Sử dụng Facebook - "Con dao hai lưỡi”

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lời bàn tán về "con dao hai lưỡi" mang tên Facebook (FB) lại trở nên “nóng” khi mới đây, một nhà báo bị thu hồi thẻ vì gây bức xúc trong dư luận khi tiến hành một cuộc thăm dò liên quan đến vụ máy bay CASA 212 bị mất tích trên FB.

Rồi ngay sau đó là lời bình luận mang tính cá nhân của một giáo viên dạy Văn trước việc vợ phi công Trần Quang Khải được đặc cách tuyển vào làm giáo viên tại trường THPT Chu Văn An…

 Vui hay họa?

Hiện nay, FB là trang mạng xã hội được nhiều người sử dụng nhất bởi tiện ích, nhất là sự kết nối thông tin và những ứng dụng giải trí. Nhiều người coi FB như một nơi để chia sẻ tâm tư, tình cảm với bạn bè, người thân, những kinh nghiệm trong cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Thúy, 58 tuổi, ở Mỹ Đình (Hà Nội) cho hay: “Nhờ FB, tôi tìm được nhiều người bạn từ thuở niên thiếu đã mất liên lạc mấy chục năm. FB cũng giúp tôi có thêm niềm vui khi được chia sẻ, trao đổi thông tin với người thân, bạn bè”. Đặc biệt, nhiều người đã thành công với việc kinh doanh trên trang mạng này, và nhiều nghệ sĩ xem đây như một kênh truyền thông hữu hiệu…
Sử dụng Facebook - "Con dao hai lưỡi” - Ảnh 1
Tuy nhiên, FB cũng gây phiền toái cho không ít người. Bà Thúy thành thật: “FB giống như “con dao hai lưỡi”. Bởi khi đăng một bức ảnh nào đó lên trang cá nhân, hàng chục, thậm chí hàng trăm người vào bình luận khiến việc đọc và trả lời mất rất nhiều thời gian. Thậm chí, tôi còn bị “mắng” vì quên không trả lời tin nhắn”. Trong khi đó, nhiều người khác lại bị “nhái” trang cá nhân hoặc bị trộm (hack) mật khẩu với mục đích lừa đảo. Đáng lo là từ thói quen dùng FB, nhiều người bị “nghiện” đến mức ăn gì, uống gì, thậm chí đang chạy thoát hiểm... cũng vào FB để cập nhật như kiểu viết nhật ký! Học sinh, sinh viên thì tiêu phí thời gian, sao nhãng học hành. Rồi chính lợi thế lan tỏa thông tin của FB lại gây phiền cho chính người sử dụng nó. Thậm chí, rất nhiều người mượn FB để đưa ra quan điểm cá nhân, cái tôi cục bộ, nói xấu người khác, thậm chí còn lợi dụng diễn đàn để làm tổn thương một tổ chức, cá nhân nào đó.

Đừng biến FB thành mối nguy

Phải khẳng định, bản chất của FB không xấu, quan trọng là cách sử dụng thế nào. Nếu sử dụng đúng cách thì đây là công cụ hữu ích, ngược lại là mối nguy hại cho chính người sử dụng. Việc ông Mai Phan Lợi (báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh) bị thu hồi thẻ nhà báo do gây bức xúc dư luận khi tiến hành một cuộc thăm dò liên quan đến vụ máy bay CASA 212 bị mất tích trên diễn đàn Nhà báo trẻ với tiêu đề “Vì sao CASA tan xác?” là minh chứng cho điều này.

Nhiều người sai lầm khi cho rằng, đây chỉ là thế giới ảo, nên có thể thoải mái bày tỏ quan điểm. Nhưng một khi FB truyền tải những nội dung và quan điểm lệch lạc, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, lập tức trở thành một công cụ nguy hiểm. Thật nguy hại khi số đông bám lấy những hình ảnh, thông tin chưa qua kiểm chứng để quy chụp, thậm chí bình luận bằng những lời lẽ vô cảm, thiếu văn hóa. Một giảng viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ, người dùng FB có văn hóa luôn nhận thức đúng những phát ngôn, hình ảnh mình đăng tải và chia sẻ. Họ thận trọng để tránh làm tổn thương đến người xung quanh và chính bản thân mình, tận dụng FB để làm những việc có ích cho cộng đồng, ví như kêu gọi từ thiện.

Theo kinh nghiệm của nhiều người, muốn sử dụng FB hiệu quả, không nên bày tỏ quá nhiều về bản thân mình, luôn cẩn trọng, không nhấn “like” một cách bừa bãi; Không kết bạn với người lạ; Không “đánh dấu” bạn bè vào những bức ảnh nhạy cảm. Và đặc biệt hãy tôn trọng chính mình… Có như vậy, “con dao hai lưỡi” FB mới không có cơ hội làm “đứt tay” người dùng.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần