Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự động viên cần thiết và kịp thời

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, hàng nghìn y, bác sĩ đang gồng mình để chăm lo sức khỏe Nhân dân. Trung bình mỗi bác sĩ, điều dưỡng phải chăm sóc và quản lý từ 140 - 150 bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra, mỗi người làm việc theo tua kéo dài từ 8 - 10 tiếng/ngày, trong điều kiện trang phục bảo hộ liên tục có thể gây mất nước.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Hà Nội. Ảnh: Duy Khánh
Các bác sĩ và điều dưỡng thường xuyên phải trực cấp cứu 12 tiếng/ngày nếu được điều động tăng cường và với số lượng người bệnh quá lớn, trực nhiều giờ cũng là lý do chất lượng điều trị, chăm sóc người bệnh bị giảm sút. 8 tiếng chăm sóc bệnh nhân hồi sức thì gấp 4 - 5 lần chăm sóc bệnh nhân thông thường. Do đó, với một nhân viên y tế làm việc liên tục suốt 8 tiếng thì chẳng khác gì làm ca 24 giờ/ngày cả. Đã có 3 nhân viên y tế tử vong trong khi làm nhiệm vụ, trong đó TP Hồ Chí Minh 2 người và Bình Dương 1 người; ngoài ra, trên 1.200 y bác sĩ bị nhiễm Covid-19. Khó có thể kể hết sự hy sinh, vất vả và những khó khăn mà đội ngũ y, bác sĩ đã và đang đối diện hàng ngày, không một lời kêu ca, phàn nàn.
Thế nhưng hiện chỉ có những cán bộ tham gia công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 được hưởng chính sách phụ cấp đặc thù (Nghị quyết số 58/NĐ-CP ngày 8/6/2021), mức phụ cấp cũng được đánh giá là khá khiêm tốn. Nhất là với 17.000 y bác sĩ tăng cường cho miền Nam và 4.000 nhân viên y tế 11 tỉnh với mục tiêu hỗ trợ hoàn thành mục tiêu hoàn thành tiêm chủng 5,1 triệu vaccine trước ngày 15/9. Ngoài ra, lực lượng cán bộ y tế cơ sở và y tế dự phòng, đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, những vùng miền núi, khó khăn lâu nay cũng chưa hưởng chính sách này.

Mới đây, trong tờ trình gửi Chính phủ về chế độ trợ cấp trong phòng chống dịch, Bộ Y tế đề nghị nâng mức trợ cấp chống dịch cho nhân viên y tế lên gấp đôi so với hiện hành cho người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người nhiễm và nghi nhiễm Covid-19, tức là 600.000 đồng/người/ngày. Các nhóm nhân viên y tế tham gia điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, phân tích mẫu... tại cơ sở y tế, xử lý môi trường y tế được đề nghị tăng trợ cấp từ 300.000 đồng/người/ngày hiện nay lên mức 400.000 đồng/người/ngày.

Người vận chuyển mẫu bệnh phẩm, vận chuyển người bệnh, vận chuyển người tử vong do Covid-19, giám sát và theo dõi dịch tễ tại xã phường được đề nghị nâng trợ cấp từ 200.000 đồng/người/ngày hiện nay lên gấp đôi. Đội vận chuyển cấp cứu 115 hiện đang nhận trợ cấp mức 150.000 đồng/người/ngày được đề nghị lên 300.000 - 400.000 đồng/người/ngày. Các nhóm đang được trợ cấp mức 130.000 đồng/người/ngày được đề nghị nâng lên mức 200.000 đồng/người/ngày. Nâng mức tiền ăn cho nhân viên y tế tham gia chống dịch từ 80.000 đồng/người/ngày hiện nay lên 150.000 đồng/người/ngày.

Với học sinh, sinh viên tham gia chống dịch, Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ 190.000 đồng/người/ngày cho tiền ăn và sinh hoạt phí. Đối với các bệnh viện tự chủ tài chính nhưng hiện phải cử nhân viên y tế tham gia chống dịch, không có nguồn thu tại chỗ, đề nghị ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, đồng thời đề nghị trợ cấp độc hại cho nhân viên y tế.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên.

Vì vậy, để “sống chung lâu dài với dịch bệnh” thì việc động viên, quan tâm đến đội ngũ nhân viên y tế, lực lượng đi đầu chống dịch Covid-19 là điều kiện tiên quyết. Chế độ trợ cấp cho nhân viên y tế trong phòng chống dịch mà Chính phủ sắp ban hành như một sự động viên kịp thời, cần thiết cho lực lượng này.