Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sốt tỷ giá ngân hàng đang hạ nhiệt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tăng 14 lần trong hơn nửa tháng, từ 12 ngày nay, tỷ giá liên ngân hàng ổn định ở 20.803 đồng, mốc cao nhất kể từ đầu năm. Từ đầu tuần trên thị trường tự do, USD mua bán ổn định ở 21.340 - 21.380 đồng, giảm khoảng 50 đồng so với những ngày trước đó.

Gần một tuần nay, giá chào bán đôla thực tế trong ngân hàng đã giảm và dần cân bằng. Tỷ giá liên ngân hàng cũng đứng yên suốt hai tuần nay sau 14 lần tăng liên tiếp.

Tăng 14 lần trong hơn nửa tháng, từ 12 ngày nay, tỷ giá liên ngân hàng ổn định ở 20.803 đồng, mốc cao nhất kể từ đầu năm. Từ đầu tuần trên thị trường tự do, USD mua bán ổn định ở 21.340 - 21.380 đồng, giảm khoảng 50 đồng so với những ngày trước đó.

Giá chào bán thực tế của nhiều ngân hàng thương mại, vài ngày nay còn 21.450 - 21.470 đồng, giảm khoảng 130 đồng so với trước đó, dù vẫn cao hơn 100 đồng so với chợ đen.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank cho rằng, từ nay đến cuối năm, khả năng ổn định tỷ giá là rất lớn. Nguyên nhân là thị trường tự do đã co hẹp sau hàng loạt chính sách xử phạt nghiêm ngặt từ cơ quan chức năng. Gần đây nhất là mức phạt tăng nặng trong Nghị định 95 khiến cả người mua và bán đều chùn tay hơn trong giao dịch trên thị trường tự. Điều này cũng tác động làm người dân bán USD cho ngân hàng nhiều hơn, nguồn cung tăng lên khiến cho căng thẳng tỷ giá bắt đầu giảm xuống.

Bên cạnh đó, với chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VND lên tới 12% một năm, người dân không mấy mặn mà gửi ngoại tệ tại ngân hàng mà chuyển sang bán đứt, ông phân tích.

Ngoài ra, gần cuối năm, số liệu thống kê cho thấy cán cân thanh toán có thể thặng dư 2-3 tỷ USD cũng khiến áp lực lên tỷ giá “nguội” dần. “Dù giải ngân FDI chậm song cũng vẫn có thể bù đắp nhập siêu, trong khi số liệu nhập siêu công bố dự kiến chưa đến 9 tỷ USD, thấp hơn con số dự báo trước đó là 12- 13 tỷ USD cũng là nhân tố khiến cho tỷ giá hạ nhiệt”, phó tổng giám đốc một nhà băng lớn tại TP HCM chia sẻ.

Còn theo đánh giá của chuyên gia tiền tệ cao cấp một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội, với những gì đã làm được, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể khiến cho giá USD trong ngân hàng không còn căng như trước. “Điều hành tỷ giá cũng như lập lại trật tự giao thông, cần phải có hai yếu tố: Đường đủ to và pháp luật đủ nghiêm. Khi hội tụ được cả hai điều này, sẽ nhìn thấy kết quả”, ông cho biết.

Những ngày vừa qua, đã có không ít nghi ngờ về cam kết không tăng tỷ giá quá 1% của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Song với tất cả những gì diễn ra, có thể hi vọng từ nay đến cuối năm, tỷ giá sẽ được kiểm soát trong biên độ cho phép, ông này nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, năm nay là một năm đặc biệt, do đó, không thể phân tích các vấn đề xung quanh việc tăng tỷ giá bằng các công cụ thông thường. Thậm chí, các nguyên nhân tăng tỷ giá như nhu cầu thanh toán cuối năm, trả các khoản vay cuối năm cũng không hẳn là những điều chính yếu đẩy tỷ giá tăng . Ông cho rằng, muốn biết tình hình, phải nhìn vào áp lực. "Còn hiện tại, yếu tố chính quyết định giá USD vẫn là cung cầu của thị trường", ông nói.

Cách đây khoảng 1 tuần, trên thị trường xuất hiện thông tin Ngân hàng Nhà nước đã bán USD cho một số nhà băng lớn, để can thiệp thị trường. Động thái này khiến cho giá USD thực tế trong ngân hàng giảm hơn 100 đồng, từ mức 21.600 đồng xuống còn khoảng 21.450 đồng.

Trước đó, chính Ngân hàng Nhà nước, trong thông thiệp phát đi cách đây chưa lâu cũng khẳng định, sẽ bán ngoại tệ để ứng cứu thị trường, nếu cần thiết. Và thực tế, ngay trong tuần đầu tiên của tháng 10, khi tỷ giá căng thẳng, đơn vị này đã bán ra hơn 150 triệu USD. "Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương ổn định tỷ giá. Tôi tin từ nay đến cuối năm, căng thẳng tỷ giá khó mà tái diễn", chuyên gia tiền tệ nói trên bình luận.