Đó là nhận định của Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV (Sở KH&ĐT Hà Nội) Lê Văn Quân khi nói về những yếu tố góp phần vào sự khởi sắc của startup Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng.
Ông đánh giá thế nào về tinh thần startup trong thời gian qua?
- Tính đến hết tháng 11/2018, cả nước có khoảng 30 cơ sở ươm tạo (BI) và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA), tăng thêm 10 vườn ươm và 3 tổ chức thúc đẩy kinh doanh so với năm 2017.
Trong đó, tiêu biểu như: Vườn ươm DN công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm DN CNTT đổi mới sáng tạo (ĐMST) Hà Nội, Vườn ươm DN chế biến và đóng gói thực phẩm Hà Nội, Vườn ươm DN công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Ở khu vực tư nhân, Vietnam Silicon Valley, Topica Founder Institute, VIISA... Tất cả đều là những đơn vị uy tín, gây dựng thành công một số DN điển hình như Lozi, Wisepass...
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản thăm gian hàng tại Vườn ươm của Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội. Ảnh: Khắc Kiên |
Theo số liệu của tạp chí Echelon (Singapore), một trong những tạp chí online lớn nhất về startup ở Đông Nam Á, tại Việt Nam hiện có khoảng 3.000 DN startup ĐMST, tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính cuối năm 2015, khoảng 1.800 DN (thông tin ước lượng từ các tổ chức, truyền thông quốc tế). Đồng thời, số lượng và chất lượng của các startup ĐMST cũng ngày càng tăng cao, thể hiện ở các thương vụ đầu tư, vườn ươm, khu làm việc chung phát triển mạnh mẽ từ năm 2017 đến nay.
Nổi bật như: Kyber Network - nền tảng giao dịch phân cấp mới đáng tin cậy dựa trên công nghệ chuỗi khối, Foody - Mạng xã hội kết nối chia sẻ ẩm thực, Wisepass - cung cấp dịch vụ trải nghiệm đồ uống cho doanh nhân... Hay chương trình truyền hình nổi tiếng Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ mùa thứ 2 năm 2018 đã ghi nhận 13 startup nhận được cam kết đầu tư với tổng số tiền hơn 107 tỷ đồng. Đến nay, ước tính có hơn 900 dự án được ươm tạo với khoảng 300 sản phẩm startup đã được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu tư.
Trong năm 2018, đã có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư cá nhân đổ tiền vào các startup. Phải chăng các mô hình khởi nghiệp của chúng ta đã có “chất" để thu hút đầu tư?
- Năm 2018 cũng như các năm trước, đã có nhiều mô hình khởi nghiệp thành công, thu hút được sự chú ý của các quỹ, nhà đầu tư cá nhân. Hiện số lượng các quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư cá nhân có sự tăng trưởng cao và hoạt động bài bản hơn các năm trước. Có thể so sánh, năm 2017, đã có hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động tại Việt Nam, điển hình là IDG Ventures, CyberAgent Ventures, Captii Ventures, Gobi Partners, 500 startups... tăng 30% so với năm 2016.
Đồng thời, nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam đã bắt đầu kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho startup ĐMST, có thể kể đến như VIC Impact, Hatch! Angel Network, iAngel (Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam hay Angel4us).
Các tập đoàn, ngân hàng lớn cũng tham gia huy động, sử dụng nguồn lực tài chính lớn cho startup ĐMST. Trong các năm 2016 - 2017 đã chứng kiến sự ra đời của: Quỹ Sáng tạo CMC, FPT Ventures, Viettel Venture, hay Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) hoạt động với 4 nhà đầu tư chính là FPT, Dragon Capital Group, Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) và Công ty CP Chứng khoán BIDV.
Ngân hàng VPBank cũng đã quyết định hỗ trợ hơn 1 triệu USD cho hoạt động startup, bao gồm tài trợ khu làm việc cho các DN startup ĐMST tại UP@VPBank vào tháng 10/2017. Ngân hàng BIDV cũng công bố gói tín dụng 3.000 tỷ đồng dành cho DN startup và DN siêu nhỏ, với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường 1 - 1,5%/năm.
Không gian làm việc chung tại BK-Holdings (Đại học Bách khoa Hà Nội). Ảnh: Khắc Kiên |
- Từ năm 2016, hưởng ứng tích cực tinh thần Quốc gia khởi nghiệp, TP Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, trong đó xây dựng chính quyền điện tử, TP thông minh, tạo ra các vườn ươm ý tưởng… Tính đến tháng 11/2018, Hà Nội thực hiện 100% thủ tục đăng ký DN qua mạng điện tử, thành lập mới cho khoảng 26.000 DN, (tăng 5% so với 2017), vốn đăng ký đạt 280.000 tỷ đồng (tăng 16% so với 2017) nâng tổng số DN trên địa bàn lên gần 257.000 DN.
Để có được điều đó, Sở KH&ĐT Hà Nội với chức năng của mình đã tham mưu cho UBND TP ban hành Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp (Quyết định số 4665/QĐ-UBND ngày 5/9/2018), trong đó triển khai nhiều chính sách hỗ trợ chung của Luật Hỗ trợ DNNVV. Năm 2018 hỗ trợ được cho khoảng 11.000 DN và tổng ngân sách hỗ trợ cho đào tạo khoảng 21 tỷ đồng.
Ông có thể nói rõ hơn Hà Nội đã có những hoạt động gì nhằm thúc đẩy hệ sinh thái startup hoạt động hiệu quả?
- Hiện Vườn ươm DN chế biến và đóng gói thực phẩm Hà Nội đang ươm tạo cho 11 DN. Năm 2018 tuyển chọn được 8 DN tham gia ươm tạo, các DN ươm tạo tại vườn ươm đều cơ bản hoạt động tốt, góp phần hỗ trợ các DN startup thành công trong ngành thực phẩm. Ngoài ra, phối hợp với các công ty phần mềm triển khai tặng phần mềm miễn phí cho các DN thành lập mới về kế toán, quản lý DN, kê khai BHXH, kê khai quyết toán thuế, báo cáo tài chính DN…
Đặc biệt, để kết nối, thúc đẩy phát triển “Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội”, 11 đơn vị cùng ký kết bản ghi nhớ hợp tác gồm: Sở KH&ĐT Hà Nội; Văn phòng Đề án 844 (Bộ KH&CN), Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (ĐHQG Hà Nội); Trung tâm ươm tạo DN công nghệ cao; Vườn ươm DN CNTT ĐMST; Công ty CP Phát triển UP; báo Kinh tế & Đô thị; BK-Holdings, VSVA, VIISA, InnoAgro. Mới đây nhất, lần đầu “Ngày hội khởi nghiệp Thủ đô 2018” có chủ đề “Sáng tạo, khởi nghiệp phát triển Thủ đô” ngày 6/11 do Sở KH&ĐT làm đầu mối chủ trì đã thu hút hàng nghìn người gồm học sinh, sinh viên, nhà khoa học, DN… nhằm thúc đẩy tinh thần startup phát triển.
Xin cảm ơn ông!
"Với vị thế là Thủ đô của cả nước, Hà Nội có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm startup của cả nước. Chính quyền TP đặt trọng tâm nội dung khơi dậy và phát huy tinh thần startup, startup sáng tạo là một trong những nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP giai đoạn 2018 - 2020" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản. |