Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Grab bị đề nghị bồi thường gần 42 tỷ đồng cho Vinasun

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Grab bị đề nghị bồi thường gần 42 tỷ đồng cho Vinasun; Tuần "đen tối" của chứng khoán Việt; Công bố top 10 công ty uy tín trong ngành bán lẻ năm 2018... là nội dung chú ý tuần qua.

Grab bị đề nghị bồi thường gần 42 tỷ đồng cho Vinasun
Chiều 23/10, phiên xử Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đòi Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gần 42 tỷ kết thúc phần tranh luận.
 

Phát biểu quan điểm, đại diện VKS TP Hồ Chí Minh cho rằng, tòa cùng cấp hoàn toàn có thẩm quyền giải quyết vụ kiện, bởi đây là vụ tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại và Đề án 24 không phải là đối tượng khởi kiện.

VKS lần lượt đề nghị HĐXX bác yêu cầu của Grab về việc triệu tập Bộ Giao thông Vận tải, các DN cùng tham gia Đề án 24, đại diện công ty thẩm định Cửu Long, vì cho là không cần thiết. "Cũng không cần thiết giám định lại thiệt hại của nguyên đơn", kiểm sát viên nêu quan điểm.

Về nội dung, VKS cho rằng Grab trực tiếp vận hành, điều xe, quy định giá cước, mức chiết khấu và quy định xử phạt đối với tài xế. Ngoài ra, Grab còn đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mãi trong đó có "chuyến xe 0 đồng". Đây là căn cứ cho thấy bị đơn không đơn thuần là đơn vị cung cấp công nghệ mà thực chất là công ty kinh doanh vận tải taxi.

"Việc Vinasun yêu cầu bồi thường thiệt hại do lợi nhuận giảm là hoàn toàn có cơ sở. Bởi Grab đã không trung thực khi kê khai ngành nghề và có hành vi khuyến mãi không đúng quy định, hơn 70% khách hàng của Vinasun chuyển sang dùng Grab vì giá cước rẻ", đại diện VKS nói.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2015 của Vinasun giảm gần 320 tỷ đồng, năm 2016 là hơn 295 tỷ. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2017 chỉ còn 53 tỷ, hết quý hai đã có hơn 8.000 nhân viên nghỉ việc, hàng trăm đầu xe phải nằm bãi...

Bởi các lẽ trên, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường một lần gần 42 tỷ đồng mà nguyên đơn thiệt hại. HĐXX sẽ tuyên án vào chiều 29/10.

Vụ kiện được khởi phát tháng 6 năm ngoái. Nguyên đơn cho rằng, Grab lợi dụng việc Bộ GTVT ban hành Quyết định 24 về Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (còn gọi là Đề án 24) để thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường.

Vinasun cung cấp cho tòa nhiều văn bản, hình ảnh và hàng chục video... được cho là "chứng cứ Grab kinh doanh vi phạm pháp luật tại Việt Nam". Vinasun chỉ ra, theo Đề án 24, Grab khẳng định chỉ tham gia kinh doanh phần mềm ứng dụng, không kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, hãng taxi công nghệ này đã định giá cước, thu tiền, điều chỉnh giá cao điểm...

Vinasun cho rằng hoạt động vi phạm pháp luật của Grab đã gây nhiều hệ lụy cho công ty này. Cụ thể, trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 Vinasun bị thiệt hại gần 76 tỷ đồng, trong đó do Grab gây ra là gần 42 tỷ nên yêu cầu đơn vị này bồi thường.

Tuần "đen tối" của chứng khoán Việt

Trong phiên chiều ngày 25/10, sàn chứng khoán vẫn chưa thoát khỏi áp lực giảm điểm. Tuy không giảm sốc như phiên sáng nhưng sàn Hose vẫn mất hơn 11 điểm, sắc đỏ bao trùm bảng điện tử.

 

Ngân hàng vẫn là nhóm cổ phiếu mất điểm nhiều nhất. VPB khi có thời điểm rơi xuống mức sàn, nhưng chốt phiên đã hãm bớt được đà giảm, mất 3,39% xuống 21.600 đồng; BID giảm 4,3% xuống 31.200 đồng; TCB giảm 1,51% xuống 26.100 đồng…

Các bluechip khác cũng giảm sâu như HPG -2,2%; VJC -2,1%; VRE -3%; MWG -3,2%; PNJ -3,2%; SSI -2,3%; ROS -4%; GMD -3,2%; HSG -4%.

Khớp lệnh cao nhất nhóm và cũng là lớn nhất HOSE là HPG với hơn 5,47 triệu đơn vị; STB có 4,4 triệu đơn vị; HSG có 3,76 triệu đơn vị; VPB, CTG và MBB có trên dưới 3,5 triệu đơn vị; SSI có 2,56 triệu đơn vị…

Kết phiên, chỉ số VN-Index giảm 12,56 điểm (-1,36%) đứng ở mức 910,17 điểm; VN30-Index đạt 888,86 điểm, giảm 7,64 điểm; Hnx-Index giảm 0,63 điểm, còn 103,10 điểm; Upcom-Index giảm 1,26% xuống 50,86 điểm.

Đây là phiên thứ 6, VN-Index liên tiếp giảm điểm. Tính từ thứ 4 tuần trước (18/10) đến nay, chỉ số Vn-Index đã giảm hơn 0,22 điểm, ở mức 51,29 điểm.

Việc chứng khoán giảm sàn kéo theo một loạt các mã chứng khoán lớn lao dốc mạnh. Trong đó phải kể đến mã VIC của Tập đoàn Vingroup do tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm Chủ tịch HĐQT.

Hiện, VIC giảm 2.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm 2,02%. Hiện cổ phiếu này giao dịch ở mức 96.800 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp VIC giảm điểm, 2 phiên trước đó, mã này giảm lần lượt là 100 đồng và 200 đồng cho phiên giao dịch ngày 23 và 24/10.

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank - VCBS, thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ với việc các chỉ số chính kéo dài xu hướng giảm giá hình thành từ đầu tháng 10 tới nay. Nhìn chung dòng tiền vẫn đang đứng ngoài thị trường khi lực cung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn là rất lớn, bất chấp kết quả kinh doanh quý 3 khả quan ở các doanh nghiệp này.

VCBS cho rằng, thị trường đang rơi vào trạng thái khá tiêu cực khi dòng tiền vào thị trường suy yếu kết hợp cùng tâm lý không ổn định của nhiều nhà đầu tư. Do đó nhà đầu tư cần thận trọng trong giai đoạn này, và chưa nên vội vàng giải ngân bắt đáy khi xu hướng giảm vẫn còn chưa thực sự chấm dứt.

Công bố top 10 công ty uy tín trong ngành bán lẻ năm 2018

Ngày 25/10, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng Top 10 công ty uy tín ngành bán lẻ năm 2018.
 
Nhóm hàng tiêu dùng nhanh và siêu thị có Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce, Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ EB, Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh, Công ty trách nhiệm hữu hạn Aeon Việt Nam, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam, Tổng công ty thương mại Sài Gòn - trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Dịch vụ Lan Chi, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài.
Nhóm hàng lâu bền, điện máy, điện lạnh, vàng bạc gồm Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động, Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC, Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji, Công ty cổ phần Mediamart Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Cao Phong, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại VHC, Công ty cổ phần Phát hành sách TP Hồ Chí Minh - Fahasa, Công ty cổ phần Pico.
Top 10 công ty uy tín ngành bán lẻ năm 2018 được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính. Tiêu chí đầu tiên là năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất (tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng vốn).
Tiêu chí thứ hai là uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng và khảo sát người tiêu dùng về mức độ nhận biết và sự hài lòng với các sản phẩm, dịch vụ của công ty.
Tiêu chí thứ ba là khảo sát chuyên gia đánh giá vị thế của các công ty trong ngành và khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 9/2018 về quy mô thị trường, lao động, vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2018.
Bảng xếp hạng Top 10 công ty uy tín ngành bán lẻ là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report, được công bố từ năm 2017.
Tuy nhiên, từ năm 2012, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) để tính điểm uy tín của các DN trên truyền thông.
Kể từ đó đến nay, nhiều bảng xếp hạng Top 10 thuộc các ngành trọng điểm và có tiềm năng tăng trưởng cao của Việt Nam cũng đã được định kỳ công bố thường niên như bất động sản, xây dựng, công nghệ thông tin, ngân hàng, bảo hiểm, dược, du lịch, doanh nghiệp niêm yết...
Moody’s: Việt Nam sẽ duy trì tăng trưởng 6,7% trong năm 2018
Hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s tuần qua đã công bố báo cáo “Triển vọng Việt Nam: Khả năng phục hồi giữa sự bấp bênh của các thị trường mới nổi”.
 

Theo đánh giá, nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tăng tốc với triển vọng lạc quan, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của những bất ổn tài chính và thương mại gần đây đối với nhiều thị trường mới nổi ở Đông Nam Á.

Theo dự đoán của Moody’s, sau khi đạt mức tăng trưởng GDP cao nhất trong 6 năm là 6,8% vào năm 2017 (số liệu đã điều chỉnh theo lạm phát), nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2018.

Triển vọng kinh tế tích cực được hỗ trợ bởi hoạt động xuất khẩu các mặt hàng điện tử và dệt may đang diễn ra mạnh mẽ, đi cùng đà phục hồi tương đối của lĩnh vực nông nghiệp và dòng vốn đầu tư nước ngoài ổn định.

Ngoài ra, không giống những năm qua, thị trường nội địa mạnh mẽ cũng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với lượng khách du lịch ở mức cao kỷ lục kể từ đầu năm nay và một thị trường lao động vững mạnh, lĩnh vực tiêu dùng đã ghi nhận tăng trưởng hai con số kể từ năm ngoái.

Thương mại tiếp tục là động lực thúc đẩy sự phát triển tại Việt Nam. Những lợi thế như chi phí lao động thấp, lực lượng lao động trẻ dồi dào và đang gia tăng đã giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất, trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu trong nửa đầu năm 2018.

Kết quả là, cán cân thương mại được cải thiện đã làm tăng thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam, chiếm đến 6,6% GDP trong quý II/2018, từ con số 5,1% GDP của năm 2017.

Bên cạnh đó, chịu tác động từ những căng thẳng thương mại đang bùng phát, các công ty đa quốc gia, bao gồm LG và Samsung, đã chuyển một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các khu vực khác, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù vậy, căng thẳng thương mại toàn cầu và sự mạnh lên của đồng USD cũng có tác động tiêu cực đến thị trường tài chính Việt Nam trong năm nay, dù ảnh hưởng này là nhỏ hơn so với các thị trường mới nổi khác.

Moody’s kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ duy trì lập trường trung lập cho đến hết năm nay. Cùng với đó, các chính sách kinh tế vĩ mô hiệu quả và cải cách cơ cấu hơn nữa là hai yếu tố rất quan trọng quyết định sự tăng trưởng liên tục trong trung và dài hạn.