Sốt bất động sản Hà Nội có dấu hiệu hạ nhiệt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lao vào bốc thăm quyền mua căn hộ bằng mọi cách song do không bán được suất mua, một số khách hàng đã bỏ cọc quyền mua tại dự án Nam Cường. Chênh lệch suất mua đất dự án tại những khu đô thị như Bắc An Khánh, Nam An Khánh... cũng giảm nhẹ.

KTĐT - Lao vào bốc thăm quyền mua căn hộ bằng mọi cách song do không bán được suất mua, một số khách hàng đã bỏ cọc quyền mua tại dự án Nam Cường. Chênh lệch suất mua đất dự án tại những khu đô thị như Bắc An Khánh, Nam An Khánh... cũng giảm nhẹ.

Sau đợt bốc thăm đầu tiên quyền mua căn hộ dự án Nam Cường, mỗi suất trúng thăm được mua lại với giá 150 - 180 triệu đồng. Sau đợt hai vừa qua, chênh lệch quyền mua mỗi căn hộ chỉ còn 100 triệu đồng, sau đó hạ xuống 80 triệu đồng và giờ chỉ dao động ở mức 40 triệu đồng.

Với đà này, giới kinh doanh địa ốc cho rằng đến đợt bốc thăm lần thứ ba tới đây, sẽ khó có chuyện bán lại suất trúng với giá hời nữa, thậm chí bán lại giá gốc cũng khá khó khăn. Họ cho rằng, với giá bán 800 - 1.200 USD/m2, vị trí ở Hà Đông, cách khu vực đường Trần Duy Hưng 7km, các căn hộ tại Nam Cường không đến mức quá lý tưởng đối với đại đa số người dân có nhu cầu mua nhà để ở tại Hà Nội.

Trong số những người chen chúc bốc thăm quyền mua căn hộ, không ít người tham gia với hy vọng bán lại suất trúng để ăn chênh lệch. Theo thống kê của chủ đầu tư dự án Nam Cường, kết thúc đợt một có ba trường hợp bỏ cọc, không đóng tiền mua nhà.

Tương tự, suất mua mỗi căn hộ chung cư tại khu đô thị Đại Mỗ do Viglacera làm chủ đầu tư trước chênh lệch tới 200 - 300 triệu đồng, nay tại một số sàn giao dịch đã xuất hiện lời rao nhượng lại giá gốc. Khu chung cư N05 Đông Nam Trần Duy Hưng do Vinaconex làm chủ đầu tư có giá gốc 24 triệu đồng/m2, hồi tháng 10 chênh lệch so với giá gốc tới hơn 1 tỷ đồng/căn (tương đương 10 triệu đồng/m2), nay chênh lệch chỉ còn 5 - 6 triệu đồng/m2. Người mua cũng không còn đổ tiền mua đất dự án tại các khu Bắc An Khánh, Nam An Khánh bằng mọi giá như trước.

Thời gian vừa qua, giá bất động sản tăng chóng mặt khiến ngay cả các chủ đầu tư cũng bất ngờ. Ông Đặng Hoàng Huy, Giám đốc Công ty cổ phần Bê tông Xuân Mai, nhận xét: “Thị trường thật khó nói, ngay tháng 5, Công ty vẫn chưa bán hết chung cư tại Ngô Thì Nhậm (phường Quang Trung, Hà Đông). Mãi tháng 6 mới bán hết với giá gốc 12 triệu đồng/m2, thế mà gần đây người ta rao bán tới 18 triệu đồng”.

Trước diễn biến nóng bỏng của thị trường bất động sản, một số ý kiến lý giải, thị trường đang lặp lại kịch bản năm 2007. Cũng bắt đầu từ việc thị trường chứng khoán nóng lên, kinh tế tăng trưởng tốt, sau đó lan dần sang thị trường bất động sản do tâm lý của nhà đầu tư ngắn hạn muốn chuyển hướng dòng vốn.

Một số khác lại cho rằng, những cơn sốt cục bộ thời gian gần đây là do tác động tâm lý của chính nhà đầu tư. Tốc độ xây dựng của các dự án trong giai đoạn rà soát sau khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội vẫn còn chậm, nên giá đất tăng trong thời điểm này một phần vì yếu tố tâm lý, chứ chưa hẳn do sức cầu tăng.

Dù kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét song nếu nói thị trường bất động sản nóng lên do cầu tăng mạnh thực sự vẫn còn sớm. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, các nhà đầu tư Việt Nam hay bị tác động bởi tin đồn thổi, đầu tư theo phong trào, ít phân tích. Thực tế đang diễn ra là “cứ nghe khu vực nào đang “sốt”, các nhà đầu tư lại lao bổ vào khiến tình hình càng thêm phức tạp”.

Nhìn nhận về cơn sốt bất động sản trên thị trường Hà Nội, giám đốc một công ty địa ốc ở TP HCM cho rằng, tương tự cơn sốt trước đây tại TP HCM, người ta đổ tiền vào bất động sản với hy vọng kiếm lời nhanh, dễ dàng. Thế nhưng, “bạn bè anh nhiều người kiếm bộn tiền từ vài dự án bất động sản, sau đó tiếp tục đổ vốn vào các dự án khác và hiện lỗ nặng hoặc đọng vốn quá lâu,” vị giám đốc này nói.