Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Sự kiện kinh tế tuần] Cơ cấu lại ngành dịch vụ để cạnh tranh

Thanh Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Đề án "Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025" đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt.

Cơ cấu lại ngành dịch vụ định hướng 2025

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 283/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Đề án nhằm cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như tài chính, ngân hàng, logistics và vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, du lịch, tăng cường xuất khẩu dịch vụ, giảm thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ, hướng tới thặng dư trong cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo đó, đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 7-7,5%. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP khoảng 43 - 44% vào năm 2025. Đến năm 2025, tỷ trọng lao động các ngành dịch vụ qua đào tạo có chứng chỉ đạt khoảng 30 - 35%.
Về tài chính - ngân hàng, đến năm 2025 tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng/tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại 16 - 17%; tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng dưới 3%; ít nhất 2 - 3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Đề án đưa ra các nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện kế hoạch như tạo lập môi trường chung cho phát triển các ngành dịch vụ; phát triển hệ thống tổ chức tín dụng đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường; rà soát, hoàn thiện xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ phát triển bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin; giáo dục đào tạo; du lịch...
Masan mua xong 52% cổ phần bột giặt Net
Masan HPC, công ty thành viên của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan, đã hoàn tất việc mua 52% cổ phần của Công ty CP Bột giặt Net (Netco) với mức giá 48.000 đồng/cổ phiếu sau công bố chào mua công khai từ cuối tháng 12/2019.
Với mức giá này, Netco được định giá xấp xỉ 46 triệu USD, hệ số giá trên thu nhập (P/E) là 13.
 Dây chuyền sản xuất bột giặt Net

Đây là thương vụ được MCH công bố hồi cuối năm 2019 sau khi thực hiện xong việc hoán đổi cổ phần với VinCommerce, VinEco thuộc Tập đoàn Vingroup trước đó khoảng 1 tháng.

Theo công bố của MCH, thương vụ giữa MCH và Netco nhằm tích hợp Netco với hệ thống phân phối của Masan gồm 300.000 điểm bán lẻ truyền thống cùng nền tảng thương mại hiện đại gồm 3.000 siêu thị và siêu thị mini trên cả nước.

Đồng thời hướng đến việc tập trung phát triển danh mục sản phẩm vượt trội với trọng tâm là danh mục sản phẩm cao cấp theo chiến lược phát triển của MCH trong tương lai.

Giá vàng tăng lên cao nhất trong 7 năm qua

Giá vàng thế giới tiếp tục tăng đêm qua lên vùng giá 1.620 USD/ounce là nguyên nhân chính đẩy vàng trong nước vượt mốc 45,3 triệu đồng/lượng, cao nhất kể từ năm 2012.

Lần gần nhất giá vàng miếng tại Việt Nam giao dịch ở mức giá 45,3 triệu đồng đã diễn ra từ năm 2012, đây cũng là giai đoạn giao dịch vàng sôi nổi nhất thị trường trước khi bị Nhà nước siết quản lý.

 Ảnh minh họa

Tại Hà Nội và các TP lớn khác, giá bán ra thậm chí được doanh nghiệp đặt ở mức 45,37 triệu đồng/lượng.

So với đầu tuần, vàng SJC đã tăng 900.000 đồng/lượng, còn nếu so với đầu năm 2020, giá kim loại quý cũng đã tăng 2,6 triệu đồng mỗi lương, tương đương 6%.

Ngoài việc tăng giá, dữ liệu từ các sàn giao dịch vàng lớn cũng ghi nhận khối lượng mua - bán kim loại quý tăng mạnh trong tuần này do nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn do những hậu quả của nền kinh tế phát triển chậm mang lại. Ngược lại, thị trường chứng khoán Mỹ lại chứng kiến đà sụt giảm vàng làm giá kim loại quý tăng cao.

Ngành sữa Việt Nam đón thêm tin vui

Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa chính thức cấp mã giao dịch và cho phép 1 nhà máy của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), được phép xuất khẩu sản phẩm sữa đặc có đường (sweetened condensed milk) và các loại sữa đặc khác (other condensed milk) vào thị trường Trung Quốc.

Ảnh minh họa
Như vậy, cùng với sản phẩm sữa tiệt trùng (sterilized milk) và sữa biến đổi (modified milk) của Công ty Cổ phần Chuỗi Thực phẩm TH (TH True Milk) đã được Hải quan Trung Quốc cấp phép trước đó, sản phẩm sữa đặc có đường và các loại sữa đặc khác của Vinamilk cũng sẽ đến được với người tiêu dùng Trung Quốc trong thời gian tới.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng cho biết cơ quan này đang tiếp tục xem xét, đánh giá hồ sơ, tài liệu của các nhà máy và công ty sữa khác của Việt Nam.
Tiếp tục thông quan hàng hóa qua cửa khẩu
Ngày 20/2, chính quyền tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) thống nhất cho chính thức mở lại các hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu phụ Tân Thanh - Pò Chài.

Trong khi đó, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tính đến chiều 21/2, Việt Nam xuất khẩu được 132 xe, gồm: nông sản, hoa quả, linh kiện điện tử, khẩu trang, hàng may mặc); Nhập 215 xe (linh kiện điện tử, nông sản: lê, hành, khoai môn, nấm..., máy móc, nhôm, giấy...); còn tồn 384 xe nông sản và linh kiện điện tử.

Cửa khẩu Cốc Nam tái xuất 1 xe cá đông lạnh; tồn hàng xuất 11 xe (lạc, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm, cá basa đông lạnh); Cửa khẩu Chi Ma xuất 7 xe khẩu trang y tế, thiết bị chống dịch; tồn 3 xe xuất khẩu (1 xe tái nhập thạch đen; 2 xe hạt tiêu); Cửa khẩu Ga Đồng Đăng nhập 29 toa (thép tấm, Melamin); Tồn 7 toa chờ làm thủ tục nhập khẩu (Thép, Melamin).

Hoạt động thông quan cũng diễn ra tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh và Hà Giang, nhưng vẫn có hàng tồn.