Sự kiện kinh tế tuần: Giá vàng lao dốc sau ngày Vía Thần Tài

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng lao dốc sau ngày Vía Thần Tài; CPI tháng 2/2018 tăng mạnh; Bộ Công an muốn quản lý chặt Uber, Grab... là nội dung chú ý tuần qua.

Giá vàng lao dốc sau ngày Vía Thần Tài
Giá vàng lao dốc sau ngày Vía Thần Tài.

Phiên giao dịch ngày Vía Thần Tài (25/2), các cửa hàng kinh doanh tại Hà Nội, TP.HCM... mở cửa từ rất sớm. 5h sáng, dòng người xếp hàng đã len chặt tại các cửa hàng vàng để được mua những chỉ vàng đầu tiên của ngày Vía Thần Tài.

Bảng giá vàng Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu tại thời điểm mở cửa sáng 25/2, được niêm yết từ 36,​68 - 37,​50 triệu đồng/lượng.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá mua vào là 36,​75 triệu đồng/lượng và bán ra là 3​7,​05 triệu đồng/lượng. Điều chỉnh nhiều nhất là Công ty Doji Hà Nội, giá bán vàng SJC tại doanh nghiệp này lên tới 37,​60 triệu đồng/lượng.

Theo đại diện PNJ, tính đến cuối giờ chiều 25/2, doanh số của tất cả các cửa hàng PNJ trong ngày đạt hơn 750 tỷ đồng, tăng gần 40% so với ngày vía Thần Tài năm ngoái. Đại diện Tập đoàn Doji cho hay doanh số bá ra ước tăng 50% so với năm ngoái, đạt khoảng 290.000 sản phẩm.

Sau ngày Vía Thần Tài, giá vàng SJC tại Hà Nội sáng 2/3 được một số DN vàng lớn niêm yết ở mức 36,6 triệu đồng/lượng (mua vào) - 36,7 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 36,61 triệu đồng/lượng - 36,69 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.

Các mức giá này tiếp tục giảm 20.000 đồng/lượng chiều mua vào và 10.000 đồng/lượng ở chiều bán so với phiên ngày 1/3. So với mức giá cao nhất được giao dịch trong ngày Vía Thần Tài, giá vàng SJC hiện giảm hơn 1 triệu đồng/lượng.

CPI tháng 2/2018 tăng mạnh
 CPI tháng 2/2018 tăng mạnh

Nhu cầu sắm Tết cao đã khiến cho giá cả hầu hết các mặt hàng đều tăng, đẩy CPI tháng 2/2018 tăng 0,73% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ 2017.

Theo Tổng cục thống kê, trong 11 nhóm hàng hóa tính chỉ số giá CPI, có tới 9 nhóm hàng tăng giá. Trong số đó, tăng mạnh nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống với 1,53%, nhóm giao thông tăng 0,79% trong khi văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,72%, đồ uống và thuốc là tăng 0,75%...

Chỉ có hai nhóm giảm giá gồm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,09% và nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,07%. Theo cơ quan thống kê, Tết Nguyên đán năm nay rơi vào thời điểm tháng 2/2018, với nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao nên đã góp phần làm CPI tăng.

Giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng tăng cao do nhu cầu phục vụ thực phẩm dịp Tết, như thịt lợn, bò, hải sản tươi sống tăng từ 1% đến 8%.

Cũng trong kỳ tính giá CPI lần này, mặc dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm vào ngày 21/2/2018 nhưng do còn ảnh hưởng của các đợt tăng giá ngày 4/1/2018 và ngày 19/1/2018 nên bình quân tháng 2, giá xăng dầu tăng 1,15% so với tháng trước và làm CPI tăng 0,05%.

Theo đó, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,34% do một số đơn vị kê khai tăng giá chiều đông khách dịp Tết từ 20% đến 60% so với ngày thường. Đặc biệt, thời gian nghỉ Tết kéo dài nên nhu cầu du lịch tăng cao dẫn tới chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 0,7% so với tháng trước.

Ngoài ra, các mặt hàng có mức tiêu thụ cao trong dịp Tết như đồ uống, thuốc lá với mức tăng từ 0,5 - 1,5%; giá điện sinh hoạt tăng 1,31% do nhu cầu sử dụng điện tháng Tết tăng cao cũng làm tăng CPI chung là 0,03%.

Bộ Công an muốn quản lý chặt Uber, Grab
 Tới lượt Bộ Công an muốn quản lý chặt Uber, Grab

Trong văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ, Bộ Công An cho biết, qua thực tế triển khai thực hiện thí điểm trên, Bộ Giao thông - Vận tải cần bổ sung một số nội dung.

Cụ thể, Bộ Công An cho rằng các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng còn đơn giản dẫn đến tình trạng khó kiểm soát được số lượng, chất lượng của xe và lái xe của Grab và Uber.

Theo Bộ Công An, đó là nguyên nhân chính gây ra một số vụ việc phức tạp về trật tự xã hội liên quan đến lái xe của các doanh nghiệp vận tải tham gia thí điểm.

Cơ quan này cho rằng việc phối hợp trong công tác xử lý vi phạm, ngành giao thông vận tải chưa chủ động trong trao đổi thông tin, dữ liệu liên quan đến số lượng đơn vị vận tải tham gia thí điểm… nên lực lượng công an khó phân biệt, xử phạt xe tham gia thí điểm vi phạm trên đường.

Bộ Công An đề nghị không để kéo dài thời gian thí điểm với những bất cập chưa được giải quyết.

Mỹ cân nhắc quay lại TPP
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin.

Khi Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sắp được ký kết giữa 11 nước thì Mỹ lại tiếp tục bắn tiếng đàm phán lại.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin phát biểu trước các thành viên Phòng thương mại Mỹ tại Washington hôm 27/2 và nêu quan điểm muốn đàm phán tại TPP.

Bộ trưởng Mnuchin cho biết ông "đã bắt đầu các cuộc đối thoại cấp rất cao" về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và khẳng định việc Mỹ trở lại thỏa thuận thương mại khu vực này là một lựa chọn được Tổng thống Donald Trump cân nhắc.

Thông điệp của Mỹ muốn quay lại với TPP hay theo tên gọi mới là Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có vẻ càng dày hơn về mật độ bắn tin khi CPTPP dự kiến ký kết ngày 8/3.

Nhưng thông điệp của ông Trump vẫn được xuyên suốt: Để Mỹ quay lại TPP hay CPTPP thì phải có đàm phán lại sao cho "công bằng hơn", sao cho có lợi cho người Mỹ hơn.

Chính Bộ trưởng Mnuchin cũng thông tin lấp lửng việc đàm phán lại với các đối tác không phải là ưu tiên hiện nay nhưng đó là việc tổng thống xem trọng.