Stress công sở làm tăng nguy cơ tiểu đường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giáo sư Karl-Heinz Ladwig, một thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: "Theo dữ liệu của chúng tôi, gần 1/5 số người lao động đang phải hứng chịu tình trạng căng thẳng cao tại nơi làm việc".

Căng thẳng tại nơi làm việc không chỉ làm bạn mệt mỏi, dễ cáu giận, mà còn có thể khiến bạn tăng đáng kể nguy cơ bị mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, theo một nghiên cứu mới.

Các nhà nghiên cứu phát hiện, những người chịu căng thẳng nhất tại nơi làm việc tăng 45% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, yếu tố vốn cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim, đột quỵ, mù lòa và cắt chụt chi.

Các chuyên gia đến từ Viện Dịch tễ học ở Munich, Đức đã rút ra kết luận trên sau khi tiến hành theo dõi 5.337 đàn ông và phụ nữ trong độ tuổi từ 29 - 66 đang làm việc toàn thời gian. Trong khoảng thời gian 12 năm, gần 300 người trong số các đối tượng nghiên cứu này, vốn trước đó khỏe mạnh, đã phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2.
Stress công sở làm tăng nguy cơ tiểu đường - Ảnh 1
Ngoài việc đo chỉ số khối cơ thể (BMI) và xem xét tiền sử bệnh của gia đình, nhóm nghiên cứu đã khảo sát mức độ stress của những người tình nguyện tại nơi làm việc. Trong đó, căng thẳng cao tại nơi làm việc được định nghĩa là đối mặt với vô số yêu cầu, nhưng chẳng có mấy quyền kiểm soát đối với cách thức thực hiện mọi thứ.

Giáo sư Karl-Heinz Ladwig, một thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: "Theo dữ liệu của chúng tôi, gần 1/5 số người lao động đang phải hứng chịu tình trạng căng thẳng cao tại nơi làm việc".

Khi khớp các bệnh nhân với những kết quả về căng thẳng công việc, ông Ladwig và các cộng sự khám phá ra rằng, những người bị căng thẳng nhiều nhất tại nơi làm việc dường như tăng gần gấp đôi nguy cơ bị bệnh tiểu đường. Điều này cho thấy, ngay cả đối với những lao động có chỉ số BMI tương đối lành mạnh, căng thẳng tại nơi làm việc vẫn là một yếu tố nguy cơ lớn.

Thông thường, chỉ số BMI cao từ 30 trở lên mới được xem là thuộc vùng nguy hiểm dễ bị bệnh tiểu đường.

Hiện các chuyên gia vẫn chưa rõ mức căng thẳng công việc cao dẫn tới bệnh tiểu đường như thế nào, nhưng họ nhận định, việc tiếp xúc liên tục với lượng hoóc môn stress tăng cao đã làm rối loạn sự cân bằng glucose của cơ thể. Lượng glucose cao trong máu sau đó có thể làm tổn hại hệ tuần hoàn và các cơ quan then chốt của cơ thể.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 từng được coi là bệnh của tuổi già do trước đây thường tấn công những người từ tuổi trung niên trở đi. Tuy nhiên, hiện đối tượng mắc bệnh đã mở rộng và xuất hiện ở cả lứa tuổi vị thành niên và thanh niên ngoài 20 tuổi.

Tiến sĩ Alasdair Rankin, giám đốc phụ trách nghiên cứu của Hiệp hội các bệnh tiểu đường Anh, tuyên bố, các nhà khoa học đang bắt đầu tìm hiểu về vai trò của stress cũng như tình trạng làm việc quá nhiều đối với việc phát triển bệnh tiểu đường. Theo ông, ngoài việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 bằng cách kiểm soát cân nặng, thông qua một chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, việc kiểm soát căng thẳng tại nơi làm việc cũng rất quan trọng và tốt cho sức khỏe của chúng ta nói chung.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần