Sự gương mẫu tạo ra động lực

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong học và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh luôn gắn với đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, hình thức học tập.

Đó là một trong những nội dung đang được tập trung thực hiện để việc học và làm theo Bác ngày càng hiệu quả.

Làm thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh Thanh Hải
Làm thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh Thanh Hải

Tạo ra kết quả cụ thể

Như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc "nêu gương" của cán bộ, đảng viên. Theo Người, sở dĩ cần phải "nêu gương" là do đặc thù của nền văn hóa, đạo đức phương Đông luôn coi trọng tình cảm, luôn lấy cái tốt đẹp của người khác để làm tấm gương soi mình.

Do đó, việc gương mẫu của người đứng đầu tạo ra động lực để thúc đẩy niềm tin của người dân. Từ việc nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên hướng tới việc xây dựng tập thể nêu gương, đơn vị nêu gương để từng bước lan tỏa giá trị đến với quần chúng Nhân dân.

Khi triển khai Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", các cấp ủy, đơn vị cũng đặc biệt đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Việc tự giác nêu gương để khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu "trên trước, dưới sau", "đảng viên đi trước, làng nước theo sau"…

Thực tế trong thời gian qua cũng cho thấy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, thúc đẩy việc tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu...

Đơn cử như trong việc cải cách hành chính, xóa bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho DN, người dân; xây dựng bộ quy tắc ứng xử, thực hiện văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử, văn hóa công sở; xây dựng quy chế, quy định về việc người đứng đầu cơ quan, đơn vị tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và DN… Đồng thời, giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị của người dân; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý sai phạm…

Như lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư đã nhận định, việc thúc đẩy, tạo chuyển biến mạnh mẽ quá trình từ "học tập" sang "làm theo" Bác, gắn với trách nhiệm nêu gương làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, đảng viên và người dân.

Việc phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, trách nhiệm, qua đó, kịp thời chấn chỉnh tác phong công tác, lối sống xa hoa, lãng phí...

Thực tế tại các địa phương cũng như TP Hà Nội cho thấy, các cán bộ, đảng viên tại cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt phương châm nêu gương “nói đi đôi với làm”; lấy đổi mới là phương pháp tư duy, lấy hiệu quả nêu gương và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao làm cơ sở để đánh giá kết quả làm theo.

Lãnh đạo các cấp luôn bám sát cơ sở, đánh giá đúng tình hình, để có sự linh hoạt trong chi đạo, điều hành ở từng thời điểm, đưa ra những quyết định phù hợp, khả thi, hiệu quả, truyền cảm hứng và động lực cho cấp dưới.

Trên tinh thần này, với mục tiêu lấy người dân và DN làm trọng tâm để phục vụ, tất cả hệ thống bộ máy chính trị của TP Hà Nội nâng cao đạo đức công vụ, ý thức, văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp.

Tại các quận, huyện, các buổi đối thoại giữa lãnh đạo và người dân, những việc lớn như GPMB, quản lý đất đai đến những việc nhỏ như vệ sinh ngõ xóm, thu gom rác thải... đều được trả lời, giải trình rõ ràng. Từng kiến nghị của người dân được xem xét, xử lý đã tạo đồng thuận từ cơ sở, giúp người dân tin tưởng vào chính quyền hơn.

Từ việc nhỏ đến việc lớn

Hiện tại các đơn vị của Hà Nội, việc học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên được gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị; giải quyết hiệu quả các khâu đột phá và các vấn đề trọng tâm, bức xúc đang đặt ra…

Từ thực tiễn cho thấy, hiện nhiều cơ quan đã xây dựng quy định cụ thể về chuẩn mực đạo đức đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; nghiên cứu, xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân.

Như nhiều chuyên gia đã nhận định, sự gương mẫu rất quan trọng, là minh chứng sinh động đảm bảo việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đi vào cuộc sống có hiệu quả. Trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị - xã hội, xây dựng bộ máy, chống tiêu cực, tham nhũng… nếu người đứng đầu đề cao trách nhiệm vào cuộc và bản thân họ cũng là người trong sạch, gương mẫu thì mọi việc đều sẽ có chuyển biến rõ nét.
Trần Hà

 

Vai trò nêu gương, đi đầu của đảng viên không chỉ thể hiện ở cấp lãnh đạo, chỉ huy, mà còn từ các đảng viên cấp cơ sở. Bằng việc nêu gương từ việc nhỏ đến việc lớn, trách nhiệm với mỗi vấn đề mình cần làm, đó chính là một cách thiết thực để tiếp tục góp phần lan tỏa tư tưởng của Bác đi vào đời sống.