Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: EVN được tăng giá điện 20%/năm ?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân được thông qua, mỗi năm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ được 4 lần điều chỉnh giá điện.

EVN sẽ có quyền tự tăng giá điện ?
Trong tuần qua, Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân. Dự thảo này được cho rằng sẽ giúp quy trình xem xét, điều chỉnh giá điện công khai, minh bạch hơn trước.
 
Cụ thể, Dự thảo đề nghị quy định lại tần suất điều chỉnh tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá bán điện từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Với mức tăng từ 3% đến dưới 5%, EVN sẽ được quyền quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ ở mức tương ứng; mức tăng từ 5% đến dưới 10% Bộ Công Thương sẽ quyết định và trên 10% do Chính phủ quyết định. Mức tăng giá bán điện tối đa trong vòng 1 năm sẽ là 20%.
Góp ý dự thảo Quyết định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đồng tình với việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện (3 tháng thay vì 6 tháng như trước đây) và giảm biên độ tối thiểu điều chỉnh giá điện (tăng 3% thay vì 7% so với trước đây).
Theo số liệu thống kê từ năm 1995 đến nay, mức độ lạm phát của Việt Nam có sự biến động mạnh giữa các năm, nhưng không có năm nào vượt quá 20%. Nếu trao cho EVN thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện tối đa lên đến 20% mỗi năm và Bộ Công Thương được quyết định tăng tối đa 40% mỗi năm là khá cao so với mức biến động giá bình thường, VCCI khuyến cáo.
VCCI cũng đề nghị, việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm có sự tham gia của bên bán điện, bên mua điện và có sự kiểm soát của Nhà nước. Đặc biệt, bên mua điện có thể tham gia vào cơ chế điều chỉnh giá điện tại tất cả các khâu từ tính toán, kiểm tra cho đến kiến nghị, đàm phán phương án điều chỉnh giá điện.
Sẽ thu được 15 tỷ USD từ thoái vốn và cổ phần DNNN
Mới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ nhằm đề xuất giải pháp tăng thu cho ngân sách Nhà nước thông qua quá trình bán cổ phần tại các DNNN. VAFI cho rằng, chỉ cần thực hiện đúng theo các quy định hiện hành, ngân sách có thể thu về 15 tỷ USD.
 
Phó chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, trong suốt 10 năm qua, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách gắn cổ phần hóa với niêm yết chứng khoán nhưng hiệu quả còn chưa cao, nhiều DNNN đã cổ phần hóa không chịu niêm yết và thoái vốn. Có tới hàng trăm DN cố tình trốn tránh việc niêm yết và người đại diện cổ phần chi phối Nhà nước tại các DN cổ phần hóa đã không thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ giao phó .
Có nhiều nguyên nhân được VAFI đưa ra để lý giải có tình trạng này. Có thể kể đến như người đại diện cổ phần Nhà nước yếu kém năng lực và không thích sự minh bạch hoặc nhóm lợi ích tìm cách bưng bít thông tin, biến tài sản cổ đông và Nhà nước thành tài sản của nhóm cá nhân ...
Về hậu quả của việc cố tình trốn tránh niêm yết, VAFI cho rằng điều này không chỉ làm sút nghiêm trọng lòng tin của giới đầu tư vào tiến trình cổ phần hóa DNNN và Nhà nước thất thu hàng tỷ USD mà có thể đối diện với nguy cơ mất vốn hoặc thậm chí là mất hết vốn ở tại nhiều DN.
Cũng theo VAFI, cần phải có những chế tài mạnh hơn để buộc các DNNN phải niêm yết theo quy định của Chính phủ. Không thể để xảy ra tình trạng Thủ tướng chỉ thị nhưng Bộ trưởng không chấp hành hay những người đi làm thuê cho chính phủ (người đại diện cổ phần Nhà nước) cố tình không thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ giao phó.
Đã chọn xong nhà thầu tư vấn bán vốn Nhà nước tại Vinamilk
Theo Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), đơn vị này đã lựa chọn xong đơn vị tư vấn để bán 9% vốn điều lệ tại Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Liên doanh tư vấn gồm: Công ty Morgan Stanley Asia (Singapore) Limited (Morgan Stanley); Công ty cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn (SSI) và Công ty TNHH VinaCapital Corporate Finance Việt Nam (VinaCapital).
 
SCIC cũng cho biết, Morgan Stanley sẽ là tư vấn đứng đầu Liên danh. Liên danh sẽ tư vấn tổng thể phương án bán vốn, định giá khởi điểm, tư vấn tổ chức giới thiệu tìm kiếm nhà đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện các thủ tục liên quan để tổ chức bán cổ phần.
Việc lựa chọn liên danh tư vấn bao gồm các tổ chức tài chính có uy tín trong và ngoài nước sẽ đảm bảo việc thực hiện bán phần vốn Nhà nước tại Vinamilk một cách công khai, minh bạch, hiệu quả và chống lợi ích nhóm theo đúng chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, SCIC khẳng định.
EU rút "thẻ vàng" với thuỷ sản Việt Nam
Cục Quản lý Chất lượng Nông - Lâm sản và Thuỷ sản (Nafiqad, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa phát đi thông tin cảnh báo của Liên minh châu Âu (EU) về tình trạng nhiễm kim loại nặng đối với các lô hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam.
 
Theo đó, Nafiqad cho biết đã nhận được 11 thông tin về 11 lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị cảnh báo dư lượng kim loại nặng như thuỷ ngân, cadmium vượt giới hạn tối đa cho phép.
Số vụ cảnh báo đã tăng gấp 2,2 lần so với cả năm 2015. Trước đó, vào ngày 24/5, EU cũng đã phát đi cảnh báo với các nước là thành viên kiểm tra tăng cường kim loại nặng đối với thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh Châu Âu.
Để tránh việc tiếp tục bị EU cảnh báo các chỉ tiêu kim loại nặng, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của thủy sản Việt Nam, Nafiqad yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu vào EU có chương trình quản lý chất lượng, thiết lập, thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát mối nguy kim loại nặng trong đó đặc biệt lưu ý đến việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy hải sản nhập về nhà máy để chế biến.