng sợ, ám ảnh cưỡng bức, sợ khoảng trống... Những nỗi sợ hãi đó nếu không khắc phục thì cuộc sống của người mắc chứng sợ này rất khó sống thanh thản, hạnh phúc. Những người mắc chứng bệnh này rất cần sự quan tâm, chia sẻ của người thân.

Người bệnh nên đến gặp các nhà chuyên môn để được thăm khám và có biện pháp điều trị thích hợp tránh để tình trạng nỗi sợ càng lớn dần lên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, có thể chia sẻ cảm giác của mình với người khác để giảm nhẹ lo âu, ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí hợp lý, thường xuyên tập thể dục, thể thao...