Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

SpaceX của tỷ phú Elon Musk ngăn chặn Ukraine dùng dịch vụ internet tấn công Nga

Anh Kiệt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Công ty Mỹ SpaceX lo ngại Ukraine sẽ “vũ khí hóa” dịch vụ Internet Starlink được trang bị cho nước này vì mục đích nhân đạo.

Gwynne Shotwel, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành SpaceX, cho biết công ty đã ngăn chặn quân đội Ukraine sử dụng mạng Internet vệ tinh Starlink để điều khiển máy bay không người lái (UAV) tại các khu vực mà Kiev đang giao tranh với Nga.

Theo Washington Post, các UAV này có nhiệm vụ phát hiện vị trí của quân đội Nga, cho phép Ukraine điều phối các chuyến bay trinh sát, xác định mục tiêu từ xa và tấn công bằng bom.

Hệ thống Starlink đã chứng tỏ tầm quan trọng đối với cuộc sống ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga bắt đầu vào năm ngoái. Quốc gia này sử dụng dịch vụ của SpaceX để kết nối dân thường, cơ quan chính phủ và các đơn vị quân đội không thể truy cập Internet bằng hệ thống trên mặt đất.

Binh sĩ Ukraine sử dụng một thiết bị thu tín hiệu Starlink ở tỉnh Kharkov. Ảnh: Reuters  
Binh sĩ Ukraine sử dụng một thiết bị thu tín hiệu Starlink ở tỉnh Kharkov. Ảnh: Reuters  

Thế nhưng, quân đội Ukraine đã tận dụng dịch vụ Ineternet vệ tinh Starlink “theo cách không nằm trong chủ ý của chúng tôi và không thuộc bất cứ thỏa thuận nào” nên buộc công ty phải ngăn chặn, bà Gwynne Shotwell lý giải.

“SpaceX sẵn lòng cung cấp kết nối cho Ukraine nhưng công nghệ này không bao giờ được phép trở thành một loại vũ khí”, bà Shotwell phát biểu tại Hội nghị Vận tải Không gian Thương mại FAA thường niên lần thứ 25 tại Washington hôm 8/2.

"Chúng tôi biết quân đội Ukraine dùng dịch vụ để liên lạc, điều đó không sao. Tuy nhiên, chúng tôi không bao giờ muốn họ dùng dịch vụ để tấn công đối phương. Chúng tôi hoàn toàn có khả năng vô hiệu hóa khả năng đó và đang tiến hành mọi biện pháp bởi SpaceX không muốn dịch vụ của mình bị vũ khí hóa," bà Shotwell bày tỏ lo ngại.

Lãnh đạo SpaceX nhấn mạnh việc sử dụng Starlink với máy bay không người lái đã vượt ra ngoài phạm vi thỏa thuận giữa công ty và chính phủ Ukraine. “Hợp đồng này nhằm mục đích nhân đạo như cung cấp Internet băng thông rộng cho các bệnh viện, ngân hàng và các gia đình bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự của Nga”, bà Shotwell khẳng định.

SpaceX đã gửi tặng các thiết bị thu phát tín hiệu Starlink trị giá 80 triệu USD cho Ukraine khi xung đột bắt đầu bùng nổ vào cuối tháng 2/2022, cho phép quân đội nước này duy trì liên lạc thông qua mạng lưới gần 4.000 vệ tinh của công ty này. Ngoài lô hàng của SpaceX, chính phủ Mỹ và Pháp cũng viện trợ cho Ukraine thiết bị đầu cuối của Starlink. Tính tới cuối năm ngoái, Ukraine đã nhận khoảng 22.000 ăng-ten Starlink.

Hệ thống liên lạc Starlink được phát triển bởi SpaceX, công ty của tỷ phú Elon Musk. Tháng 3/2022, ông Musk kích hoạt dịch vụ băng thông rộng vệ tinh Starlink và gửi khoảng 20.000 thiết bị tới Ukraine. Ông Musk cho biết Nga từng liên tục muốn vô hiệu hóa Starlink và SpaceX buộc phải cung ứng nhiều nguồn lực để bảo vệ dịch vụ khỏi bị gián đoạn và tiếp tục hoạt động bằng cách nâng cấp phần mềm.

Starlink đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến ở Ukraine, khi quân đội Nga phá hủy hệ thống liên lạc của đối phương. Sự đóng góp của ông Musk rất quan trọng vì trong tác chiến hiện đại với các đối thủ mạnh hơn, việc có một mạng lưới thông tin liên lạc vệ tinh mạnh được xem là vũ khí chiến lược.

Tuy nhiên, quan hệ giữa ông Musk và Ukraine trở nên căng thẳng vào tháng 10/2022, sau khi tỷ phú công nghệ cho rằng để chấm dứt xung đột, Ukraine nên chấp nhận bán đảo Crimea thuộc Nga và đồng ý trung lập. Đề xuất này ngay lập tức vấp phải chỉ trích của Kiev.