Sự kiện kinh tế: Năm 2019, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 7%

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự báo năm 2019, GDP có thể đạt 7%; Loạt công ty trước nguy cơ bị thu hồi giấy chứng nhận bán hàng đa cấp... là nội dung chú ý tuần qua.

Dự báo năm 2019, GDP có thể đạt 7%
Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2018 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) cho thấy, năm 2018, kinh tế toàn cầu có rất nhiều biến động. Trong đó, đáng chú ý dù kinh tế Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản phát triển chậm lại, nhưng riêng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh và tiếp tục chứng tỏ là một trụ cột của tăng trưởng kinh tế thế giới. Qua đó, giúp tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn ở mức cao 3,7%.
 Dự báo GDP năm 2019 có thể đạt 7%. Ảnh minh họa
Chiến tranh thương mại đã làm cho khối lượng thương mại toàn cầu giảm mạnh năm 2018 chỉ còn 4,2% và năm 2019 dự kiến chỉ tăng 4%. Bên cạnh đó, việc giá dầu thô bình quân tăng trong năm qua cũng khiến lạm phát toàn cầu tăng 3,78%.
Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Theo Quyền Chủ tịch UBGSTCQG Trương Văn Phước, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 ước đạt 6,9 - 7%, mức cao nhất trong 10 năm nhờ vào động lực chính là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành dịch vụ; nông, lâm thủy sản tăng trưởng tốt. Nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì và củng cố. Tổng cầu của nền kinh tế duy trì mức tăng khá, xuất khẩu và tiêu dùng tăng cao hơn cùng kỳ.
Lạm phát được kiểm soát dưới 3,6%, lạm phát cơ bản duy trì ổn định dưới 1,5%. Cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo tiến độ do thu đạt khá, trong khi chi NSNN được kiểm soát, cơ cấu thu - chi cải thiện tích cực, nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây.
Tỷ lệ nợ công/GDP năm 2018 giảm và dự kiến đạt 61,4% (năm 2017 là 62,6%; năm 2016 là 63,6%) do tăng trưởng kinh tế khả quan. Bên cạnh đó, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP tăng từ 48,9% năm 2017 lên 49,7% năm, chủ yếu do nợ tự vay tự trả của khu vực DN và tổ chức tín dụng tăng mạnh.
Theo nhóm nghiên cứu của UBGSTCQG, năm 2019 nền kinh tế sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ từ tình hình quốc tế như hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại và triển vọng từ các hiệp định mới như CPTPP và các hiệp định thương mại tự do khác… Các bất lợi mà nền kinh tế có thể sẽ chịu tác động là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp và nhiều khả năng còn tiếp tục kéo dài ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu.
UBGSTCQG dự báo, năm 2019, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7% nếu môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. “Kinh tế Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhưng cần cải cách thể chế và môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng đầu tư tư nhân; tái cơ cấu kinh tế cần phải thực hiện triệt để; chuyển đổi sâu và rõ nét hơn mô hình tăng trưởng nhằm tận dụng được những cơ hội đến từ yếu tố quốc tế” - Trưởng ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát Đặng Ngọc Tú khuyến cáo. Ngoài ra. ổn định tài chính cần tiếp tục được coi là một trong các ưu tiên trong điều hành chính sách năm 2019 trước những biến động của tình hình kinh tế thế giới.
Về lạm phát, năm 2019 có thể chịu tác động từ yếu tố giá thực phẩm và chi phí nguyên vật liệu dùng cho sản xuất tăng trong thời gian qua. Tính toán cho thấy, nếu chưa tính đến điều chỉnh giá dịch vụ công, CPI bình quân năm 2019 có thể dưới mức 3,6%.
Loạt công ty trước nguy cơ bị thu hồi giấy chứng nhận bán hàng đa cấp
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã có báo cáo cho biết tính đến nay, chỉ có 24/30 doanh nghiệp hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được cấp theo Nghị định số 42/2014/NĐ-CP nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để cập nhật các điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP.
Nhiều công ty có thể bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp. Ảnh minh họa.
6 doanh nghiệp chưa nộp hồ sơ gồm Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam, Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Hoằng Đạt, Công ty TNHH Morinda Việt Nam, Công ty TNHH Homeway Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại Việt Nam Quốc tế Mưa, Công ty Cổ phần Truyền thông y dược.
Ngoài ra, có 3 doanh nghiệp báo cáo chưa hoàn thành điều kiện về ký quỹ đó là Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group, Công ty TNHH Tam Sinh Yotofo Việt Nam, Công ty TNHH Phong cách sống Kim Cương Việt Nam.
7 doanh nghiệp chưa hoàn thành điều kiện về hệ thống công nghệ thông tin quản lý người tham gia bán hàng đa cấp là Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group, Công ty TNHH Thương mại Việt Nam Quốc tế Mưa, Công ty TNHH MTV Thương mại Mỹ Lợi, Công ty TNHH Homeway Việt Nam, Công ty TNHH Morinda Việt Nam; Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam, Công ty TNHH Tam Sinh Yotofo Việt Nam.
Có 2 doanh nghiệp báo cáo chưa hoàn thành điều kiện về trang thông tin điện tử là Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group, Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam…
2 doanh nghiệp báo cáo chưa hoàn thành điều kiện về hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp như: Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam...
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, sau ngày 1/2/2019, các doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện sẽ bị xem xét thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo quy định tại Nghị định 40, các doanh nghiệp đang hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được cấp theo Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp có thời hạn 9 tháng kể từ ngày 2/5/2018 để đáp ứng các điều kiện tại Nghị định 40.
Sau nhiều vụ lừa đảo trắng trợn trong bán hàng đa cấp, đầu 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 40 siết chặt điều kiện kinh doanh ngành nghề này. Theo đó, Nghị định siết điều kiện đăng ký hoạt động thông qua việc nâng mức ký quỹ tối thiểu từ 5 tỷ lên 10 tỷ đồng đối với doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp.
Các doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp phải có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp. Hệ thống công nghệ thông tin này phải được vận hành trên máy chủ đặt tại Việt Nam.
Giá xăng giảm lần thứ 5 liên tiếp
Theo thông báo từ liên Bộ Công Thương - Tài chính chiều 21/12, giá xăng dầu bán lẻ trong nước tiếp tục giảm. Cụ thể, xăng E5 RON 92 tiếp tục được điều chỉnh giảm 394 đồng một lít; xăng RON95 giảm 318 đồng một lít. Các loại dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut 180CST có mức giảm tương ứng.
 Giá xăng đã giảm 5 lần liên tiếp. Ảnh minh họa.
Sau điều chỉnh, giá xăng sinh học E5 RON92 không cao hơn 16.787 đồng một lít; RON 95 ở mức 18.141 đồng một lít, dầu diesel 16.001 đồng một lít, dầu hỏa 15.003 đồng một lít.
Cùng động thái giảm giá, liên Bộ cũng giữ nguyên mức trích lập xăng E5 RON 92 là 300 đồng. Riêng với RON 95 mức trích là 1.000 đồng một lít; dầu diesel và dầu hỏa 1.200 đồng một lít, dầu mazut ở mức 1.400 đồng một kg.
Trong 15 ngày qua, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới là 58,868 USD một thùng xăng RON92, 60,949 USD một thùng xăng RON95...
Giá etanol E100 đưa vào tính giá cơ sở mặt hàng xăng E5 RON92 theo công văn của Bộ Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu là 14.778 đồng một lít (chưa có thuế GTGT).
Như vậy, giá xăng, dầu trong nước đã có 5 đợt giảm giá liên tiếp từ tháng 10 đến nay. Tổng cộng, mỗi lít xăng E5RON92 giảm gần 4.000 đồng và xăng RON95 gần 4.200 đồng.

Công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia lần thứ 6 năm 2018

Tối 20/12, Lễ công bố các DN có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia lần thứ 6 năm 2018 được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VGP.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong giai đoạn 2012 - 2018, Bộ Công Thương đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng, cùng sự hưởng ứng của các DN có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia.

Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế so với thực tiễn, Chương trình đã có những phát triển theo năm tháng, đạt được những kết quả đáng khích lệ: Thứ nhất, hoạt động tuyên truyền quảng bá cho Chương trình Thương hiệu quốc gia và các DN, thương hiệu sản phẩm Việt Nam được triển khai đa dạng, có định hướng rõ ràng, góp phần đưa hình ảnh Thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm Việt Nam đến với công chúng trong nước và quốc tế. Thứ hai, Chương trình Thương hiệu quốc gia đã góp phần nâng cao nhận thức về thương hiệu cho DN; phối hợp, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu ngành. Thứ ba, việc lựa chọn DN có thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia được thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy chế của Chương trình, đảm bảo tính công khai, minh bạch.

“Mặc dù số lượng 97 DN đạt Thương hiệu quốc gia năm 2018 còn khiêm tốn trong tổng số trên 700.000 DN trên cả nước hiện nay, tuy nhiên nếu xét về mức độ tăng dần về số lượng các DN đạt Thương hiệu quốc gia qua từng kỳ. Có thể thấy được sự tiến bộ về năng lực của các DN Việt Nam, sự quan tâm ngày càng cao của DN đối với Chương trình cũng như uy tín của Chương trình đối với cộng đồng DN”, Bộ trưởng nói.

Những DN đạt Thương hiệu quốc gia trong mọi điều kiện vẫn luôn giữ vững tăng trưởng. Phần lớn các DN đều duy trì tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu. Có những DN giữ mức tăng trưởng gần 70%, có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc dân.

Theo số liệu báo cáo, tổng doanh thu năm 2017 của các DN này đạt hơn 924.000 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2015. Giá trị xuất khẩu đạt gần 5,7 tỷ USD và đóng góp cho ngân sách Nhà nước hơn 63.000 tỷ đồng, tăng hơn 19,3% so với năm 2015, tạo việc làm cho gần nửa triệu lao động. Công tác xã hội và từ thiện cũng đã được tích cực thực hiện, đóng góp hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2017.

Chúc mừng các DN, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mong muốn các DN sẽ nỗ lực hơn nữa, tập trung vào các nội dung sau: Trước hết nâng cao năng lực quản trị của DN và phát huy thị trường, nhất là thị trường trong nước còn rất nhiều tiềm năng và có thể nói là chưa khai thác hết, tiếp tục thúc đẩy việc xúc tiến và mở rộng các thị trường ra nước ngoài, đặc biệt cùng với phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Hai là, các DN cần tiếp tục nâng cao và duy trì chất lượng sản phẩm và chứng minh với người tiêu dùng là chúng ta đang hết sức nỗ lực để để nâng cao chất lượng và chiếm lĩnh được lòng tin của khách hàng.

Ba là, Không ngừng đổi mới, sáng tạo, áp dụng các cải tiến kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh; sản phẩm và dịch vụ cần chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường nội địa và quốc tế.

Bốn là, Nâng cao vị thế tiên phong của DN mình và ngành mình trên thị trường ở trong và ngoài nước, để xứng đáng với vai trò đại diện, điển hình cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Nhằm đẩy mạnh hoạt động xây dựng, kiến tạo thương hiệu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, Hội đồng Thương hiệu quốc gia và Bộ Công Thương cần tiếp thu đầy đủ các đề xuất, kiến nghị của các DN; chỉ đạo các cơ quan của Bộ tích cực phối hợp với các bộ, ngành hữu quan trong Hội đồng Thương hiệu quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi về chính sách và nguồn lực để hỗ trợ các DN nói chung, các DN đạt Thương hiệu quốc gia nói riêng, tham gia tích cực hơn nữa trong tiến trình xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam.

