Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tại Hà Nội
Ngày 9/5, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” cùng khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam” do Bộ TT&TT chủ trì tổ chức.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan sản phẩm công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất |
Trong lần đầu tiên được diễn ra, Diễn đàn đã có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương. Đây là động thái thể hiện rõ ràng sự quan tâm cũng như quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Chia sẻ trong phần khai mạc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tăng năng suất lao động, phát triển nhanh, bền vững và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình đang là câu hỏi lớn dành cho Việt Nam, cần phải có câu trả lời nếu muốn đất nước phát triển. Công nghệ chính là lời giải cho bài toán trên.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra thời cơ lớn cho Việt Nam. Việt Nam hoàn toàn có thể là cái nôi để doanh nghiệp trong nước đi ra thế giới, giải bài toán cho quốc gia sau đó là giải bài toán cho toàn cầu. Chính công nghệ sẽ giúp Việt Nam vươn ra quốc tế, Bộ trưởng khẳng định.
Người đứng đầu ngành TT&TT cho biết, với lần đầu tiên tổ chức một Diễn đàn công nghệ mang tầm cỡ quốc gia, cùng khẩu hiệu “Make in Vietnam”, đây sẽ là cơ hội để Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp công nghệ định hướng được chiến lược đưa Việt Nam ra thế giới.
Không thể không nhắc tới các startup, những khởi nghiệp công nghệ này đã tạo ra nhiều sự thay đổi trong nền kinh tế khi từ mô hình nhỏ ban đầu vươn lên thành những tập đoàn hùng mạnh. Việt Nam cần những doanh nghiệp như vậy, Bộ trưởng nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định: Chúng ta có một khát vọng và một tầm nhìn, có niềm tin vào tương lai Việt Nam, niềm tin vào công nghệ và sự phát triển của các doanh nghiệp bởi đây sẽ là những động lực quan trọng để phát triển đất nước.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, thế giới đang chuyển sang cuộc cách mạnh khoa học công nghệ lần thứ 4. Mỗi địa phương phải tìm ra những giải pháp công nghệ thông minh để nâng cao hiệu quả giải quyết các vấn đề vận hành bộ máy nhằm đáp ứng một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất cho nhu cầu của người dân.
Hà Nội cũng liên tục đưa ra những chính sách ưu đãi cũng như thuê ngoài các dịch vụ nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất công nghệ mới cũng như đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng nhằm tạo ra hệ sinh thái công nghệ.
Hà Nội sẽ cải cách làm thông thoáng cơ chế, trở thành một trong những TP đầu tiên có cơ chế mở cho doanh nghiệp phát triển, ông Nguyến Đức Chung khẳng định.
Chủ tịch TP Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ có cơ chế, chính sách để hỗ trợ các địa phương, thí điểm cơ chế đầu tư công nghệ thông tin, xây dựng, công bố các tiêu chuẩn về cơ sở dữ liệu tại các địa phương
Thông điệp mở đầu trong phát biểu chỉ đạo của mình tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ luôn luôn lắng nghe và tích cực tìm ra giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cũng như tạo ra điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam phát triển.
Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã liên tục cổ vũ doanh nghiệp bởi lòng tin sẽ có những cái tên nội địa vươn ra toàn cầu. Việc phát triển công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình vươn ra thế giới của Việt Nam. Do đó, nhận thức này đã được biến thành hành động, phải gỡ bỏ các rào cản cho doanh nghiệp công nghệ phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh.
Hiện tại, Việt Nam thường xuyên phải mua các công nghệ của nước ngoài, trong tương lai, chúng ta không chỉ học hỏi từ quốc tế mà còn phải tiến tới làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ nhằm dùng công nghệ nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam và bài toán Việt Nam.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp công nghệ phải được xác định là hạt nhân để thực hiện khát vọng Việt Nam "hóa rồng". Ở thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các doanh nghiệp công nghệ có vai trò bản lề trong việc phát triển kinh tế đất nước. Nền kinh tế đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là một trong những động lực mới để phát triển nền kinh tế Việt Nam.
Tiềm năng cho phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là rất lớn. Đó là con người thông minh, sáng tạo, cần cù, thị trường gần 100 triệu dân, công nghệ đi vào mọi ngõ ngách, tạo ra một quốc gia thông minh, Thủ tướng nói.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp công nghệ còn có trọng trách dẫn dắt việc chuyển đổi số quốc gia cũng như đưa nền kinh tế lên tầm cao hơn. Hiện thực hóa khẩu hiệu "Make in Vietnam - Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ".
