Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sử dụng công nghệ để xử lý “báo hóa” tạp chí

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là một trong những giải pháp trọng tâm mà Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra để chấn chỉnh tình trạng các tạp chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích.

Nhận định về hoạt động của các cơ quan báo chí trên toàn quốc trong 9 tháng năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, về cơ bản các đơn vị đã bám sát thực hiện quy định pháp luật về báo chí, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước trong công tác truyền thông, tuyên truyền hoạt động đối nội, đối ngoại, thông tin đầy đủ về các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế …

Tuy nhiên trong số 138 báo và 677 tạp chí vẫn còn nhiều cơ quan, đặc biệt là tại khối tạp chí, không hoạt động đúng với tôn chỉ mục đích của mình. Tình trạng “báo hoá” tạp chí, buông lỏng quản lý văn phòng đại diện, phóng viên, quảng cáo sai, phản cảm do các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới cung cấp… vẫn còn phổ biến.

Tình trạng báo hóa tạp chí còn phổ biến
Tình trạng báo hóa tạp chí còn phổ biến

Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành làm việc và xem xét hoạt động đối với 2 tạp chí có dấu hiệu “báo hóa”, gồm Tạp chí điện tử Nhịp sống số và Tạp chí điện tử Kỹ thuật chống hàng giả và gian lận thương mại. 

Cũng tính từ đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận 222 đơn thư phản ánh đối với các cơ quan báo chí, trong đó riêng doanh nghiệp là 75 đơn thư. Cùng với đó là ban hành quyết định xử phạt Báo Cựu chiến binh với số tiền 55 triệu đồng.

Đối với nền tảng xuyên biên giới, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục làm việc với Apple về việc gỡ bỏ các game và ứng dụng vi phạm tại Việt Nam; Làm việc với Facebook về các vi phạm và việc hợp tác, triển khai đào tạo của Facebook tại Việt Nam để cùng đưa ra những giải pháp mới quản lý nội dung trên môi trường Facebook hiệu quả hơn; Tiếp tục yêu cầu Facebook gỡ bỏ các tài khoản cá nhân, fanpage vi phạm. 

Bên cạnh đó, làm việc với Google về việc các quảng cáo vi phạm trên YouTube và gỡ bỏ kênh YouTube xấu độc tại Việt Nam; Hàng tuần gửi Ban Tuyên giáo Trung ương thông tin cập nhật về tình hình gỡ bỏ và phát hiện các vi phạm trên Facebook, Google…

Đồng thời, tăng cường thực hiện công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu, độc trên mạng xã hội xuyên biên giới. Tập trung rà soát, bóc gỡ kênh thông tin xấu độc, fanpage phản động. Yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ các tài khoản, fanpage vi phạm, kênh YouTube xấu, độc tại Việt Nam.