Sự kiện kinh tế tuần: Giá điện tăng 8,36%, xăng dầu giữ ổn định

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá điện tăng 8,36%; PVN phải thoái vốn khỏi lĩnh vực nhạy cảm theo đúng lộ trình; Giá xăng dầu được giữ ổn định... là nội dung chú ý tuần qua.

Giá điện tăng lên 1.850 đồng/kWh
Theo Bộ Công Thương, giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng 8,36% từ ngày 20/3. Theo đó, giá điện tăng từ 1.720 đồng lên khoảng 1.850 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
Ảnh minh họa.
Giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia theo 6 bậc thang, thấp nhất 1.678 đồng một kWh và cao nhất 2.927 đồng một kWh. Cùng với giá bán lẻ điện sinh hoạt, giá bán buôn với hộ tiêu dùng này, thấp nhất 1.646 đồng một kWh cho số điện từ 0 đến 50kWh và cao nhất 2.871 đồng cho hộ dùng trên 400kWh.
Trả lời báo chí tại buổi họp báo về điều chỉnh giá điện, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có tính đến các yếu tố tác động tới giá điện bao gồm chi phí đầu vào ở các khâu: Phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ, quản lý...
Theo ông Tuấn, liên quan đến yếu tố đầu vào giá điện, từ ngày 5/1/2019 giá than bán cho sản xuất điện làm tăng chi phí phát điện thêm 3.000 tỷ đồng. Cùng với đó, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, giá than sẽ điều chỉnh bước 2, đồng thời với điều chỉnh giá điện lần này, theo đó, dự kiến tăng thêm chi phí phát điện khoảng 2.000 tỷ đồng. TKV mua thêm than ngoại dự kiến cũng tăng thêm chi phí hơn 1.000 tỷ đồng...
Nói cụ thể hơn về tác động của việc tăng giá điện lần này, đại diện Bộ Công Thương cho hay, đối với khách hàng hộ gia đình sử dụng dưới 50kWh sẽ phải trả thêm khoảng 7 nghìn đồng; khách hàng sử dụng 50 - 100kWh sẽ phải trả thêm khoảng 14.000 đồng; từ 100-200kWh phải trả thêm 31.000 đồng; 200 - 300kWh phải trả thêm khoảng 53.000 đồng; trên 400kWh sẽ phải trả thêm trung bình khoảng 77.000 đồng.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy, sơ bộ trong khoảng 25 triệu khách hàng sinh hoạt trong đó dưới 100kWh vẫn chiếm đa số (chiếm 35,6%), trong khi lượng dùng trên 300 kWh/tháng chỉ chiếm 15% và trên 400 kWh/tháng chỉ 7,9%.
Với các hộ dùng điện nhiều dùng cho kinh doanh, EVN thống kê cả nước đang có 443.00 khách hàng. Theo đó, bình quân mỗi khách hàng phải trả thêm 500.000 đồng/khách hàng.
Về tác động tới hộ sản xuất, hiện cả nước có khoảng 1,413 triệu hộ sản xuất, mỗi hộ trả bình quân tiền điện hàng tháng là 12,9 triệu đồng, mức tăng thêm vào khoảng 869 nghìn đồng/khách hàng sản xuất.
Đối với khách hàng sử dụng nhiều điện, chúng tôi cũng tiến hành khảo sát 40 doanh nghiệp sử dụng nhiều điện trong lĩnh vực sắt thép, xi măng… Ví dụ như điện sản xuất xi măng, có khách hàng sẽ tăng thêm khoảng hơn 7%, tương đương 13 triệu đồng/tháng nhưng có khách hàng tăng thêm tới 94 triệu đồng. Đối với khách hàng sản xuất thép, hộ thấp nhất tăng 5% (khoảng 50 triệu đồng), cao 8,28%...
Ảnh hưởng tới CPI và GDP, Chính phủ đã họp để xem xét đánh giá và nhất trí với phương án tăng 8,36%. Bộ Công Thương và Tổng cục Thống kê tính toán, với mức tăng giá điện 8,36% sẽ làm giảm 0,22% GDP, và chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng 0,29%. Cùng với các giải pháp khác, sẽ vẫn đảm bảo chỉ tiêu về GDP, CPI như Quốc hội giao.
PVN phải thoái vốn khỏi lĩnh vực nhạy cảm theo đúng lộ trình
Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về công tác tái cơ cấu, thoái vốn, cổ phần hóa. Trước đó, PVN cho rằng, phải thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 với khối lượng lớn sẽ khó thực hiện khi phải đảm bảo lợi ích tối ưu cho Nhà nước.
Ảnh minh họa.
Trong văn bản phản hồi, Bộ Tài chính cho biết, Thủ tướng đã có công văn từ năm 2017 về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thuộc PVN sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020. Bởi vậy, Bộ đề nghị PVN thực hiện theo chỉ đạo này, trong đó, tập trung đẩy nhanh thoái vốn tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực nhạy cảm gồm bất động sản, quỹ đầu tư, chứng khoán, bảo hiểm.
Nhóm các doanh nghiệp trong lĩnh vực này bao gồm: Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính công đoàn dầu khí VN (PVFI), Công ty cổ phần Đông Dương xanh, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI)...
Trước đó, Chính phủ yêu cầu đến cuối năm 2018, PVN phải thoái vốn tại Công ty cổ phần PVI; Công ty cổ phần Dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An; Công ty cổ phần phát triển Đông Dương Xanh; Công ty cổ phần Bất động sản dầu khí SSG.
