Sử dụng chất cấm đẩy người tiêu dùng vào chân tường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là trao đổi của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tại hội thảo “Quản lý chất cấm trong chăn nuôi và các vấn đề đặt ra” do Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) tổ chức ngày 25/4.

Quang cảnh buổi Hội thảo
Quang cảnh buổi Hội thảo
Ông Hùng cho rằng, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã không còn là vấn đề báo động nữa mà ở mức trên báo động bởi ATTP hiện diện trên bữa ăn của mỗi gia đình, bếp ăn tập thể... Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không phải là vấn đề mới mà đã được phát giác ở Việt Nam từ năm 2006, cả tồn dư trong thịt và thức ăn chăn nuôi. 
Năm 2011, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng đứng ra khảo sát về thực trạng tồn dư chất cấm trong thịt và thức ăn chăn nuôi. Khi đó, người tiêu dùng có hình thức tự vệ là chuyển sang thực phẩm khác, khiến cho người chăn nuôi gặp khó khăn. “Đáng buồn là cảnh báo như vậy, người chăn nuôi phải cảnh tỉnh mà nay lại diễn ra trên diện rộng. Người chăn nuôi Việt Nam không chỉ hại người tiêu dùng mà còn hủy hoại luôn cả ngành chăn nuôi” - ông Hùng chia sẻ.

Cũng theo đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, hiện nay hệ thống pháp luật của chúng ta về quản lý chất cấm trong chăn nuôi đã có đủ, tuy nhiên quan trọng là ở khâu thực thi. Trước đây, người chăn nuôi đã “ngấm đòn” rồi mà sao vẫn sử dụng? Điều đó cho thấy xử lý của cơ quan chức năng với hành vi này chưa nghiêm. Do vậy, bài học để giải quyết triệt để vấn đề này là phải có biện pháp mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ thêm, người tiêu dùng đang bị đẩy vào chân tường nên mới có phản ứng tự vệ, tự trồng rau ở sân thượng, tự chăn nuôi để sử dụng. Do vậy, phải chỉ ra cho người tiêu dùng đâu là thực phẩm an toàn, chứ không phải như mê cung như hiện nay. Rau, thịt vào siêu thị phải đảm bảo an toàn, có nguồn gốc chứ không phải mập mờ, gây hoang mang, lo lắng cho người dân như thời gian qua.

Số liệu từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho thấy, tỷ lệ mẫu phát hiện chất cấm trong nước tiểu lợn qua kiểm tra đang giảm mạnh. Cụ thể, nếu như trong tháng 1, đơn vị này lấy 1.000 mẫu, phát hiện 98 mẫu nước tiểu dương tính với chất cấm (9,8%) thì đến tháng 2 tỷ lệ này giảm xuống còn 1,46%, tháng 3 là 0,66%. Trong tháng 4, lực lượng chức năng chỉ phát hiện một trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lợn tại tỉnh An Giang và tiến hành tiêu hủy lô lợn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định, ATTP là vấn đề quan trọng góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp. Tư duy quản lý ATTP theo Luật ATTP là quản lý theo chuỗi giá trị sản phẩm, trong đó Bộ NN&PTNT được phân công quản lý toàn chuỗi 19 nhóm sản phẩm. Trong thời gian qua, đặc biệt là hai năm 2015 - 2016, Bộ NN&PTNT coi nhiệm vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP là nhiệm vụ quan trọng số một của ngành.

Qua đợt cao điểm hành động về ATTP, tập trung điều tra xử lý chất cấm trong chăn nuôi đã chặn đứng được sử dụng Salbutamon, Vàng ô, tạo niềm tin bước đầu cho người dân. Tuy nhiên, đây vẫn là lĩnh vực còn nhiều điểm nóng đòi hỏi phải tiếp tục tìm giải pháp xử lý triệt để, tiến tới làm cả trên một số sản phẩm khác như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để người tiêu dùng an tâm khi sử dụng nông sản Việt Nam.