70 năm giải phóng Thủ đô

Sự chia sẻ thiết thực

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp. Để ngăn chặn đợt dịch bệnh bùng phát này, cũng như suốt hơn một năm qua, các bệnh viện, cơ sở y tế và đội ngũ thầy thuốc khắp các địa phương trong cả nước vẫn đang là một trong những lực lượng chủ công trên tuyến đầu chống dịch.

Người dân cả nước luôn quan tâm theo dõi, chia sẻ những thông tin về những chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm đối diện với những khó khăn, gian khổ và cả hiểm nguy để bảo vệ sức khỏe người dân.

Chúng ta thực sự lo lắng, cảm thông trước việc nhiều bệnh viện tuyến trung ương và địa phương trong cả nước phải phong tỏa để khoanh vùng chống dịch. Chúng ta cũng vô cùng xúc động trước hình ảnh các bác sĩ, nhân viên y tế kiệt sức ngủ gục sau những giờ chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân hay làm công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các trang mạng xã hội…

Khó có thể kể hết sự hỗ trợ, động viên cả về vật chất và tinh thần của các tổ chức, DN và người dân trên khắp cả nước hướng về đội ngũ thầy thuốc đang ngày đêm căng mình chống dịch. Ngay trên địa bàn Hà Nội, lãnh đạo thành phố, các cơ quan chức năng mà trước hết là ngành Y tế cũng đang làm hết sức mình để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung và Bệnh viện K thực hiện phong tỏa cách ly chống dịch.

Đến kiểm tra công tác cách ly chống dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh khẳng định: Hà Nội sẽ hỗ trợ hết sức để các bệnh viện thực hiện tốt nhiệm vụ phong tỏa phòng dịch. Trước mắt, sẵn sàng hỗ trợ tối đa, cung cấp nhu yếu phẩm cho bệnh viện trong thời gian cách ly.

Để “chia lửa” với các đồng nghiệp, ngày 7 - 9/5, Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận và điều trị 11 bệnh nhân dương tính với Covid-19 từ Bệnh viện K cơ sở Tân Triều chuyển sang. Hà Nội cũng sẵn sàng kích hoạt, đưa bệnh viện dã chiến Mê Linh vào hoạt động và bố trí Bệnh viện Bắc Thăng Long trở thành cơ sở điều trị các ca mắc Covid-19.

Có thể nói, ngoại trừ một vài tiếng nói lạc lõng của một số người luôn cho mình cái quyền phán xét người khác trong khi tự mình chẳng làm gì, mỗi người dân và cả cộng đồng đều bày tỏ sự tri ân, mong muốn góp phần chia sẻ nỗi vất vả, khó khăn của các lực lượng phòng chống dịch trong đó có đội ngũ y bác sĩ và cán bộ nhân viên ngành Y tế để ngăn chặn sự lây lan của đợt dịch thứ 4 vô cùng phức tạp này.

Tuy nhiên, bên cạnh thực tế đáng trân trọng nói trên, những ngày qua trong cộng đồng, thậm chí trong chính mỗi người chúng ta lại xuất hiện một nghịch lý đáng quan ngại. Nghịch lý là bởi đó đây, thậm chí trong mỗi người vẫn tồn tại mâu thuẫn giữa suy nghĩ, nhận thức và hành động. Trong khi mong muốn đóng góp, chia sẻ, sẵn sàng ủng hộ cả về vật chất và tinh thần cho công cuộc chống dịch, nhưng lại không dễ hy sinh, từ bỏ những thói quen hằng ngày.

Để phòng, chống dịch bệnh lây lan, Hà Nội và nhiều địa phương đã khuyến cáo người dân thực hiện một cách triệt để thông điệp 5K của Bộ Y tế, hạn chế ra đường, tránh tụ tập đông người, dừng mọi hoạt động của các quán ăn vỉa hè… Mặc dù vậy, vẫn không ít người chưa chấp nhận từ bỏ thói quen, vẫn có hiện tượng tập thể thao trong hầm đi bộ, trèo rào vào công viên, ngồi quán uống cà phê, trà đá…, thậm chí không thực hiện cả việc đơn giản nhất là đeo khẩu trang nơi công cộng! Đáng quan ngại là khi hành động như vậy mỗi người đều có lý do để biện hộ cho cách ứng xử tưởng như vô hại của mình. Song dù với lý lẽ nào thì đó cũng là một nghịch lý không thể chấp nhận, có nguy cơ làm mất đi những thành quả của công cuộc chống dịch.

Chấp nhận tạm thời từ bỏ những thói quen, xóa bỏ nghịch lý trên trong suy nghĩ hành động cũng là mỗi chúng ta đã thiết thực chia sẻ khó khăn, vất vả với những người đang ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch.