Sự kiện kinh tế tuần: Giá vàng tăng kỷ lục lên tới 42 triệu đồng/lượng

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng tăng gần 2 triệu đồng/lượng trong tuần qua; Người Việt chỉ tạo ra 43.000 đồng sau mỗi giờ làm việc; 780 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chưa niêm yết... là nội dung chú ý tuần qua.

Giá vàng tăng gần 2 triệu đồng/lượng trong tuần qua
Khởi điểm giao dịch tuần này, giá vàng SJC tại Công ty VBĐQ Sài Gòn được niêm yết ở mức 39,77 - 40,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 70.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào bán ra so với phiên giao dịch trước đó. Chênh lệch giá bán đang cao hơn giá mua là 250.000 đồng/lượng.
 Ảnh minh họa
Cùng thời điểm đó tại Hà Nội, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở mức 39,80 - 40,25 triệu đồng/lượng, tăng 30.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 280.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với thời điểm chốt phiên giao dịch cuối tuần. Chênh lệch giá mua-bán hiện là 450.000 đồng/lượng.
Giá vàng trong nước tăng dần và đạt đỉnh vượt mốc 42 triệu đồng/lượng phiên giao dịch ngày 7/8, nhưng lại để mất mốc này ngay sau đó. Nhìn chung trong tuần qua, giá vàng diễn biến nhanh, khoảng cách giữa mua và bán được các doanh nghiệp giãn ra từ 300.000 - 400.000 đồng, trong khi bình thường chỉ ở mức 200.000 đồng/lượng.
Kết thúc tuần giao dịch, chiều nay (10/8) Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng ở mức 41,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,85 triệu đồng (bán ra). Như vậy, qua 1 tuần giao dịch, giá vàng mua vào tăng 1,68 triệu đồng/lượng và tăng 1,83 triệu đồng/lượng bán ra.
Tuy giá vàng tuần qua ghi nhận mức tăng cao "phi mã" do ảnh hưởng của thị trường thế giới, nhưng các giao dịch trên thị trường không được cải thiện nhiều. Các nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng.
Tập đoàn DOJI hiện niêm yết giá mua bán vàng miếng SJC tại 41,5- 42,3 triệu đồng một lượng. So với hôm qua, giá này tăng 300.000 đồng ở cả hai chiều. Đây là giá cao nhất kể từ tháng 5/2013.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng cũng tăng mạnh. Giá mua tăng 350.000 đồng, lên 41,5 triệu đồng mỗi lượng. Giá bán tăng tương tự, lên 42 triệu đồng.
Thị trường vàng thế giới trải qua một tuần đầy biến động do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bị đẩy lên cao trào. Chỉ tính riêng trong tuần này, giá vàng đã tăng gần 100 USD, mức tăng kỷ lục của giá kim loại quý, đạt đỉnh cao nhất trong vòng 6 năm qua.
Giá vàng giao ngay giao dịch quanh mức 1.496,7 USD/oz, giảm 8 USD/oz so với đóng cửa phiên giao dịch hôm qua. Vàng tăng giá chủ yếu do những căng thẳng chính trị giữa Mỹ - Iran và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Tính từ đầu năm, giá vàng giao ngay đã tăng hơn 17% do những ảnh hưởng từ xung đột từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cùng những bất ổn tại vùng Vịnh trong thời gian gần đây, cũng như những tín hiệu cắt giảm lãi suất từ nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là Fed.
Các chuyên gia từ Goldman Sachs dự đoán giá vàng sẽ lên tới 1.600 USD/oz trong vòng 6 tháng tới vì giới đầu tư đổ vào các tài sản an toàn.
Người Việt chỉ tạo ra 43.000 đồng sau mỗi giờ làm việc
Tại Báo cáo về năng suất lao động Việt Nam được Tổng cục Thống kê đưa ra mới đây, cơ quan này khẳng định năng suất lao động Việt Nam dù có tăng song vẫn chậm và chưa đột biến.
 Ảnh minh họa
Số liệu thống kê cho thấy mặc dù chỉ số này đã tăng so với các năm trước, song năng suất lao động của người Việt vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê nếu tính theo ngang giá sức mua của 2011, năng suất lao động mỗi giờ làm việc của Việt Nam đạt khá thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN. Năm 2015 chỉ đạt 1,4 USD, trong khi đó Malaysia đạt 24,9 USD; Thái Lan đạt 12,1 USD; Indonesia đạt 12 USD; Philippines đạt 8,4 USD.
Riêng Singapore đạt mức năng suất theo giờ rất cao với 54,9 USD nhưng do số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của một lao động ở Singapore cao hơn ở Việt Nam nên khoảng cách giữa năng suất tính theo mỗi giờ làm việc giữa Singapore và Việt Nam (12,5 lần).
Năng suất trên mỗi giờ làm việc của lao động Việt Nam năm 2018 theo giá hiện hành đạt 43,4 nghìn đồng, cao hơn 3,5 nghìn đồng so với năm 2017, bình quân giai đoạn 2011-2018 tăng 4,8%.
Tại Báo cáo Năng suất lao động Việt Nam, Tổng cục Thống kê cho biết năng suất chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2017 theo giá hiện hành đạt 298,7 triệu đồng/lao động, gấp 3,2 lần mức năng suất chung cả nước.
Đáng chú ý, năng suất lao động thuộc doanh nghiệp nhà nước đạt rất cao khi mỗi năm, lao động tạo ra hơn 678,1 triệu đồng, gấp 7,3 lần mức chung cả nước.
Nguyên nhân được chỉ ra là nhờ đẩy mạnh sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian qua. Năng suất lao động doanh nghiệp Nhà nước đạt mức cao chủ yếu vẫn dựa vào ưu thế trong việc phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài nguyên thiên nhiên.
Theo loại hình doanh nghiệp, các lao động trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra hơn 228,4 triệu đồng/lao động/năm, gấp 2,5 lần mức năng suất chung của cả nước; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 330,8 triệu đồng/lao động, gấp 3,5 lần.
Theo Tổng cục Thống kê, năng suất của doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt thấp nhất, trong khi họ chiếm tới 96,7% tổng số doanh nghiệp, điều này ảnh hưởng nhiều đến năng suất chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Nguyên nhân chủ yếu phần lớn là doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên gặp hạn chế trong việc nâng cao năng suất, khó tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiếp cận tín dụng chính thức hạn chế, thiếu lao động có kỹ năng, khó tham gia và học hỏi từ chuỗi giá trị, không khai thác được hiệu quả kinh tế nhờ lợi thế về quy mô…
780 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chưa niêm yết
Tại cuộc họp báo chuyên đề ngày 5/8, đại diện Bộ Tài chính cho biết, hồi tháng 8/2017, cơ quan này đã công khai danh sách 747 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đến hết quý II/2019 vẫn còn 622 doanh nghiệp trong số này chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
 Ảnh minh họa
Bộ Tài chính đã tiếp tục rà soát, bổ sung 158 doanh nghiệp vào danh sách các doanh nghiệp cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán nâng tổng số lên 780 đơn vị.
Về việc bàn giao các doanh nghiệp có vốn nhà nước về SCIC, theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2019, có 2 doanh nghiệp bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC, bao gồm Công ty cổ phần phát triển văn hóa du lịch Vũng Tàu với số vốn nhà nước là 751 triệu đồng và Tổng công ty Thép Việt Nam với số vốn nhà nước là 6.368 tỷ đồng). Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 29 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 630 tỷ đồng.
Từ năm 2017 đến hết quý II/2019, các bộ, ngành đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (đã bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco). Bộ Tài chính nhận định tiến độ cổ phần hóa năm 2019 chưa đạt được kế hoạch khi còn tới 92 trong số 127 doanh nghiệp phải cổ phần hóa, tương đương 72%, trong khi hiện đã bước sang quý III.
Giá trị mua bán sáp nhập năm nay có thể đạt 7,6 tỷ USD
Số liệu cập nhật tại M&A Vietnam Forum 2019 cho biết, tổng giá trị các thương vụ M&A 7 tháng đầu năm đạt 5,43 tỷ USD và dự báo năm nay có thể đạt gần 7,6 tỷ USD.
 Ảnh minh họa
Trước đó, trong khảo sát đánh giá về triển vọng thị trường mua bán sáp nhập 2019 do MAF (Nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam) và CMAC (Trung tâm nghiên cứu Đầu tư và Mua bán sáp nhập), các nhà đầu tư và nghiên cứu đưa ra các dự báo khác nhau về thị trường M&A năm nay.
Cụ thể, 52% dự đoán giá trị thị trường ở mức 7 - 7,5 tỷ USD, 16% lạc quan hơn với mức 7,5 - 8,5 tỷ USD. Trong khi đó, 23% thận trọng ở mức 5 - 7 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng, đang có nhiều yếu tố khả quan giúp M&A thành kênh thu hút đầu tư quan trọng. Các chỉ số về tăng trưởng GDP, lạm phát, thu hút FDI, số doanh nghiệp thành lập mới đều ổn định và tích cực. Cùng với đó, các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, cũng tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn nước ngoài.
Nhóm nghiên cứu MAF và CMAC dự báo, trong năm 2019 và tiếp theo, các thương vụ M&A sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực như viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục... cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể.
Ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm đồ uống và bán lẻ dẫn đầu về sức hấp dẫn nhờ vào quy mô thị trường lớn, dân số trẻ. Những doanh nghiệp có tiếng như Habeco, Vinamilk vẫn còn chỗ trống cho nhà đầu tư nước ngoài và sẽ là mục tiêu hấp dẫn của các tập đoàn từ châu Âu, Mỹ và Thái Lan.
Trong khi đó, bất động sản đang thu hút cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đang trong cuộc đua tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt nhất với kỳ vọng về dòng tiền sinh lời ổn định và lãi suất cao.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Giám sát nợ nước ngoài của từng doanh nghiệp

Ngày 9/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành và Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá tình hình nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011 - 2018 và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2019.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Thành Chung

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia dưới mức trần được Quốc hội cho phép là không quá 50% và đang trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Đặc biệt, nợ nước ngoài của Chính phủ giảm rất mạnh, tốc độ tăng nợ rất thấp.

Còn nợ nước ngoài Chính phủ bảo lãnh chiếm tỷ trọng nhỏ và xu hướng giảm. Năm 2018, Chính phủ đặt ra hạn mức bảo lãnh vay nợ 700 triệu USD nhưng đã không bảo lãnh vay quốc tế dự án nào mà ưu tiên vay vốn trong nước khi trong nước có khả năng và có lợi về lãi suất hơn.

Tuy nhiên, quy mô nợ nước ngoài quốc gia tăng nhanh, chủ yếu là nợ nước ngoài của doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, tín dụng theo hình thức tự vay tự trả chiếm khoảng 48,4% tổng nợ nước ngoài quốc gia so với tỷ lệ 25,6% năm 2011 và 40,4% của năm 2016.

Phó Thủ tướng cho rằng việc tăng nhanh nợ nước ngoài theo hình thức tự vay tự trả chủ yếu nằm ở khối DN đầu tư nước ngoài (chiếm 76% tổng lượng nợ của DN), tập trung ở một số DN FDI có quy mô lớn.

“Việc tăng nợ nước ngoài quốc gia tuy đáp ứng được nhu cầu vốn và huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng nhưng cũng tác động tới khả năng trả nợ nước ngoài của quốc gia”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Để bảo đảm an toàn nợ công nói chung và nợ nước ngoài của quốc gia nói riêng cũng như ổn định kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành tăng cường điều hành, quản lý nợ theo quy định của pháp luật như Luật quản lý nợ công, các Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội, Chính phủ về nợ công nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế nói chung chứ không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn tự thân của DN, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các DN nói chung.

Hàng hóa Việt Nam đối mặt với hàng loạt các biện pháp phòng vệ thương mại

Theo thông tin từ Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), 7 tháng năm 2019, tần suất các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức độ cao, trung bình 1 vụ/1 tháng.

