Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Trần Quang Hưng, sự cố mạng xã hội Facebook bị sập trên phạm vi toàn cầu vào tối 5/3 vừa qua mặc dù mang lại nhiều bất tiện cho người dùng nhưng ở góc độ tại Việt Nam, hiện tượng này cũng mang lại một số giá trị tích cực.
Khi Facebook gặp sự cố, nhiều người đã đặt ra câu hỏi “liệu đây có phải do một cuộc tấn công mạng ?” hay “mình có phải nạn nhân của hacker ?” … Để từ đó, ngay khi Facebook truy cập vào bình thường, người dùng đã ngay lập tức đổi mật khẩu, xác thực 2 bước. Đây là ý thức rất tốt để người dùng tự bảo vệ mình trên không gian mạng.
Cũng theo ông Trần Quang Hưng, không chỉ đối với Facebook mà với bất kỳ website, dịch vụ trực tuyến nào người dùng cũng cần tự trạng bị các kiến thức bảo mật nhằm tránh tối đa nguy cơ bị lừa đảo trên mạng internet.
Điểm tích cực tiếp theo từ sự cố Facebook được Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin đưa ra là tại thời điểm đó nhiều người đã sử dụng Zalo để hỏi thông tin cũng như tìm câu trả lời. Điều này cho thấy rằng nền tảng Việt Nam cũng đang là lựa chọn quan trọng với người dùng.
Trước đó, trong tối 5/3, từ khoảng 22 giờ 20 phút (giờ Việt Nam), người dùng Facebook trên toàn thế giới đã gặp phải tình trạng bị tự động thoát khỏi tài khoản của mình. Điều này xảy ra cả với ứng dụng Facebook trên điện thoại cũng như nền tảng web. Ứng dụng Messenger cũng gặp lỗi tương tự.
Nguyên nhân của sự cố hiện vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, theo phỏng đoán của nhiều trang công nghệ có uy tín, có thể đây là lỗi kỹ thuật từ phía máy chủ của Facebook, khiến cho hệ thống không thể duy trì đăng nhập của người dùng, buộc họ phải đăng nhập lại liên tục.
Thống kê từ Down Detector cho thấy, hàng loạt người dùng trên toàn thế giới đều báo cáo về sự cố không thể truy cập Facebook. Tính tới thời điểm 10 giờ 40 phút tối 5/3, có tới hơn 125.000 lượt báo cáo về lỗi Facebook bị sập.
Được biết, ngoài Facebook, các sản phẩm khác của Meta như Instagram, Threads cũng gặp sự cố tương tự.
Tới thời điểm 24 giờ cùng ngày, Facebook đã trở lại bình thường.