Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá xăng dầu đồng loạt tăng gần 1.000 đồng/lít; Không có chuyện Doanh nghiệp Trung Quốc “sở hữu” Sabeco; Thương mại điện tử Việt sẽ sớm "vượt" Thái Lan... là nội dung chú ý tuần qua.

Giá xăng dầu đồng loạt tăng gần 1.000 đồng/lít
Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc tăng giá bán lẻ các mặt hàng này từ 18h chiều ngày 1/10.
 Ảnh minh họa
Theo đó, mỗi lít xăng E5RON92 tăng 666 đồng; xăng RON95 tăng 923 đồng/; dầu diesel tăng 438 đồng/lít; dầu hỏa tăng 424 đồng/lít; dầu mazut tăng 829 đồng/kg.
Sau điều chỉnh, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng lên mức tối đa 19.780 đồng/lít; xăng RON95 21.066 đồng/lít; dầu diesel16.638 đồng/lít; dầu hỏa 15.786 đồng/lít; dầu mazut 14.919 đồng/kg.
Cùng với tăng giá bán lẻ, nhà điều hành cũng quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít và giảm mức trích lập Quỹ bình ổn đối với xăng RON95 và các loại dầu xuống mức 300 đồng/lít (kỳ trước là 400 đồng/lít/kg).
Đồng thời chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (kỳ trước không chi), cụ thể: Xăng E5RON92: 300 đồng/lít; xăng RON95: 500 đồng/lít; dầu diesel 0.05S: 200 đồng/lít; dầu hỏa: 200 đồng/lít; dầu Mazut: 500 đồng/kg.
Theo liên Bộ Công Thương - Tài Chính, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới bình quân tăng từ 6 - 16,88% so với kỳ trước. Tuy nhiên, liên Bộ đã điều chỉnh giảm mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng RON95 và các loại dầu xuống 300 đồng/lít/kg (kỳ trước 400 đồng/lít/kg).
Đồng thời chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá các loại xăng dầu ở mức từ 200 - 500 đồng/lít/kg (kỳ trước không chi). Theo đó, giá các sản phẩm xăng dầu trong nước có mức chỉ tăng từ 2,55 - 7,35% (thấp hơn mức tăng giá thành phẩm xăng dầu thế giới).
Không có chuyện Doanh nghiệp Trung Quốc “sở hữu” Sabeco
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã lên tiếng bác bỏ thông tin các chủ đầu tư Trung Quốc đang “sở hữu” Tổng Công ty nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay: Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nếu các nhà đầu tư này tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
“Thông tin, tin đồn Sabeco đã thuộc sở hữu của các chủ đầu tư Trung Quốc, Bộ Công Thương khẳng định đây là thông tin không đúng sự thật.” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Lãnh đạo Bộ Công Thương thông tin, hiện nay tỷ lệ sở hữu vốn tại Sabeco chỉ có 2 cổ đông chính là Công ty TNHH Vietnam Beverage, thuộc ThaiBev của Thái Lan, đã mua 53,59% cổ phần của Sabeco; cổ đông thứ hai chính là Bộ Công Thương sở hữu 36%.
“Mọi thông tin liên quan đến Sabeco đã được bán cho công ty của Trung Quốc là hoàn toàn không đúng sự thật” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tái khẳng định.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương luôn ủng hộ các doanh nghiệp trong phát triển và sản xuất kinh doanh, bảo vệ thương hiệu của mình trong đó có Sabeco, trên cơ sở tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, mang lại lợi ích cho các cổ đông.
“Ở Sabeco, cổ đông Nhà nước do Bộ Công Thương đại diện chủ sở hữu, nắm giữ 36% cổ phần nhằm giữ quyền phủ quyết khi Hội đồng quản trị đưa ra các kế hoạch về phát triển, hoạt động sản xuất kinh doanh và các vấn đề khác của Sabeco” - ông Hải nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết thêm, hiện nay Nhà nước Việt Nam đầu tư vốn tại nhiều tập đoàn, tổng công ty, vì vậy những tin tức sai sự thật như thông tin doanh nghiệp Trung Quốc “sở hữu” cổ phần của Sabeco có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như uy tín của chính doanh nghiệp đó và ảnh hưởng tới lợi ích của các cổ đông hiện tại.

Chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - CMCN 4.0”, diễn đàn cấp cao phiên toàn thể sáng 3/10 tập trung phổ biến quán triệt Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0,” và các báo cáo mang tính định hướng định hướng, chiến lược hướng tới nền kinh tế số xã hội số và chia sẻ kinh nghiệm khuyến nghị từ các chuyên gia quốc tế hàng đầu về chuyển đổi số.

Sự kiện kinh tế tuần: Giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh - Ảnh 3
Quang cảnh diễn đàn.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, việc xác định, chủ động, tích cực tham gia CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài đối với toàn bộ hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội. Có thể xem đây là khâu đột phá, có ý nghĩa tích cực đến việc thực hiện thắng lợi chủ trương chủ động, tích cực tham gia CMCN 4.0.

Thứ hai, CMCN 4.0 mang đến cả cơ hội và thách thức. Trong đó, xác định cơ hội là chủ đạo. Tuy nhiên, phải chủ động, tích cực phòng ngừa, ứng phó với tất cả tác động tiêu cực, đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng, an toàn, công bằng xã hội và phát triển bền vững của đất nước.

Thứ ba, cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi phải có đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội để xây dựng thể chế cho phù hợp, phải có cách tiếp cận mở, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng các cơ chế thí điểm đối với các vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra. Bên cạnh đó phải tạo mọi điều kiện cho hoạt động đổi mới, sáng tạo. Kiên quyết đấu tranh với các tư tưởng bàng quan, thờ ơ, thụ động, nhưng đồng thời cũng không được chủ quan, nóng vội, duy ý chí.

Thứ tư, huy động mọi nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, cả trong nước và quốc tế, đáp ứng đủ nguồn lực cho việc chủ động, tích cực tham gia CM4.0.

Trong đó, các nguồn lực trong nước có vai trò quyết định, các nguồn lực nước ngoài đóng vai trò quan trọng. Đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị.

Trong năm 2019, hàng loạt nội dung liên quan đến CMCN 4.0 đã được Chính phủ chủ động triển khai.

Cụ thể, giao các cơ quan chức năng xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 đến năm 2030; dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia; dự thảo Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia… Đáng lưu ý, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới theo mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy).

“Đây chính là những bước đi cụ thể, mạnh mẽ nhằm hiện thực hoá, triển khai và đưa Nghị quyết 52 vào cuộc sống, góp phần tạo động lực bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam sẽ chủ động tham gia CMCN 4.0 với phương châm bắt kịp, tiến cùng và vượt lên”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn.

Thương mại điện tử Việt sẽ sớm "vượt" Thái Lan
Tại hội thảo Kinh tế số với chủ đề "Phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam" trong khuôn khổ Diễn đàn Diễn đàn cấp cao và Triển lãm về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức chiều 2/10, các chuyên gia, nhà kinh doanh thương mại điện tử đã chia sẻ nhiều về kinh tế số trong thương mại điện tử ở Việt Nam.

 Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương.

Ông Đặng Hoàng Hải cho biết, năm 2018, giá trị thương mại điện tử của Việt Nam đạt khoảng 9 tỷ USD và với tốc độ phát triển hiện nay dự kiến năm 2025 giá trị thương mại điện tử sẽ đạt 33 tỷ USD, đứng thứ 2 trong khu vực, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).
Ông Trần Trọng Tuyến - Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cũng cho rằng, với tốc độ tăng trưởng khoảng 30% và trên 30%/năm thì rất gần đây thôi - là năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam dự kiến sẽ đạt giá trị 13 tỷ USD.
Ông này cho biết: Gần đây tại nhiều sự kiện quốc tế, nhiều bạn quốc tế nói rằng Việt Nam có rất nhiều yếu tố vượt Thái Lan để trở thành nền kinh tế có giá trị thương mại điện tử lớn thứ hai, chỉ sau Indonesia.
Về nguồn lực và điều kiện hiện thực hóa thị trường thương mại điện tử khổng lồ ở Việt Nam theo ông Lê Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương nói: Số lượng người dùng ứng dụng di động tại Việt Nam tăng mạnh, đi cùng với đó là sự phát triển của hạ tầng viễn thông 3G, 4G, và sắp tới là 5G. Với hơn 64 triệu người sử dụng Smartphone có kết nối 3G, 4G tiến tới là 5G chắc chắn đây là điều kiện rất tốt để phát triển thương mại số, kinh tế sô.
Ông Thành cho biết, cuộc cạnh tranh về giá khiến số lượng bán hàng trực tuyến ngày một gia tăng. Bên cạnh đó, sự bùng nổ Internet, thiết bị di động (smartphone) cũng sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhiều trang bán hàng trực tuyến tham gia thị trường; xu hương mua bán trên mạng xã hội cũng kích thích thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay mới chỉ phát triển ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM (chiếm 70% giao dịch) và một số tỉnh năng động liền kề. Trong khi đó, miếng bánh của thị trường này còn vô cùng lớn nếu nhìn tỷ trọng ở hầu hết các tỉnh thành còn lại vẫn chỉ chiếm giá trị rất nhỏ trong tổng giá trị thương mại điện tử hiện nay.
"Nếu phát triển được ở quy mô toàn quốc thì tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại điện tử của Việt Nam còn lớn gấp nhiều lần mức đã rất cao hiện nay", ông Nguyễn Nam Thắng - Phó giám đốc Trung tâm FinTech, Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media nói.
Về nguồn đầu tư, theo các chuyên gia hiện thương mại điện tử Việt đang có sức hút rất lớn từ nước ngoài lẫn các nhà đầu tư lớn trong nước.
4 xu hướng bán lẻ hình thành từ cách mạng công nghiệp 4.0

Những lợi thế cũng như khó khăn của ngành bán lẻ trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0) đã được phân tích nhằm đưa ra những giải pháp tại hội thảo với chủ đề: “Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Bước đi mới cho thị trường phân phối hàng hóa” do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) tổ chức ngày 3/10 tại Hà Nội.

 Toàn cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia tập trung trao đổi vào hai chủ đề chính: “Tác động của CMCN 4.0 và thị trường phân phối”; “Tối ưu hóa kênh phân phối - Chiến lược cạnh tranh cho Doanh nghiệp”. Đồng thời phân tích sâu về thực trạng hệ thống kênh phân phối trên thị trường hiện nay, khuynh hướng bán lẻ toàn cầu từ đó đưa ra những kiến nghị đề xuất nhằm tối ưu hóa chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp. Quan tâm tới hệ thống phân phối - bán lẻ chính là đã góp phần giải quyết đầu ra của sản xuất và của tiêu dùng xã hội.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thông tin, ở Việt Nam hệ thống phân phối và ngành bán lẻ nội địa đã đóng góp khoảng 15% GDP, giải quyết việc làm cho khoảng 6 triệu người, với một thị trường rộng lớn, gần 100 triệu dân, tổng mức tiêu dùng đạt khoảng 70%/năm. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, các thành phần kinh tế đều có mặt trong hệ thống phân phối nội địa.

Vì vậy, sự cạnh tranh trong giai đoạn này ngày càng mạnh mẽ và còn tiếp tục diễn ra và dẫn đến những xu thế phát triển chính của hệ thống phân phối - bán lẻ Việt Nam.

Thứ nhất, xu hướng tích tụ dưới hình thức mua bán sáp nhập liên doanh, liên kết hình thành những tập đoàn bán lẻ mạnh như: Central Groups và TTC của Thái Lan đối với Metro, Big C, Nguyễn Kim; Vingroup đối với Fivimart và Shop & Go, Saigon Coop với Auchan…

Thứ hai, xu hướng tạo trải nghiệm đa dạng, phong phú cho khách hàng hình thành những trung tâm mua sắm, giải trí… sử dụng nền tảng công nghệ kỹ thuật số và thiết bị di động của người sử dụng để phục vụ. Điển hình như các trung tâm Vincom Mega Mall, Aeonmall… đã xuất hiện càng nhiều trên thị trường tiêu dùng.

Thứ ba, xu hướng xây dựng các trung tâm thu mua hàng hóa nông sản thực phẩm ở các vùng miền được các tập đoàn bán lẻ nhắm tới vừa quản lý được chất lượng đầu vào, vừa giảm chi phí vận chuyển tạo đầu ra với giá cả cạnh tranh…

Thứ tư, xu hướng bán hàng đa kênh do 70% dân số Việt Nam sử dụng các thiết bị di động, với sự phát triển như vũ bão của cộng nghệ số và trí tuệ nhân tạo Al, Bi Data… việc bán hàng qua mạng trở nên dễ dàng, phổ biến với các đơn vị bán lẻ và người tiêu dùng.

Trước thực tế này, ông Vũ Vinh Phú chỉ ra rằng, muốn phát triển bền vững trong hệ thống phân phối cần phải có quy hoạch phát triển mạng lưới, điều kiện hạ tầng; Tổ chức những vùng sản xuất hàng hóa, nhất là sản xuất nông sản thực phẩm để cung ứng một cách đều đặn, có chất lượng và hiệu quả cho hệ thống phân phối cả nước…

“Hà Nội không thể phát triển kinh tế đêm mà ảnh hưởng đến môi trường sống”

Tại họp báo Chính phủ chiều tối 2/10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng trả lời báo chí về việc các nhà hàng không được bán hàng sau 12h đêm.