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, thời gian không chờ đợi, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số, doanh nghiệp cũng như các bộ, ngành cần hành động ngay. Loại bỏ những phương thức kinh doanh cũ kỹ thay vào đó là các giải pháp đổi mới sáng tạo và công nghệ.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng Chính phủ cần lên tiếng giải thích về giá điện
Chuyện tăng giá điện và những bức xúc của người dân khi hóa đơn tiền điện cao đột biến được đề cập tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế xã hội ngày 8/5.
Phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội mở đầu cho chương trình kỳ họp thứ 34 của UB Thường vụ Quốc hội |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, khung và lộ trình tăng giá điện do Thủ tướng quyết định, đồng thời, giá điện cũng phải tuân theo cơ chế tính đã có. Do đó, theo bà cần xem lại điều hành giá điện có đúng như các quyết định này không. Bà cũng nói, Chính phủ phải lên tiếng giải thích chứ không phải chỉ công bố lập đoàn thanh tra.
Cũng đề cập tới giá điện, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, nhận xét báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ nêu nhiều con số về phát triển kinh tế nhưng lại chưa đề cập đầy đủ các vấn đề xã hội đang nổi lên, được dư luận quan tâm. "Dư luận vẫn hoài nghi về tính minh bạch của quản lý điện, hoạt động của EVN. Chính phủ cần kiểm tra để giải đáp cho dư luận, cử tri rõ", bà nói.
Bà cũng nhấn mạnh, dư luận, cử tri hoan nghênh Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ cùng Bộ Tài chính, Bộ Công Thương thanh tra việc tăng giá điện vừa qua. Tuy nhiên, việc kiểm tra, thanh tra giá điện phải giải đáp được vì sao tăng, điểm hợp lý và bất hợp lý trong cơ cấu giá điện cũng như sự đảm bảo của các yếu tố thị trường khi mảng điện lực độc quyền...
Ngoài ra, phương pháp tính giá điện bậc thang và biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện được cho là chưa phù hợp với bối cảnh phát triển hiện nay. Nhiều gia đình ít người hết sức tiết kiệm cũng sử dụng không dưới mức thấp nhất.
"Vì sao lại tăng giá điện vào thời điểm nóng nhất, khi người dân dùng điện nhiều, cộng với giá điện luỹ tiến dùng càng nhiều phải trả càng cao? Chúng tôi chưa có đánh giá nhưng đề nghị kiểm tra để trả lời dư luận. Tăng nhưng phải rõ căn cứ, cái gì chưa phù hợp thì cần điều chỉnh", bà nói.
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá, việc tăng giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế... là những rủi ro lạm phát, có thể ảnh hưởng bất lợi đến ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế.
"Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động của việc này đối với chỉ số giá tiêu dùng CPI, cũng như các mặt kinh tế - xã hội", ông Thanh nói.
Từ ngày 20/3, giá điện bán lẻ bình quân đã tăng thêm 8,36%, lên mức 1.864,44 đồng một kWh. Gần một tháng sau đó, nhiều hộ gia đình phản ánh hoá đơn tiền điện tăng cao đột biến, gấp đôi, ba lần. Giải thích về hiện tượng này, ngành điện đưa ra 3 nguyên nhân từ yếu tố thời tiết nắng nóng, sản lượng dùng điện các hộ tăng và một phần do tăng giá bán lẻ điện.
Thủ tướng sau đó đã có chỉ đạo yêu cầu Thanh tra Chính phủ cùng các bộ thanh tra việc tăng giá, phương pháp tính và thu tiền của các hộ dùng điện, báo cáo Thủ tướng trong tháng 6.
Mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo giá cũng có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, ngành tiếp tục theo dõi, tác động từ việc tăng giá bán lẻ điện.
Doanh nghiệp Việt - Mỹ cùng kiến tạo và phát huy cơ hội kinh doanh
Sáng 10/5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tới dự và phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam năm 2019 với chủ đề "Kỷ niệm 25 năm thương mại và đầu tư". Đây là lần thứ 3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ (AmCham) và Phòng thương mại Hoa Kỳ phối hợp tổ chức Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đánh giá cao và cảm ơn sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong suốt chặng đường 25 năm qua. Phó Thủ tướng khẳng định trong mỗi bước phát triển của quan hệ hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại như: Việc hai nước ký Hiệp định Thương mại song phương (năm 2000), Hoa Kỳ trao Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (năm 2001), hai nước ký Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (năm 2007)... cộng đồng doanh nghiệp hai nước đều đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng.
Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển nhanh, vượt bậc cả về tầm mức và chiều sâu trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian qua, với nhiều sự kiện mang ý nghĩa lịch sử như: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo một nước ASEAN đầu tiên thăm chính thức Hoa Kỳ ngay sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức; Tổng thống Trump là vị Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm Việt Nam 2 lần trong một nhiệm kỳ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh chính sách xuyên suốt của Việt Nam là coi Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng hàng đầu, mong muốn tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Hoa Kỳ, trong đó hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục là nền tảng và động lực của quan hệ hai nước.Nhiều năm qua, Hoa Kỳ liên tục là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 130 lần kể từ năm 1994 đến nay (450 triệu USD năm 1994, lên đến gần 60 tỷ USD trong năm 2018). Xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam tiếp tục tăng mạnh (tăng gần 40% trong năm 2018). Trong chuyến thăm Việt Nam dự Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 vừa qua của Tổng thống Trump, các nhà lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ ký các hợp đồng thương mại lên tới hơn 21 tỷ USD.Năm 2018, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,08%; tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 482 tỷ USD. Hiện có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 340 tỷ USD, trong đó Hoa Kỳ có 900 dự án còn hiệu lực với tổng giá trị hơn 9 tỷ USD.Phó Thủ tướng khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có những biến động nhanh, phức tạp, khó lường, Việt Nam quyết tâm hội nhập ngày càng sâu rộng và chủ động vào thể chế đa phương, thể hiện qua việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tham gia và phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái bình Dương (CPTPP).Phó Thủ tướng nhận định, nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng gia tăng tính bổ trợ lẫn nhau. Trong khi Việt Nam có các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ như thủy sản, hạt điều, dệt may, da giày... thì Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam những sản phẩm công nghệ cao, trong đó phải kể đến các dự án đầu tư năng lượng hay các hợp đồng mua máy bay...Phó Thủ tướng cũng tái khẳng định quyết tâm của Việt Nam xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh hiệu quả, thành công tại Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam đang mong muốn phát triển như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và bền vững, kết cấu hạ tầng, tài chính ngân hàng, giáo dục đào tạo, du lịch, công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao...."Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ lần này nên được coi là một trong những hoạt động nhằm kiến tạo và phát huy các cơ hội kinh doanh đầu tư giữa hai nước đồng thời cũng là một nỗ lực tiếp nối để phát triển những thành quả trên", Phó Thủ tướng đề xuất và được cộng đồng doanh nghiệp hai nước hưởng ứng.VCCI, Phòng Thương mại Hoa Kỳ, AmCham tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ kết nối kinh doanh và đầu tư. Doanh nghiệp hai bên tiếp tục sử dụng hiệu quả cơ chế của Hiệp định khung về Thương mại và đầu tư (TIFA), trong đó tập trung vào triển khai và phát huy cơ chế cảnh báo sớm để mỗi bên có sự chuẩn bị kịp thời đối với tác động của các chính sách, quy định mới.
Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm Việt Nam
Trong thông cáo phát đi chiều 9/5, Bộ Tài chính cho biết việc cải thiện triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức Tích cực thể hiện ghi nhận của Fitch đối với thành quả của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực cải thiện chất lượng và hiệu quả điều hành kinh tế.
Ảnh minh họa |
Theo đánh giá của Fitch, Chính phủ Việt Nam tiếp tục quyết liệt thực hiện cam kết củng cố tài khóa và kiềm chế nợ công. Cụ thể, Việt Nam đã thành công trong việc đưa nợ Chính phủ từ mức 53% GDP năm 2016 xuống khoảng 50,5% GDP vào cuối năm 2018 và được dự báo tiếp tục giảm xuống còn khoảng 46% GDP vào năm 2020.
Nợ công của Việt Nam, theo tính toán của Fitch, cũng giảm xuống còn khoảng 58% GDP vào cuối năm 2018. Đây là kết quả được Fitch đánh giá cao trong bối cảnh chỉ tiêu nợ công tiệm cận mức trần 65% GDP được Quốc hội cho phép vào cuối năm 2016. Fitch dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 sẽ khoảng 6,7%, tức trong mục tiêu từ 6,6-6,8% do Quốc hội đề ra.
Tổ chức này nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất so với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như so với nhóm các nước đồng hạng BB, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài do lợi thế chi phí thấp.
Hơn nữa, có dấu hiệu cho thấy Việt Nam có thể hưởng lợi dưới tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong thời gian qua từ việc dòng thương mại chuyển hướng ra khỏi Trung Quốc.
