Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: 2 kịch bản “vực dậy” kinh tế Việt Nam năm 2020

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động bình thường mới, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững sau dịch.

Đề nghị Quốc hội xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới
Sáng 20/5, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới:
Cụ thể, đề nghị cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn.
Chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn NSNN, bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc việc kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021; trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2022 - 2025 cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.

Đặc biệt, Chính phủ tiếp tục xây dựng và đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu; kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp; bảo đảm nguồn lực cho phòng chống dịch và an sinh xã hội; góp phần củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp.

2 kịch bản khôi phục kinh tế

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ gửi Quốc hội báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Sự kiện kinh tế tuần: 2 kịch bản “vực dậy” kinh tế Việt Nam năm 2020 - Ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nêu ra dự kiến có 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020.

Kịch bản 1: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý III/2020, theo đó phương án tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến khoảng 4,4 - 5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6 - 2,4 điểm phần trăm mục tiêu đề ra), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5 - 2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7 - 7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8 - 3,6%.

Kịch bản 2: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý IV/2020, theo đó phương án GDP tăng dự kiến khoảng 3,6 - 4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4 - 3,2 điểm phần trăm mục tiêu đề ra), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1 - 2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8 - 6,7%, khu vực dịch vụ ước tăng 1,8 - 2,8%.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, việc xây dựng các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động bình thường mới và các phương án, kế hoạch phục hồi ngay, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững sau dịch, cụ thể hóa và chủ động tổ chức thực hiện trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, bao gồm các giải pháp ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Chính phủ đề nghị chưa tăng mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2020

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 20/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông qua Báo cáo về phòng chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo báo cáo, tác động của đại dịch Covid-19 đến nước ta là rất nghiêm trọng do nền kinh tế hội nhập sâu rộng, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế do các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, dịch bệnh còn ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá, dịch tả lợn châu Phi… cũng gây thiệt hại lớn ở nhiều vùng, địa phương và tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp.

Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ nâng cao vị thế Việt Nam

Cũng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 20/5, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA) đã quy định một số nguyên tắc nhằm bảo đảm để Việt Nam phát triển quan hệ với EU trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đoàn kết dân tộc phù hợp với những mục tiêu đã được các bên thỏa thuận theo Hiệp định hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA).

Việc thực thi Hiệp định này sẽ góp phần tăng cường sự gắn kết về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU, đồng thời củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai bên.

 Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVIPA

Cùng với Hiệp định EVFTA, Hiệp định này sẽ tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong Khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Việc thực hiện cam kết theo Hiệp định EVIPA sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn, minh bạch và thân thiện hơn đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.

Cùng với những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư theo Hiệp định EVFTA, việc thực thi Hiệp định EVIPA sẽ tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh như: Công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính.

Các quy định của Hiệp định EVIPA được xây dựng chi tiết, có tiêu chí rõ ràng, ghi nhận quyền ban hành và thực hiện chính sách của mỗi Bên. Điều đó sẽ góp phần bảo đảm để các quy định của Hiệp định EVIPA được hiểu và áp dụng một cách nhất quán, giúp hạn chế tối đa khả năng tranh chấp xảy ra.

Mặt khác, việc thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp thường trực theo Hiệp định EVIPA để giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư của một bên được đánh giá là bước tiến mới so với cơ chế trọng tài giải quyết tranh chấp theo từng vụ việc mà Việt Nam đã áp dụng theo 66 Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã ký kết trong gần 30 năm qua.

Cơ chế thường trực sẽ loại bỏ sự can thiệp của nhà đầu tư vào việc lựa chọn thành viên cơ quan giải quyết tranh chấp, hạn chế xung đột lợi ích, nâng cao yêu cầu về chuyên môn và tính độc lập của các thành viên này. Mặt khác, quy trình giải quyết tranh chấp theo hai cấp (sơ thẩm và phúc thẩm) của cơ chế này sẽ góp phần giảm rủi ro, nâng cao tính nhất quán của quá trình giải quyết tranh chấp.

Cho vay tiêu dùng không chính thức lên tới 1,55 triệu tỷ đồng

Tại cuộc Tọa đàm "Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng", Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã cho biết: Ước tính cho vay tiêu dùng không chính thức chiếm khoảng 15 - 20% tổng dư nợ nền kinh tế (1,16 - 1,55 triệu tỷ đồng). Cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng cuối năm 2019, bằng 11,4% tổng dư nợ, ngoài ra các kênh khác chưa có thống kê chính thức.

Ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng

Theo thông lệ, dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức vào khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, do đó dư địa sẽ còn khá lớn khoảng 1,5 - 2 triệu tỷ đồng, chưa kể hằng năm tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng thêm khoảng 14% thì cho vay tiêu dùng cũng sẽ tăng theo.

Phó Viện trưởng cho rằng cần khẩn trương chi hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cứu trợ người mất việc, nghèo khó duy trì cuộc sống; giải ngân gói 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% đối với doanh nghiệp để trả lương.

Thứ hai là kích cầu tạo việc làm có thu nhập từ gói đầu tư công 700.000 tỷ đồng. Thứ ba là cho vay tiêu dùng với món nhỏ, lãi suất hợp lý, thời gian trả nợ cần kéo dài hơn so trước kia; giáo dục tài chính cá nhân cho người lao động... và đặc biệt cần xử lý tội cho vay nặng lãi; bắt buộc gỡ các app cho vay bất hợp pháp, truy tìm xử lý loại “công ty ma” này.

Chưa quyết định giảm 50% phí trước bạ ô tô

Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

 Ảnh minh họa

“Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến của các Phó Thủ tướng, đại biểu dự họp, Thủ tướng đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước” - văn phòng Chính phủ thông tin.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Thủ tướng mới đồng ý về chủ trương để trình sang Quốc hội, đây mới chỉ là thống nhất chủ trương, còn thẩm quyền quyết định là Quốc hội. Quốc hội sẽ quyết định chứ không phải Chính phủ".

Về quy trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin: Nếu Chính phủ đồng ý, Bộ Tài chính phải xây dựng Tờ trình sang Quốc hội. “Nếu được chấp thuận, Quốc hội quyết định như thế nào thì sẽ triển khai thực hiện như thế” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói và thông tin khả năng Tờ trình sẽ được gửi tới Quốc hội trong kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.