12 dự án thua lỗ ngành Công Thương đang nợ hơn 58.000 tỷ
Bộ Công Thương tuần qua đã Sau hơn một năm triển khai thực hiện xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, Bộ Công Thương cho hay đến nay, hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp đã có chuyển biến. Tuy nhiên, tổng nợ và tổng lỗ vẫn đang tăng lên từng ngày do nhiều dự án đắp chiếu không trả được nợ.
Cập nhật tới 31/12/2017, tổng vốn chủ sở hữu của 12 dự án âm 33,41 tỷ đồng, giảm hơn 4.018 tỷ so với cùng kỳ 2016; tổng nợ phải trả hơn 58.504 tỷ (tăng 3.440 tỷ so với 2016. Ngoài 317,5 tỷ đồng lỗ lũy kế giảm tại 2 dự án Nhà máy gang thép Việt Trung (VTM) và Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng, 10 dự án còn lại đang "gánh" lỗ lũy kế tới 18.678 tỷ, tăng 2.552 tỷ so với 2016.
Liên quan đến dư nợ tín dụng tại các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, Bộ Công Thương cho hay: Với những chuyển biến tốt trong tình hình sản xuất kinh doanh, dư nợ cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư có xu hướng giảm đối với dư nợ tín dụng trung, dài hạn và dư nợ tín dụng ngắn hạn.
Tính đến hết tháng 1/2018, tổng số dư cấp tín dụng là 20.800 tỷ đồng, giảm 193 tỷ đồng so với thời điểm tháng 2/2017.
Đáng lưu ý, một số dự án có dư nợ cấp tín dụng giảm như Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai (-466 tỷ đồng); Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình (-139 tỷ đồng) và Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai (-117 tỷ đồng).
Mặc dù vậy, Bộ Công Thương thừa nhận, dư nợ cấp tín dụng vẫn là ở mức cao. Dư nợ tín dụng lớn nhất tại Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ là 4.541 tỷ đồng (tăng 41 tỷ đồng so với thời điểm tháng 2/2017); tiếp đến là Dự án nhà máy gang thép Lào Cai và khai thác mỏ sắt Quý Xa hơn 4.200 tỷ đồng; Dự án nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc là 3.785 tỷ đồng (tăng 22 tỷ đồng so với tháng 2/2017 do các ngân hàng cho vay vốn ngắn hạn tăng thêm 13 tỷ đồng và vốn trung, dài hạn tăng 9 tỷ đồng).
Đối với các khoản nợ tại Ngân hàng phát triển Việt Nam, nợ phải trả đối với VDB chỉ giảm được 6,73 tỷ đồng so với năm 2016, vẫn còn lại hơn 10.600 tỷ đồng.
Đánh giá chung, Bộ Công Thương cho biết: Sau hơn 1 năm triển khai xử lý, tình hình tài chính tại các dự án, doanh nghiệp bước đầu đã có cải thiện, trong đó nổi bật là 2 dự án đã có lãi và giảm được lỗ lũy kế là Dự án VTM và Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP 1- Hải Phòng.
Mặc dù vậy, Bộ Công Thương cảnh báo, các dự án, doanh nghiệp còn lại vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để trả nợ và dự kiến sẽ tiếp tục phát sinh nợ quá hạn (gốc và lãi) đối với các khoản vay của Ngân hàng Phát triển, các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng.có báo cáo thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trong đó đề cập tới tình hình tài chính, kết quả xử lý và khắc phục tại 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ.
Xử lý truy thu thuế tại Sabeco và Habeco
Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về xử lý truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Phó Thủ tướng yêu cầu Kiểm toán nhà nước rà soát toàn bộ nội dung kết luận về việc: Sabeco, Habeco nộp bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt, nộp tiền phạt chậm nộp và nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, nộp khoản lợi nhuận chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước tại Sabeco; quyền, trách nhiệm của các cổ đông tại Sabeco, Habeco khi thực hiện kết luận của Kiểm toán nhà nước theo luật định. Trên cơ sở đó, có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan và doanh nghiệp thực hiện theo quy định.
Các Bộ Tài chính, Tư pháp và Thanh tra Chính phủ khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về các nội dung liên quan đến kết luận trên của Kiểm toán nhà nước gửi Bộ Công Thương chủ trì, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo dừng tăng phí ATM
Trước việc các ngân hàng ồ ạt tăng phí ATM đã gặp phải phản ứng trái chiều từ dư luận trong nước, chiều 9/5, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại không được tăng phí rút tiền ATM nội mạng vào thời điểm này.
Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, Thông tư 35 của NHNN năm 2012 đã quy định rõ về thu phí sử dụng thẻ. Bên cạnh đó, Thông tư 19 ban hành ngày 30/6/2016 nêu rõ các đơn vị này phải niêm yết công khai biểu phí dịch vụ thẻ, cung cấp biểu phí này cho chủ thẻ trước khi sử dụng. Khi có thay đổi biểu phí, các ngân hàng cũng phải thông báo cho chủ thẻ trước ít nhất 7 ngày.
“Thực chất, NHNN đã có quy định về vấn đề này, các ngân hàng thương mại cũng tăng trong khung biểu phí quy định của NHNN. Trên thị trường liên ngân hàng, có ngân hàng tăng nhưng cũng có ngân hàng không tăng chứng tỏ thị trường phí rất tốt, như vậy là có sự cạnh tranh giữa các ngân hàng với nhau”, đại diện NHNN nói.
Tuy nhiên, theo đại diện NHNN, những vấn đề của câu chuyện là các ngân hàng phải làm thế nào để người tiêu dùng hiểu rõ, giải thích rõ tại sao lại tăng. Trong trường hợp này, cũng vẫn phải đặt câu hỏi ngược lại, nếu không tăng phí thì chi phí dịch vụ không tốt, các ngân hàng sẽ có thể đầu tư công nghệ hiện đại, như vậy lại dở cho khách hàng. Nói tóm lại câu chuyện cân bằng và phải hiểu nhau.
Trước đó, một số ngân hàng đề xuất được nâng mức phí dịch vụ thẻ để bù đắp một phần chi phí đầu tư hệ thống ATM. Đồng thời cho biết, dù tăng một số loại phí nhưng khách hàng không phải trả tiền hết mà dùng đến đâu thì trả tiền đến đó. Tuy vậy, về phía khách hàng bức xúc luôn kêu ngân hàng đang tận thu, phí chồng phí, có rất nhiều loại phí và luôn luôn có xu hướng tăng.
Chứng khoán lại lao dốc, VN-Index "bốc hơi" hơn 76.000 tỷ đồng
Bất chấp khối ngoại mua ròng trên 1.100 tỷ đồng, thị trường chứng khoán ngày 10/5 giằng co rồi bất ngờ lao dốc khiến VN-Index đánh mất 28 điểm, bốc hơi 76.000 tỷ đồng vốn hóa.
Ngoại trừ đợt sụt giảm về ngưỡng 1.053 điểm có đợt giao dịch ồ ạt gần 21 triệu cổ phiếu, chỉ số VN-Index từ khi mở phiên cho đến đầu phiên chiều vẫn đi ngang theo một đường biểu diễn quanh ngưỡng 1.060 điểm, sóng dao động không đáng kể.
Tuy nhiên, từ sau 13h, VN-Index tụt dốc thẳng đứng, đe dọa "thủng" đáy 1.020 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/5, VN-Index chỉ còn 1.028 điểm, thị trường chìm sâu trong sắc đỏ. Trừ ngành bảo hiểm, chỉ số của các ngành được niêm yết khác đều suy giảm, mạnh nhất là chỉ số ngành ngân hàng (5,48%) và chứng khoán (4,27%).
Trên sàn HoSE, số mã đỏ áp đảo mã xanh với tỷ lệ 201/77. Các mã VN30 "đỏ lửa" lên đến 24 mã. Nhiều mã VN30 mạnh suy giảm mặc dù lực bán khối ngoại ngang ngửa lực mua.
Mã VIC của Tập đoàn Vingroup giảm 2.400 đồng, còn 120.500 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên rớt thứ ba và cũng là phiên rớt mạnh nhất của mã cổ phiếu này, khiến cho tỷ phú Phạm Nhật Vượng mất gần 3.000 tỉ đồng vốn hóa, tính theo số cổ phiếu VIC mà ông này nắm giữ.
Mã VJC của Vietjet Air giảm 2.100 đồng, xuống 192.100 đồng/cổ phiếu sau 4 phiên tăng trưởng liên tục.
Mã GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam thoát khỏi nguy cơ giảm sàn về cuối phiên, nhưng vẫn giảm 2.500 đồng, còn 105.000 đồng/cổ phiếu, bất chấp lực mua gấp đôi từ khối ngoại.
Mã VCB của Vietcombank giảm sâu đến 3.000 đồng, chỉ còn 56.500 đồng/cổ phiếu còn VNM của Vinamilk giảm mạnh 5.000 đồng, còn 180.000 đồng/cổ phiếu.
Nhiều nhà đầu tư đã không kịp trở tay khi thị trường đột ngột lao nhanh về đáy 1.020 điểm, mặc dù suốt cả phiên sáng và đầu phiên chiều, thị trường vẫn diễn biến theo quán tính của các phiên trước đó.
Các chuyên gia khẳng định rằng tuy khối ngoại mua ròng lần đầu tiên trong tháng 5 nhưng điều này không thể nói trước được tín hiệu gì, trong khi thanh khoản toàn thị trường vẫn thấp.