Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Startup cùng “gã khổng lồ” Uber

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trở thành Tổng giám đốc Công nghệ của startup có giá trị nhất thế giới, câu chuyện riêng của Thuận Phạm cũng nhiều màu sắc không kém gì chính Uber.

"Có rất nhiều nhà đầu tư ở ngoài kia, họ cần những ý tưởng tốt, khả thi và phù hợp với nhu cầu thị trường. Nếu bạn có những cái đó, tiền sẽ chảy vào thôi và Uber là một ví dụ điển hình”. Đó là những chia sẻ của Tổng giám đốc Công nghệ Uber toàn cầu Thuận Phạm về kinh nghiệm khởi nghiệp.
 Thuận Phạm - kỹ sư Việt thành công tại thung lũng Silicon đã vươn lên trở thành Tổng giám đốc công nghệ Uber toàn cầu.
Trải qua thời thơ ấu bên xứ người (Mỹ) với nhiều khó khăn cũng là cách giúp cậu bé 10 tuổi nhìn nhận mọi thứ như một bài học trải nghiệm cuộc đời. Luôn khát khao đương đầu với thử thách, Thuận Phạm đã không ngừng tìm kiếm những cơ hội để học hỏi. Sau khi tốt nghiệp Viện Công nghệ Massachusetts, Thuận Phạm làm việc cho nhiều công ty công nghệ và VMWare, nơi ông nắm giữ các vị trí quản lý từ năm 2004 đến 2012. Khi đã gây dựng VMWare thành công và trở thành lãnh đạo chủ chốt, ông quyết định rời khỏi đây để tìm kiếm thách thức mới. Với ông, Uber mới thực sự là bước đột phá trong cuộc đời. Ngay từ lần đầu nghe thấy ý tưởng này, ông đã biết Uber có khả năng tác động và thay đổi thế giới. Niềm đam mê công nghệ được khơi dậy từ khi ông tiếp xúc với chiếc máy tính IBM của người bạn thân và học lập trình. Gia nhập Uber vào năm 2013, khi đó Uber mới chỉ có mặt tại 60 thành phố với 40 kỹ thuật viên và mỗi ngày chỉ có khoảng 13.000 chuyến. Tuy nhiên đến nay, sau 4 năm, ông đã phát triển khối kỹ thuật lên hơn 2.000 người, giải quyết những thách thức đặt ra trong quá trình tăng trưởng mạnh mẽ của Uber để đưa dịch vụ chia sẻ chuyến đi tới người dùng tại hơn 450 thành phố tại khắp các quốc gia. Thậm chí, hệ thống hàng ngàn máy tính của Uber có thể đáp ứng cho nhu cầu kết nối lên tới 50 triệu chuyến xe mỗi ngày, Uber trở thành gã khổng lồ trong làng công nghệ. Giờ đây, Uber là startup được định giá cao nhất thế giới với 69 tỷ USD. Vượt qua mọi giới hạn của cuộc sống, Thuận Phạm - kỹ sư Việt thành công tại thung lũng Silicon đã vươn lên trở thành Tổng giám đốc công nghệ Uber toàn cầu.
Chia sẻ về hành trình hơn 4 năm gắn bó với Uber, ông bảo, Uber liên tục phải đối mặt với nhiều trục trặc về công nghệ. Ứng dụng Uber nhiều lần gặp sự cố bởi lỗi lập trình của một kỹ sư hay máy đơn lẻ. Nhận ra điều đó, ông đã tái cấu trúc hệ thống hạ tầng giúp ứng dụng này vận hành trơn tru, để nếu một bộ phận nhỏ gặp trục trặc thì ứng dụng vẫn có thể hoạt động “Trong 18 tháng đầu tiên làm việc tại Uber, có thời điểm card mạng chết, toàn bộ hoạt động của Uber tại thành phố Chicago (Mỹ) bị sự cố trong 90 phút và điều đó khiến CEO tức giận vì quá chậm để đưa ra sự khắc phục kịp thời”, ông nhớ lại.
Nhưng giờ Uber không gặp sự cố kỹ thuật nữa, bởi ông đã giải quyết vấn đề đó ngay từ những ngày đầu. Trong giai đoạn mới thành lập, các startup cần vượt qua thất bại một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, ông cho rằng Uber không thể đạt được thành công như ngày nay nếu không có thất bại. Bởi sau những sự cố như thế, Uber đã xem xét lại toàn bộ vấn đề, xem xét đội ngũ nhân sự… để hoàn thiện hơn về chất lượng dịch vụ, sự ổn định về kỹ thuật, xây dựng quy trình xử lý sự cố kịp thời hơn… Cũng theo ông Thuận Phạm, hiện trong vấn đề xử lý sự cố, Uber chia ra các nhóm vấn đề khác nhau theo cấp từ 1-5 (cấp thứ 5 là cấp sẽ tác động, ảnh hưởng đến người sử dụng dịch vụ) để làm công tác báo cáo phù hợp và xử lý kịp thời. Do đó, với bất cứ doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm hay startup, đừng để vấn đề trở thành thảm họa hoặc sự cố kéo dài sang tới ngày thứ hai mới xử lý khiến khách hàng sử dụng dịch vụ thất vọng, mất tiềm tin, mà cần phải rà soát thường xuyên, theo dõi từng phút. “Áp dụng những nguyên tắc đó, Uber đã hoạt động ổn định hơn. 1 năm qua tôi không còn bị gọi báo sự cố vào lúc nửa đêm”, ông Thuận Phạm nhớ lại.
Cho đến nay, yếu tố “Tối ưu hóa hạ tầng kỹ thuật để phát triển công nghệ, chú trọng phát triển con người là những yếu tố quyết định sự thành công của startup”, với ông luôn đúng và được ông vận dụng trong mọi thời điểm.