  Phố cổ Hà Nội về đêm. Ảnh: Internet

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng nhắc lại thời điểm năm 2009 - 2010, rất nhiều vụ việc an ninh trật tự bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi một số trường hợp kinh doanh sau 12h đêm. Một số đối tượng, thanh niên ăn uống xong đua xe, gây mất trật tự… làm ảnh hưởng rất lớn các môi trường sống của người dân, nhất là người dân xung quanh các nhà hàng.

Công an TP Hà Nội phải đấu tranh rất quyết liệt ngăn chặn đua xe, các hành vi vi phạm pháp luật do sinh hoạt không đúng lúc của những đối tượng này để đảm bảo an ninh Thủ đô. “An ninh Thủ đô rất quan trọng trong mắt người nước ngoài, đồng thời Thủ đô là trái tim cả nước”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Công an TP có văn bản đề nghị chấn chỉnh lại trật tự an ninh Thủ đô, do đó TP Hà Nội có quy định đối với hoạt động kinh doanh nhà hàng, đặc biệt là kinh doanh ăn uống nhà hàng, không được quá 12h đêm. Nhờ đó trật tự an ninh thời gian gần đây rất tốt.

Tuy nhiên, TP cũng rất quan tâm vấn đề phát triển kinh tế đêm. Năm 2016, TP đã cho thí điểm một số nhà hàng, quán bar có đủ điều kiện ở một số vị trí tuyến phố được phép kinh doanh đến 2h đêm, nhưng phải đủ kiểu kiện để không ảnh hưởng đến người dân.

“Chúng ta không thể phát triển kinh tế đêm mà ảnh hưởng đến môi trường sống của các hộ dân. Không thể đánh đổi việc này được”, Phó Chủ tịch UBND TP nói.

Tuy nhiên, TP sẽ có nghiên cứu đề xuất, mở rộng hơn việc kinh doanh về đêm ở những vị trí có đủ điều kiện và khả năng để quản lý để phát triển kinh tế, đáp ứng hơn nhu cầu khách du lịch nước ngoài, nhưng phải đảm bảo môi trường sống.

Áp thuế bán phá giá với nhôm Trung Quốc
Theo thông báo từ Bộ Công Thương, cơ quan này đã ban hành Quyết định số 2942/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép có xuất xứ từ Trung Quốc.
 Ảnh minh họa
Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm thanh đùn ép của Trung Quốc là từ 2,49% đến 35,58%. Số lượng nhà sản xuất Trung Quốc bị điều tra trong vụ việc là 16 công ty.
Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra vào tháng 1/2019 trên cơ sở kết quả thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của đại diện ngành sản xuất trong nước nộp vào tháng 10/2018. Việc điều tra được thực hiện theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan.
Kết quả điều tra, đánh giá cho thấy ngành sản xuất nhôm trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian vừa qua, thể hiện ở các chỉ số như hầu hết các doanh nghiệp đều thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và một số lượng lớn lao động đã phải nghỉ việc.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do nhôm Trung Quốc đang được bán phá giá với biên độ từ 2,49% đến 35,58%, trong một số trường hợp giá bán còn thấp hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất sau khi bị nhiều nước ngăn chặn bằng các rào cản thương mại, kể cả các biện pháp chống bán phá giá.
Kết quả điều tra như trên đáp ứng các điều kiện bắt buộc theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan để áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm nhôm nêu trên để giảm thiểu thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước vốn đang bên bờ vực thua lỗ, phá sản do tác động từ lượng lớn nhôm Trung Quốc được bán phá giá vào Việt Nam.
Biện pháp chống bán phá giá chính thức nêu trên sẽ có hiệu lực kể từ ngày 4/10. Hàng năm, các bên liên quan có thể nộp hồ sơ yêu cầu Bộ Công Thương tiến hành điều tra, rà soát lại về vấn đề phạm vi sản phẩm, mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho nhà xuất khẩu mới hoặc mức thuế hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2018, lượng nhôm thanh đùn ép nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc lên tới 62.000 tấn, gần gấp đôi lượng nhập khẩu năm 2017.
Số liệu này chưa bao gồm lượng lớn nhôm nhập khẩu vào Việt Nam được đưa vào các khu chế xuất để sản xuất hàng xuất khẩu. Trong khi đó, lượng nhập khẩu từ các nước còn lại liên tục giảm qua các năm và đến 2018 chỉ còn chưa đến 5.000 tấn.