Sử dụng lòng đường, hè phố thế nào đúng quy định?

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đại biểu Quốc hội, việc sử dụng lòng đường và hè phố vào mục đích khác nhau đang diễn ra ở nhiều nơi. Vì thế, vấn đề quản lý, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác ngoài mục đích giao thông phải được đưa vào quy định để quản lý…

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Dự án Luật Đường bộ và Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được đưa ra lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tổ về Dự thảo Luật Đường bộ và Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tổ về Dự thảo Luật Đường bộ và Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Sử dụng lòng đường, hè phố vào mục đích khác thế nào?

Trong phiên thảo luận tại tổ, một số ý kiến nhận định, dự thảo Luật vẫn còn nhiều nội dung chồng chéo liên quan cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông; hoạt động vận tải đường bộ… 

Tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần rà soát lại các nội dung để không bị chồng chéo giữa 2 dự thảo Luật, trong khi có những nội dung còn bỏ trống chưa được quy định.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội bày tỏ sự nhất trí với các cơ quan soạn thảo cũng như thẩm tra về việc cần thiết phải ban hành riêng 2 Dự án Luật Đường bộ và Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để phù hợp với thực tiễn hiện nay cũng như theo xu thế chung của quốc tế hiện nay. Đặc biệt khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường bộ và bảo đảm tốt hơn quyền tự do đi lại của công dân.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho biết, hiện nay việc sử dụng lòng đường và hè phố vào mục đích khác nhau diễn ra ở nhiều nơi, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho biết, hiện nay việc sử dụng lòng đường và hè phố vào mục đích khác nhau diễn ra ở nhiều nơi, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội

Tại Điều 39 của Dự thảo Luật Đường bộ có nội dung về sử dụng lòng đường, hè phố quy định: Lòng đường và hè phố được sử dụng cho mục đích giao thông. Việc sử dụng lòng đường, hè phố vào mục đích khác thực hiện theo quy định của Chính phủ nhưng phải bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, hiện nay việc sử dụng lòng đường và hè phố vào mục đích khác nhau diễn ra ở nhiều nơi, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội. Vì thế, vấn đề quản lý, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác ngoài mục đích giao thông phải được đưa vào quy định để quản lý nhằm bảo đảm an ninh trật tự, văn minh đô thị, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế - xã hội.

Quy định rõ tỷ lệ nồng độ cồn bao nhiêu mới xử phạt

Quan tâm đến Điều 6 về chính sách phát triển giao thông đường bộ trong Dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, quy định đã đưa ra được những chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân người Việt Nam và nước ngoài đầu tư, kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hoạt động vận tải đường bộ.

Đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, trong dự thảo Luật cần quy định rõ tỷ lệ nồng độ cồn là bao nhiêu mới xử phạt
Đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, trong dự thảo Luật cần quy định rõ tỷ lệ nồng độ cồn là bao nhiêu mới xử phạt

“Các chính sách này chỉ với tầm nhìn trong 6 năm thì rất khó. Như vậy, chúng ta sẽ suốt ngày phải đi sửa đường, trong khi các nước trên thế giới hệ thống đường giao thông phát triển cả 100 năm vẫn không phải sửa” - đại biểu Phạm Đức Ấn chia sẻ.

Nêu thực trạng hiện nay tình trạng đô thị hóa nông thôn phát triển rất nhanh, trong đó có các huyện của Hà Nội lên quận, đại biểu Phạm Đức Ấn cho hay, nếu việc quy hoạch hệ thống đường giao thông nông thôn không khoa học, bài bản thì sẽ rất khó quản lý khi xây dựng “phố trong làng”.

Liên quan các hành vi bị nghiêm cấm Điều 8 của Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định: Điều khiển phương tiện tham gia giao thông, trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng; đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, trong dự thảo Luật cần quy định rõ tỷ lệ nồng độ cồn là bao nhiêu mới xử phạt. Bởi trên thực tế, các nước cũng áp dụng nội dung này nhưng có quy định cụ thể về tỷ lệ nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.

Trước đó, khi thẩm tra nội dung này, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", vì cho rằng, quy định này quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam.

Nhóm ý kiến này cũng cho rằng, quy định trên làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Họ đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.

Trong khi đó, một số ý kiến khác nhất trí với quy định này, vì cho rằng nội dung trên đã được quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.