 Mỹ áp thuế hơn 400% lên thép nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn

tránh thuế

Theo đó, hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành xử lý 7 vụ việc PVTM khởi xướng điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang tiếp tục xử lý 7 vụ việc khởi xướng từ năm 2018, 4 vụ việc rà soát biện pháp PVTM đã áp dụng, trong đó có những vụ việc có kim ngạch xuất khẩu lớn như cá tra, tôm. Trong 7 vụ việc khởi xướng điều tra mới, thị trường Ấn Độ dẫn đầu với 4 vụ việc, Hoa Kỳ 2 vụ việc, Malaysia 1 vụ việc.

Cục Phòng vệ Thương mại nhận định, xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang sẽ dẫn tới việc hàng hóa của hai nước này sẽ khó tiêu thụ tại thị trường của nhau, dẫn tới tăng cường xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, làm gia tăng sức ép cạnh tranh đối với các ngành sản xuất trong nước.

Đồng thời, hai nước cũng sẽ tăng cường các biện pháp chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ cũng như các biện pháp PVTM đối với hàng hóa của nhau. Chính sách bảo hộ gia tăng sẽ dẫn tới các yêu cầu khắt khe hơn với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là về quy tắc xuất xứ.

Đơn cử, các vụ việc Mỹ đang điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với thép chống ăn mòn, thép cán nguội của Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu từ Hàn Quốc, Đài Loan hay xem xét đơn kiện Công ty Minh Phú gian lận thuế với sản phẩm tôm là minh chứng rõ nét cho xu thế này.

Do vậy, để có những báo cáo kịp thời, tránh bị động tối đa từ các diễn biến chính sách của Mỹ và Trung Quốc, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến chiến tranh thương mại của hai nước này.

Nhằm ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung diễn ra, mới đây Tổng cục Quản lý thị trường đã tập trung rà soát danh sách hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế. Tuy nhiên, Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị cần thành lập tổ kiểm tra có sự phối hợp từ hải quan nhằm rà soát những DN lợi dụng cơ hội để nhập khẩu hàng hoá tăng đột biến từ hai thị trường này.

9 tỉnh thành đồng bằng sông Hồng triển khai cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Ngày 6/8, Ban Tổ chức Cuộc vận động xây dựng và phát triển văn hóa Doanh nghiệp, UBND TP Hà Nội và Sở Công Thương Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội và Hiệp hội phát triển văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức “Hội nghị triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Hà Nội và 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng”, bao gồm: Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng.

 Toàn cảnh hội nghị

Đây là hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động lan tỏa vào đời sống của cộng đồng doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết: "Việc tổ chức Hội nghị này là hết sức có ý nghĩa, góp phần vào sự phát triển văn hóa nói chung của cả nước và của 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng nói riêng.

Đồng thời mong muốn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các các tỉnh, TP và các doanh nghiệp để tạo sức lan tỏa cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ngày càng sâu rộng, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm với xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.

Ông Josep Lee (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc Koica - Hàn Quốc) chia sẻ kinh nghiệm xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn Samsung, và vai trò hỗ trợ của Chính phủ trong việc thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp.

Trước khi đến Việt Nam 3 năm trước với vai trò là chuyên gia tư vấn của Koica, ông Josep Lee từng làm việc cho rất nhiều các doanh nghiệp tại Hàn Quốc. Từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhà nước cho đến những tập đoàn kinh tế toàn cầu.

Theo ông Lee, để xây dựng văn hóa doanh nghiệp cần tính đến 3 yếu tố chính, đó là loại hình doanh nghiệp, mô hình kinh doanh và những nhân tố khác (độ lớn, mục tiêu, năng lực, tính sở hữu của doanh nghiệp).

"LG, Samsung, Hyundai có văn hóa doanh nghiệp khác với những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi đó, doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào công nghệ hoặc doanh nghiệp đặt mục tiêu về doanh số, lợi nhuận thì sẽ tạo ra văn hóa doanh nghiệp khác nhau", ông Josep Lee chia sẻ.

Vị chuyên gia của Koica đặc biệt nhấn mạnh đến tinh thần doanh nghiệp. Đây là cốt lõi và các cấp quản lý trong doanh nghiệp đều phải tuân thủ, có tinh thần tương đồng với tinh thần của doanh nghiệp.