Giá xăng giảm hơn 1.000 đồng/lít
Theo thông tin điều hành xăng dầu từ Liên Bộ Công Thương - Tài chính, bắt đầu tư 15h chiều 17/6, xăng RON95 giảm 1.085 đồng một lít; xăng E5RON92 giảm 986 đồng. Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm giá, cụ thể dầu diesel 0.05S giảm 737 đồng; dầu hỏa 614 đồng một lít; dầu mazut là 239 đồng một kg. Sau điều chỉnh, mỗi lít xăng E5 RON 92 giảm về mức tối đa 19.224 đồng; xăng RON 95 là 20.125 đồng.
Ảnh minh họa |
Cùng giảm giá, nhà chức trách cũng quyết định tăng mức trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu với xăng RON 95 và các loại dầu lên 900 đồng một lít, kg. Riêng xăng E5 RON 95 mức trích lập là 300 đồng một lít. Ở kỳ điều hành lần này, liên Bộ Công Thương – Tài chính không chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu với các mặt hàng xăng, dầu.
Dữ liệu của Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore ở chu kỳ mới là 64,33USD một thùng xăng RON 92, giảm hơn 12% so với chu kỳ trước. Trong khi đó, RON 95 là 66,04 USD một thùng, giảm 12,2%. Giá xăng thế giới giảm kéo giá xăng dầu trong nước giảm theo.
Đây là kỳ thứ 3 liên tiếp mặt hàng xăng dầu trong nước giảm giá từ đầu tháng 5 đến nay, tổng cộng xăng E5 RON 92 giảm hơn 1.400 đồng và RON 95 trên 2.060 đồng một lít.
Giá vàng trong nước vượt 39 triệu đồng
Sáng ngày 21/6, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC tại 38,82 - 39,02 triệu đồng một lượng. So với hôm qua, giá này tăng tới 820.000 đồng ở chiều mua và 670.000 đồng ở chiều bán. Tính trong ba ngày gần nhất, giá vàng đã tăng hơn 1,5 triệu đồng với cả hai chiều mua và bán.
Ảnh minh họa |
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng cũng tăng vọt. Giá vàng miếng SJC mỗi lượng được yết ở ngưỡng 38,55 - 39,1 triệu đồng, tăng 650.000 đồng ở mỗi chiều so với hôm qua. Biên độ giá mua - giá bán tiếp tục giữ ở mức 550.000 đồng, hơn gấp đôi so với biên độ 200.000 tại DOJI.
Giá vàng PNJ do doanh nghiệp này niêm yết hiện cũng vượt trên 39 triệu đồng, yết giá ở ngưỡng 38,35 - 39,35 triệu đồng mỗi lượng. Biên độ mua bán ở mức 1 triệu đồng.
Diễn biến của thị trường trong nước, theo một số chuyên gia, một phần đến từ sự tăng vọt của giá vàng trên thị trường thế giới những phiên gần đây.
Đến cuối giờ chiều cùng ngày, giá vàng bán ra tại những đầu mối chính đều giảm vài trăm nghìn đồng so với đầu giờ sáng, song biên độ giữa giá mua - bán tiếp tục được nới rộng. Tập đoàn DOJI yết giá bán vàng miếng ở mức 38,37 - 38,73 triệu đồng mỗi lượng, giảm 450.000 đồng ở chiều mua vào và 290.000 đồng ở chiều bán ra so với buổi sáng. Dù đã dừng đà tăng song mức giá giao dịch này vẫn cao hơn ngày 20/6, đồng thời biên độ chênh lệch giữa giá mua và bán được đẩy lên 360.000 đồng, so với mức 200.000 đồng lúc đầu giờ.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá giao dịch vàng miếng SJC lùi về ngưỡng 38,1 - 38,6 triệu đồng mỗi lượng, giảm 450.000 chiều mua và 500.000 đồng chiều bán. Biên độ giao dịch giảm nhẹ so với đầu giờ. Tuy nhiên, giá bán vàng PNJ vẫn giữ ở ngưỡng gần 39 triệu đồng, trong khi mua vàng thấp hơn 850.000 đồng.
Theo Kitco, giá vàng thế giới vào cuối giờ sáng 21/6 đã lần đầu tiên sau 6 năm vượt qua ngưỡng 1.400 USD, mức giá cao nhất mà kim loại quý này đạt được là 1.412 USD mỗi ounce. Tuy nhiên đà tăng không duy trì được lâu khi đến cuối giờ chiều, giá vàng điều chỉnh về ngưỡng 1.390 USD, tương đương với ngày trước đó.
Grab không phạm luật khi mua Uber
Hội đồng Cạnh tranh Việt Nam ngày 19/6 đã có thông báo về thương vụ Grab mua lại Uber. Thông cáo của hội đồng nêu rõ, ngày 11/6/2019, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh đã mở phiên điều trần kín xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi tập trung kinh tế của Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Theo đó, sau khi nghiên cứu hồ sơ điều tra vụ việc cạnh tranh, tiến hành xác minh và lấy lời khai của các bên liên quan, thảo luận phân tích về hành vi, xác định về thị trường liên quan và các chứng cứ chủ yếu, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh đã đưa ra quyết định.
Cụ thể, không chấp nhận đề nghị của cơ quan điều tra về việc áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh đối với Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam.
Nguyên do là "việc mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ giữa hai công ty này không cấu thành hành vi tập trung kinh tế theo hình thức mua lại doanh nghiệp, quy định tại Luật cạnh tranh và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật cạnh tranh".
Theo kết luận này, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh sẽ có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày kể từ ngày ký. Nếu trong thời hạn đó, quyết định của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh không bị khiếu nại, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp phí xử lý vụ việc vào ngân sách nhà nước.
Trước đó, vào tháng 12/2018, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã công bố kết luận điều tra việc Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.
Theo đó, việc Grab mua lại có dấu hiệu vi phạm liên quan đến hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại điều 20 Luật cạnh tranh, cũng như hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại điều 18 Luật cạnh tranh.
Kết quả điều tra cho thấy Grab có hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế giữa Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam thông qua việc Grab mua lại các hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, với thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%.
Tuy nhiên, văn phòng Hội đồng Cạnh tranh cho biết đã ban hành quyết định trả hồ sơ để Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng điều tra bổ sung và làm rõ thêm một số vấn đề kỹ thuật trong vụ việc xử lý hạn chế cạnh tranh liên quan đến hành vi tập trung kinh tế giữa hai công ty này.
Hội đồng này đã yêu cầu Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng làm rõ mối liên quan giữa việc chuyển nhượng và quyền bỏ phiếu tại các cơ quan quản lý của doanh nghiệp bị kiểm soát (Công ty TNHH Uber Việt Nam - Uber Việt Nam) để nắm quyền chi phối ngành nghề kinh doanh; lợi ích Công ty TNHH Grab (Grab) thu được từ hoạt động kinh doanh của Uber. Sau đó, Hội đồng Cạnh tranh đã thực hiện phiên điều trần.Nợ xấu sẽ được mua bán trên sàn giao dịch
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tuần qua đã công bố kế hoạch thiết lập, vận hành sàn giao dịch nợ xấu nhằm đẩy mạnh thị trường mua bán nợ xấu tập trung.
Ảnh minh họa |
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa công bố kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm, giai đoạn 2019 - 2023.
Đáng chú ý, VAMC cho hay sẽ thiết lập, vận hành sàn giao dịch nợ xấu; đẩy mạnh hoạt động của sàn giao dịch mua bán nợ xấu và thị trường mua bán nợ xấu tập trung, trong đó VAMC là trung tâm của thị trường.
Để thực hiện mục tiêu này, VAMC cho biết sẽ tập trung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để trình các cấp có thẩm quyền, đồng thời nghiên cứu, đề xuất mô hình, khuôn khổ pháp lý về sàn giao dịch nợ xấu để thiết lập, vận hành sàn giao dịch nợ xấu trong năm 2020 - 2021.
VAMC cũng đề ra lộ trình cụ thể theo từng năm. Theo đó trong năm 2019, VAMC sẽ nghiên cứu, đề xuất Đề án xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập trung. Năm 2020, VAMC đặt mục tiêu thanh toán trái phiếu đặc biệt với giá trị 60.000 tỷ đồng; mua 8.400 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường.
Tổng số tiền thu hồi nợ dự kiến đạt 21.720 tỷ đồng, trong đó thu từ nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt là 15.000 tỷ đồng, thu từ nợ mua theo giá thị trường 6.720 tỷ đồng.
Năm 2021, VAMC đạt mục tiêu thanh toán trái phiếu đặc biệt với giá trị 20.000 tỷ đồng; mua 9.500 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường. Đến năm 2022, doanh nghiệp này đặt mục tiêu thanh toán trái phiếu đặc biệt với giá trị 15.000 tỷ đồng; mua 10.500 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường.
Năm 2023, VAMC cho hay sẽ tiếp tục triển khai hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu đã mua theo giá thị trường, đồng thời tiếp tục xử lý số nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt.
VAMC cũng cho biết sẽ ưu tiên mua các khoản nợ xấu có giá trị lớn nhằm giảm thiểu chi phí theo dõi, quản lý, giám sát đối với khách hàng vay, tài sản bảo đảm cho VAMC; ưu tiên chuyển các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá thị trường theo quy định.
Để thực hiện kế hoạch tham vọng trên, VAMC dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cấp bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp đạt 5.000 tỷ đồng trong năm 2019 và 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 - 2021.
Hiện vốn điều lệ của VAMC là 2.000 tỷ đồng. VAMC muốn huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.