11 nước sẽ ký Hiệp định CPTPP vào tháng 3 tới
11 nước sẽ ký Hiệp định CPTPP vào tháng 3 tới |
Theo kế hoạch đã được thống nhất, các Trưởng đoàn đàm phán của 11 nước tham gia CPTPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã họp tại Tokyo, Nhật Bản từ ngày 22 – 23/01/2018 để giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhằm chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định vào tháng 3/2018.
Đoàn đàm phán của Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về Kinh tế và Thương mại quốc tế dẫn đầu đã tham dự phiên họp này.
Sau nhiều nỗ lực và cố gắng, các nước đã kết thúc toàn diện nội dung đàm phán Hiệp định CPTPP. Những vấn đề còn tồn tại sau các cuộc họp tại Đà Nẵng đã được xử lý, trong đó bao gồm các nội dung liên quan đến lao động của Việt Nam, bảo lưu về văn hóa của Canada, bảo lưu về cơ chế dành cho Tập đoàn Petronas của Malaysia...
Trên cơ sở kết quả đạt được, các nước thống nhất sẽ tiến hành quá trình rà soát pháp lý cũng như hoàn tất các thủ tục nội bộ để chuẩn bị cho việc ký kết vào ngày 8/3/2018 tại thành phố Santiago, Chile.
Theo Bộ Công Thương, kết quả đạt được của cuộc họp cấp Trưởng đoàn tại Tokyo, Nhật Bản thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của 11 nước, đặc biệt là Nhật Bản nhằm kết thúc toàn diện đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và cân bằng sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định.
Thủ tướng yêu cầu báo cáo tình hình biến động giá xăng dầu
Thủ tướng yêu cầu báo cáo tình hình biến động giá xăng dầu |
Theo đó, Bộ Tài chính cùng với Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, tổng hợp báo cáo tình hình biến động giá xăng dầu trong thời gian gần đây. Đồng thời tính toán sự chênh lệch giá giữa các mặt hàng xăng dầu, đánh giá nguyên nhân; các chính sách thuế, phí liên quan đến xăng dầu và hoạt động của Quỹ bình ổn. Qua đó, cần báo cáo, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.
Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá, Liên bộ cần kiến nghị đề xuất định hướng và giải pháp phù hợp. Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng ngay trong tháng 1/2018.
Trước đó, trong kỳ điều hành giá ngày 4/1, liên bộ Tài chính - Công Thương công bố điều hành giá xăng dầu song chỉ đưa ra mức giá cơ sở của xăng E5 còn giá cơ sở của xăng A95 tiếp tục không được công bố. Điều này đã vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận. Họ cho rằng, việc không công bố giá bán xăng RON95 là thiếu minh bạch, thả nổi, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Tại thời điểm đó, lý giải vấn đề này, Bộ Công thương cho rằng đây là mặt hàng "không phổ biến" nên để doanh nghiệp tự quyết định giá. Bộ này khẳng định từ trước đến nay, mặt hàng xăng RON 95 đều không được chọn để tính toán, công bố giá cơ sở. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng khẳng định đang theo dõi tình hình tiêu thụ 2 loại xăng E5 và RON 95 để tổng hợp, đánh giá và phối hợp Bộ Tài chính trong việc tính toán, công bố giá cơ sở mặt hàng RON 95.
HOSE "sập sàn" trong 2 ngày
HOSE "sập sàn" trong 2 ngày |
Ông Lê Hải Trà, Thành viên Hội đồng quản trị Phụ trách Hội đồng quản trị HOSE cho hay, nguyên nhân của sự cố ngày 22/01/2018 vừa qua đối với hệ thống giao dịch của HOSE được xác định là từ phần mềm khớp lệnh. Các chuyên gia đã thực hiện việc phân tích và vá lỗi trong ngày 23/01.
Theo ông Trà, ngày 24/1, HOSE đã tổ chức 2 phiên kiểm thử giả lập với các công ty chứng khoán trên toàn thị trường dưới sự giám sát của các chuyên gia. Kết quả cho thấy hệ thống đã hoạt động bình thường và sẵn sàng để mở cửa thị trường trở lại. Hệ thống giao dịch của HOSE có khả năng dự phòng.
Tuy nhiên, đối với sự cố phần mềm như thế này thì hệ thống dự phòng không có tác dụng, vì các máy chủ đều cài chung một phiên bản phần mềm ứng dụng như nhau (và đều bị lỗi như nhau).
Dù là sự kiện bất khả kháng, song việc phải đóng cửa thị trường là việc cực chẳng đã. Chắc chắn ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của HOSE nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung.
Được biết, HOSE từng ra thông cáo báo chí về việc giả mạo thông tin thời gian giao dịch bù giờ và thời gian giao dịch tiếp theo tại HOSE. Theo đó, HOSE cho biết, hiện nay, trên thị trường xuất hiện thông tin giả mạo HOSE về việc điều chỉnh bù giờ và thời gian giao dịch tiếp theo.
HOSE khẳng định thông tin đó không đúng sự thật và đã báo cáo cơ quan chức năng làm rõ nguồn gốc, mục đích mạo danh.
Đồng thời, HOSE khuyến cáo nhà đầu tư theo dõi thông báo, thông tin chính thức trên website của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và các nguồn chính thống khác, cảnh giác với các thông tin giả mạo và tin đồn thất thiệt.
Tỷ phú USD thứ 5 Việt Nam xuất hiện
Tỷ phú USD thứ 5 Việt Nam xuất hiện |
Trong phiên 22/1, HPG tăng 6,5% lên 63.600 đồng/cp. Qua đó, ông Trần Đình Long đang sở hữu khối tài sản quy từ cổ phiếu HPG trị giá khoảng 24,3 ngàn tỷ đồng (tương đương gần 1,1 tỷ USD).
Như vậy, ông Trần Đình Long là tỷ phú USD thứ 5 trên TTCK sau ông Phạm Nhật Vượng (chủ tịch Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (chủ tịch VietJet VJC), ông Nguyễn Đăng Quang (chủ tịch Masan) và ông Trịnh Văn Quyết (chủ tịch FLC, ROS).
Ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã được Forbes xếp hạng tỷ phú USD. Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Quang vừa được xếp hạng tỷ phú USD hôm 19/1.
Nếu xét khối tài sản theo số lượng cổ phiếu trực tiếp nắm giữ trên sàn, ông Trần Đình Long thậm chí còn vượt bà Nguyễn Thị Phương Thảo và là người giàu thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau ông Vượng và ông Trịnh Văn Quyết.
Ông Trần Đình Long lọt top tỷ phú USD Việt Nam chủ yếu nhờ sự bứt phá ngoạn mục của cổ phiếu HPG trong thời gian gần đây. Trong vòng 6 tháng, cổ phiếu này đã tăng gấp đôi nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng.
Doanh nghiệp thép có thị phần lớn nhất Việt Nam của ông Long vừa báo lợi nhuận sau thuế cao lịch sử, đạt 8 ngàn tỷ đồng, vượt 21% so với năm trước. Đây được xem là một trong những cổ phiếu “không đỉnh” đang tăng trưởng như vũ bão trên TTCK.
Cổ phiếu VJC và HDB của bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng ở chung tình cảnh, tăng không thấy đỉnh trong nhiều tuần gần đây. Bà Thảo hiện đang trực tiếp sở hữu gần 40 triệu cổ phiếu VJC và gần 36 triệu cổ phiếu HDB, trị giá tổng cộng hơn 24 ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu tính cả số cổ phiếu VJC sở hữu gián tiếp thì bà Thảo đang có khối tài sản 3,1 tỷ USD, giàu thứ 2 tại Việt Nam.