Ở giai đoạn 2018-2019, tập đoàn này sẽ phải thoái toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Công đoàn dầu khí Việt Nam, Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Bảo dưỡng - Sửa chữa công trình dầu khí. Trong giai đoạn 2018 - 2020, PVN cũng phải giảm tỷ lệ nắm giữ tại một loạt doanh nghiệp.
Trong một đề xuất liên quan đến thực hiện đề án tái cơ cấu gửi Bộ Công Thương, PVN từng xin một loạt cơ chế ưu đãi đặc thù, trong đó có việc trích nguồn dự phòng để bù đắp khi có rủi ro xảy ra trong hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí với tỷ lệ 30% lợi nhuận trước thuế.
Vietnamobile sắp có Tổng giám đốc mới
Đại diện truyền thông của Công ty Cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile cho biết, DN sẽ thay Tổng giám đốc mới từ ngày 9/4. Cụ thể, công ty này đã thay Tổng giám đốc là bà Christina Hui, một đại diện đến từ Tập đoàn Hutchison (Hồng Kông) làm Tổng giám đốc thay cho bà Elizabete Fong.
 Ảnh minh họa.
Việc chuyển giao ghế Tổng giám đốc vẫn đang trong quá trình hoàn tất thủ tục pháp lý. Dự kiến, ngày 9/4 tới, Vietnamobile sẽ công bố thông tin chính thức về tân Tổng giám đốc Christina Hui.
Được biết, bà Christina Hui có hơn 25 năm kinh nghiệm quản lý, điều hành trong lĩnh vực truyền thông. Trước khi đảm nhận ghế Tổng giám đốc, bà từng là Giám đốc hỗ trợ chuyển đổi, còn trước đó bà là nhân sự cao cấp của Tập đoàn Hutchison.
Đối với bà Elizabete Fong, người có khoảng 7 năm gắn bó với Vietnamobile với vị trí Tổng giám đốc, sẽ đảm nhiệm một vai trò mới với chức vụ là Giám đốc kế hoạch và dự án chiến lược của Hutchison Asia Telecom để hỗ trợ Vietnamobile.
Công ty Cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile (đơn vị sở hữu mạng Vietnamobile) gồm 3 cổ đông là Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) góp 50% vốn điều lệ, công ty Hutchison Telecommunications (Vietnam) S.A.R.L, góp 49% và bà Trịnh Minh Châu - Tổng giám đốc Hanoi Telecom góp 1%.
Động thái thay tướng của Vietnamobile diễn ra trong bối cảnh nhà mạng này đang đối diện với khá nhiều khó khăn. Trong một lá đơn gửi lên Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 2/2019, Vietnamobile cho rằng công ty này đang ngày càng đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt vì những chính sách bất công và sự độc quyền trong cạnh tranh không cân bằng từ các nhà mạng đại diện cho khối doanh nghiệp nhà nước.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, Vietnamobile đã phủ sóng 91,3% dân số (2G), 81,3% dân số (3G) và đã phủ sóng 4G tại 37 tỉnh, thành. Tổng số trạm 3G tính đến thời điểm hiện tại là 7.345 trạm.
Để có được kết quả trên, Vietnamobile đã đầu tư 1,196 tỷ USD (tương đương 27.866 tỷ đồng). Trước đó, nhà mạng này từng rót tới 2 tỷ USD để tham gia cuộc chơi viễn thông tại Việt Nam nhưng gặp thất bại
Giá xăng dầu được giữ ổn định
Theo thông tin điều chỉnh xăng dầu ngày 18/3/2019, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ ổn định giá các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường.
 Ảnh minh họa
Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa phát đi thông tin về việc điều hành giá xăng dầu từ 20h tối nay (ngày 18/3), chậm hơn so với bình thường khoảng 5 giờ.
Theo đó, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định giữ nguyên mức trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng dầu như hiện hành.
Đồng thời, tăng mạnh mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu- Xăng E5RON92 lên 2.801 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 2.000 đồng/lít); xăng RON95 lên 2.061 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 1.250 đồng/lít); dầu diesel lên 1.343 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 1.354 đồng/lít); dầu hỏa lên 1.065 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 1.078 đồng/lít); dầu mazut lên 1.640 đồng/kg (kỳ trước chi sử dụng 1.400 đồng/kg).
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như mục 1 nêu trên, giữ ổn định giá các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường.
Theo đó, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu vẫn được giữ nguyên như cách đây 15 ngày dù giá mặt hàng này trên thị trường thế giới tăng cao.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 vẫn ở mức 17.210 đồng, RON 95 là 18.540 đồng, dầu diesel 15.850 đồng, dầu hỏa 14.880 đồng mỗi lít.
Liên Bộ cho biết, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 18/3 có xu hướng tăng. Hiện ở mức: 71,307 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 6,77% so với kỳ trước); 72,925 USD/thùng xăng RON95 (tăng 6,23% so với kỳ trước); 80,441 USD/thùng dầu diesel 0.05S (giảm 0,07% so với kỳ trước); 79,740 USD/thùng dầu hỏa (giảm 0,09% so với kỳ trước); 433,132 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 2,16% so với kỳ trước).
Giá etanol E100 đưa vào tính giá cơ sở mặt hàng xăng E5RON92 theo Công văn số 263/BTC-QLG ngày 18 tháng 3 năm 2019 của Bộ Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu là 15.442 đồng/lít (chưa có thuế GTGT).
Theo Bộ Công Thương, mặc dù giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng, quỹ Bình ổn giá xăng dầu thời gian qua được chi sử dụng liên tục và ở mức cao nhằm hạn chế tác động tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới tới giá bán xăng dầu trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát.