Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết với số ca mắc không ngừng gia tăng.
Chỉ tính riêng trong tuần qua, trên địa bàn TP đã ghi nhận 2.010 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện. Huyện Phú Xuyên là địa bàn ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất trong tuần vừa qua, với 163 ca.
Tính từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 10.372 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong. Số ca mắc tăng gần 4 lần; số ca tử vong cũng ghi nhận con số tương tự khi so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện nay, tại các bệnh viện, số bệnh nhân sốt xuất huyết ngày càng tăng, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện có xu hướng tăng nhanh trong những ngày qua.
Thời điểm này, cả 2 cơ sở của bệnh viện có 157 ca sốt xuất huyết điều trị, trong đó 40 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, 1 bệnh nhân nguy kịch phải thở máy.
Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai, số ca bệnh sốt xuất huyết điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới của bệnh viện này cũng đã chiếm 1/3 số bệnh nhân điều trị tại đây.
Chia sẻ với PV, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Hiện số bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới là 54 bệnh nhân, trong đó có 11 ca chuyển nặng.
Các bệnh nhân nằm ở đây, ngoài dấu hiệu cảnh báo, cấp cứu trong tình trạng có biểu hiện chảy máu, xuất huyết tiêu hoá hoặc có biểu hiện suy đa phủ tạng thì còn có trên một số cơ địa đặc biệt. Cụ thể như phụ nữ có thai, hoặc các bệnh nhân mắc bệnh nền như bệnh phổi, bệnh thận hoặc bệnh ung thư".
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, năm nay là một trong những năm bệnh sốt xuất huyết đến khá sớm và hiện tại số ca mắc đã chạm đỉnh.
Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán, trong khoảng tháng 10, tháng 11, số lượng bệnh nhân còn tăng cao hơn nữa. Tính đến nay đã ghi nhận 3 ca tử vong do sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết xuất hiện trên những người đang khoẻ mạnh, bình thường và diễn biến rất nhanh. Rất nhiều trường hợp các ca bệnh sốt xuất huyết nặng lên do xử trí không đúng, hoặc bệnh nhân đến cơ sở y tế quá muộn, lúc đó đã có các biểu hiện suy đa tạng hoặc sốc, dẫn đến tỉ lệ tử vong rất cao.
"Chúng ta đã trải qua 2 năm kế tiếp xảy ra dịch sốt xuất huyết lớn ở Hà Nội, đó là những điều bất thường và cần có sự chuẩn bị để ứng phó trong thực tế số ca mắc ngày càng tăng." - ông Cương cho hay.
Hiện đang mang thai 36 tuần và đang nằm điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bạch Mai, chị Đặng Thị Hà (30 tuổi, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: "Mình đi khám thai và có sốt nhẹ, sau khi bác sĩ xét nghiệm thì cho kết quả mắc sốt xuất huyết và yêu cầu nhập viện. Cũng khá là lo lắng khi sắp đến ngày sinh rồi, cũng lo ảnh hưởng đến con".
"Hiện giờ thì cũng chưa có biểu hiện gì rõ rệt ngoài sốt, tạm thời uống nhiều nước, khi sốt thì hạ sốt và theo dõi. Hy vọng là sẽ sớm khỏi và bình phục để chuẩn bị đón con chào đời" - chị Hà nói thêm.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine, tuy nhiên lại diễn biến hàng năm nên người dân cần nhận biết các dấu hiệu của bệnh.
Nếu có các dấu hiệu cảnh báo như sốt cao, đau bụng vùng gan, nôn hoặc chảy máu chân răng, rong kinh hoặc có biểu hiện chân tay lạnh, tụt huyết áp... phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời.
Hiện nay đang mùa mưa, là điều kiện để muỗi sinh sản, phát triển. Cũng là mùa mà học sinh, sinh viên các trường tập trung về trường học, các khu nhà trọ, các khu đông dân cư là điều kiện để các ổ dịch bùng phát.