Ngoài Fitch Ratings, đầu tháng 4 vừa qua, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) nâng hệ số tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên 1 bậc, từ mức BB- lên mức BB với triển vọng "Ổn định". Đây là lần đầu tiên tổ chức này cải thiện xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam kể từ tháng 12/2010.
SCIC có Tổng Giám đốc mới
Thủ tướng Chính phủ ngày 9/5 đã ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Chí Thành - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) giữ chức vụ Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc SCIC.
Ban lãnh đạo SCIC |
Với quyết định này, ban lãnh đạo SCIC gồm: Ông Nguyễn Chí Thành sinh ngày 29/5/1972. Ông có Bằng Thạc sĩ của Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia (GRIPS) Nhật Bản và Bằng cử nhân của Đại học Kinh tế Quốc dân Việt Nam. Ông Thành khởi nghiệp tại Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tham gia tái cơ cấu nợ nước ngoài và xây dựng chính sách ngoại hối.
Ông bắt đầu làm việc tại SCIC với vai trò Phó Ban Chiến lược vào năm 2006 và được bổ nhiệm là Trưởng Ban Chiến lược từ tháng 11/2008. Từ năm 2010, ông lần lượt giữ các chức vụ Trưởng Ban Quản lý rủi ro, Giám đốc Chi nhánh Phía Nam của SCIC, Trưởng Ban Quản lý vốn đầu tư 3; ngày 30/6/2015, ông được bổ nhiệm là Phó Tổng giám đốc của SCIC; Phó Tổng Giám đốc Phụ trách SCIC từ ngày 1/9/2017.
Vietnam Airlines lên sàn HOSE
Ngày 7/5, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) chính thức khai trương phiên giao dịch đầu tiên hơn 1,4 tỷ cổ phiếu HVN của Tổng Công ty CP Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Vietnam Airlines lên sàn HOSE với giá tham chiếu 40.600 đồng/cổ phiếu. |
Với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 40.600 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động ±20%, giá trị vốn hóa của Vietnam Airlines tại HOSE ước đạt 57.000 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỉ USD.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cho biết với việc niêm yết chính thức lên sàn HOSE, Vietnam Airlines trở thành doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE từ đầu năm 2019 đến nay. Vietnam Airlines cũng là doanh nghiệp thứ 2 trong số 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đại diện chủ sở hữu nhà nước, có cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE.
Theo ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, việc niêm yết trên sàn HOSE là sự kiện quan trọng giúp Vietnam Airlines nâng cao uy tín, tăng tính minh bạch, chuẩn hóa hoạt động quản trị của doanh nghiệp và tiếp cận các nguồn vốn đầu tư mới.
Trước đó, ngày 23/4, toàn bộ cổ phiếu HVN đã được hủy giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán UPCoM. Trong hơn 2 năm ở UPCoM, HVN là một trong những cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất và nằm trong nhóm 5 cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất với bình quân hơn 800.000 cổ phiếu giao dịch/phiên, tương đương giá trị giao dịch khoảng 30,6 tỷ đồng (tính theo giá cổ phiếu HVN bình quân năm 2018).
Tính đến quý I/2019, Vietnam Airlines đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.579 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch cả năm. Năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của hãng đạt mức lớn nhất từ trước đến nay là 3.312 tỷ đồng, vượt 36,8% kế hoạch.
Liên quan đến kế hoạch thoái vốn và tìm kiếm thêm các nhà đầu tư lớn khác, được biết hãng hàng không này đã trình Chính phủ phương án thoái vốn. Hiện Ủy ban quản lý vốn nhà nước là cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines với tỷ lệ 86,19%, và cổ đông chiến lược Ana Holdings (Nhật Bản) nắm giữ 8,77% cổ phần. Nhà nước sẽ tiếp tục giảm nắm giữ cổ phần tại hãng hàng không này xuống còn 51% trong thời gian tới.
"Với số lượng nhà đầu tư đông đảo hơn, lượng vốn lớn hơn và tính thanh khoản thị trường tốt sẽ hỗ trợ giúp Vietnam Airlines thoái vốn nhà nước có lộ trình và tăng vốn để đáp ứng nhu cầu phát triển của hãng trong tương lai. Hãng cũng kỳ vọng có thêm nhiều nhà đầu tư lớn khác. Hiện lộ trình thoái vốn đã được trình và đang chờ Chính phủ phê duyệt" - ông Phạm Ngọc Minh chia sẻ thêm.