Kỷ niệm 15 năm Giải thưởng Sao Vàng đất Việt

Ngày 23/12, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, T.Ư Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức kỷ niệm 15 năm Giải thưởng Sao Vàng đất Việt và Lễ trao Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2018.

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ. 

Thay mặt Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chúc mừng 200 DN tiêu biểu nhận Giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2018 và đánh giá cao T.Ư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, T.Ư Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã chủ trì, triển khai thành công giải thưởng trong suốt 15 năm qua.

Phó Thủ tướng nêu rõ năm 2018, bên cạnh những thuận lợi, nước ta cũng gặp nhiều khó khăn thách thức, nhất là những hạn chế, yếu kém tích tụ từ nhiều năm trước, thiên tai mưa lớn kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, đời sống của người dân, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp,… nhưng nước ta đã hoàn thành toàn bộ, đạt và vượt mức 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Phó Thủ tướng khẳng định thành tựu của năm 2018 tạo cơ sở, nền tảng quan trọng để nước ta hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm (2016 - 2020) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. “Trong thành tựu chung của năm 2018, đóng góp của cộng đồng DN là rất quan trọng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả và bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển DN. Do vậy, số lượng DN đăng ký thành lập mới năm 2018 đạt mức kỷ lục, trên 130.000 DN, đóng góp vào tăng trưởng GDP, việc làm, thu nhập đời sống... Năm 2018, đội ngũ DN trẻ đã tạo ra giá trị sản xuất trên 30 tỷ USD, giải quyết công ăn việc làm cho trên 3 triệu người.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm (2016 - 2020), là năm kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,8%, kiểm soát lạm phát dưới 4%, tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phấn đấu có trên 140.000 DN thành lập mới.

Do vậy, Phó Thủ tướng mong muốn, thời gian tới, T.Ư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, T.Ư Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tiếp tục chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần tự lực tự cường, lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khát vọng Việt Nam, gắn bó với lợi ích của đất nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của các chủ DN nói chung và DN trẻ nói riêng; phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh, có ý thức chấp hành pháp luật, có trách nhiệm với xã hội, kỹ năng lãnh đạo quản trị cao, chú trọng xây dựng văn hóa DN, đạo đức doanh nhân Việt Nam.

Lễ trao Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2018

Thay mặt Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển DN, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chúc mừng 200 DN tiêu biểu nhận Giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2018; đánh giá cao T.Ư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, T.Ư Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã chủ trì, triển khai thành công giải thưởng trong suốt 15 năm qua.

Lễ trao Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2018

200 thương hiệu Sao Vàng đất Việt năm 2018 đã tạo ra trên 912.000 tỷ đồng doanh thu, nộp ngân sách trên 72.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 72.000 tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 417.000 lao động.

Các thương hiệu được bình chọn là top 10 Sao Vàng đất Việt 2018 đều thuộc các DN hàng đầu như: Tập đoàn VinGroup; Công ty Cổ phần đầu tư Thành Thành Công; Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình; Công ty Cổ phần FPT; Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát; Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long; Công ty Cổ phần Bất động sản Thế kỷ (CENLAND); Công ty Cổ phần Traphaco; Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú; Công ty Cổ phần Gỗ An Cường.

Giải thưởng Sao Vàng đất Việt đã góp phần tôn vinh những doanh nghiệp có chỉ số kinh doanh tốt, phát triển ổn định, bền vững, quan tâm đến trách nhiệm đối với người lao động và xã hội. Năm 2018, Giải thưởng Sao Vàng đất Việt đánh dấu chặng đường 15 năm triển khai thành công để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng DN Việt Nam và toàn xã hội.

Trong 15 năm triển khai, qua 11 lần tổ chức đã có hơn 6.000 lượt thương hiệu sản phẩm đăng ký tham gia, trong đó 2.127 lượt thương hiệu, sản phẩm được tôn vinh trao giải.

Những con số này đã khẳng định Sao Vàng đất Việt thực sự là một giải thưởng uy tín, góp phần quan trọng nâng cao vị thế của thương hiệu và doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.