Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Hàng loạt doanh nghiệp bị thanh tra trong năm 2019

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng dự hội nghị tổng kết ngành tài chính; Chính phủ “đặt hàng” Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; Bộ Công Thương sẽ thanh tra hàng trăm doanh nghiệp năm 2019;... là nội dung chú ý tuần qua.

Thủ tướng: DN Việt mãi không lớn một phần vì chi phí không chính thức

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam mãi không lớn một phần vì chi phí không chính thức. Đây là một trong những vấn đề vấn đề được Thủ tướng nêu lên tại hội nghị tổng kết ngành tài chính tổ chức chiều 9/1.

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị ngành tài chính.

Với kết quả năm 2018 của ngành tài chính, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ vui mừng khi thu ngân sách đạt hơn 1,42 triệu tỷ đồng, vượt 7,8% dự toán cả năm. Theo Thủ tướng, lần đầu tiên, thu ngân sách Trung ương vượt 4,3% dự toán trong khi thu địa phương vượt dự toán tới 12,5% dự toán. Thủ tướng khẳng định, từ chỗ vay ngân hàng để chi thì "vài năm gần đây thặng dư ngân sách".

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại trong ngành như chính sách không ổn định, hay sửa đổi, gây khó cho DN. Hay, việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN có lúc có nơi chưa thực chất, kịp thời.

Cụ thể, Thủ tướng đặt ra câu hỏi về quy định một con bò giao cho các trang trại, chăn nuôi hợp tác xã không chịu thuế nhưng bán cho tiêu dùng thì lại chịu thuế 5%.

Thủ tướng cũng đơn cử về trường hợp người dân thuê mặt nước trong đê thì chịu thuế nhưng ngoài đê thì lại được miễn thuế. Đây là vấn đề đã được các cử tri nêu lên.

Một trong những vấn đề được Thủ tướng nhắc tới là hộ cá thể chuyển lên DN. Thủ tướng kể chuyện đã tới hỏi nhiều hộ cá thể việc vì sao không lên DN. Câu trả lời Thủ tướng nhận được là vì sổ sách kế toán phức tạp, phải đóng bảo hiểm. Từ đó, Thủ tướng đề nghị các đơn vị phải hỗ trợ DN vừa và nhỏ với chế độ kế toán đơn giản.

Một trong những tồn tại được Thủ tướng nói tới là đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, thái độ phục vụ của một phận công chức còn hạn chế. Việc tiêu cực, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ thuế, hải quan còn gây bức xúc cho người dân, DN. Thủ tướng đặt ra trường hợp, một container thông quan mất phí bôi trơn 1 triệu đồng thì một năm mất cả chục nghìn tỷ đồng. "Chi phí không chính thức giết DN. Tại sao DN mãi không lớn, một phần do đây" Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải ứng dụng công nghệ thông tin vào thanh tra kiểm tra. Ngoài ra, DN nào tuân thủ chấp hành tốt pháp luật thì không cần kiểm tra thanh tra, gây phiền hà cho phía DN. "Bộ Tài chính phải có bộ lọc, đưa ra tiêu chí DN chấp hành tốt và không tốt để ứng xử công bằng, minh bạch, không làm khó DN", Thủ tướng yêu cầu.

Tiếp thu những ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, địa phương hoàn thành các nhiệm vụ tài chính, ngân sách.

Chính phủ “đặt hàng” Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Sáng 12/1, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp phiên họp Quý I/2019 nhằm đánh giá công tác điều hành chính các chính sách kinh tế vĩ mô trong năm 2018 và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành của năm 2019. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp

Các thành viên Hội đồng đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong phát triển kinh tế- xã hội năm 2018, trong đó có công tác điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan; điều hành chính sách tiền tệ đồng bộ, linh hoạt, chủ động góp phần ổn định đồng tiền; tin tưởng rằng kinh tế của đất nước sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn trong năm 2019.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng kinh tế thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp tiếp tục tác động tới trong nước. Trong khi đó, nội tại của nền kinh tế vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” ở tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, chậm triển khai các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, doanh nghiệp có vốn mỏng, “tín dụng đen” vẫn hoành hành, cải thiện môi trường kinh doanh chưa theo kịp với thực tiễn của đời sống kinh tế và vẫn còn rủi ro trong chống chọi với những thách thức từ bên ngoài.

Các thành viên Hội đồng kiến nghị Chính phủ tiếp tục củng cố ổn định kinh vĩ mô, vi mô nhằm tạo ra “vùng đệm” để cả nền kinh tế hay từng doanh nghiệp, từng định chế tài chính có thể chống đỡ với những tác động từ bên ngoài. Đẩy mạnh thị trường vốn và tiền tệ với hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, đẩy nhanh tiến trình thẩm định, định giá các doanh nghiệp nhà nước; xây dựng hành lang pháp lý cho các mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ, các hình thức thanh toán mới, cho vay ngang hàng, hạn chế tình trạng “tín dụng đen”; quan tâm hơn tới kiểm soát bội chi ngân sách, nợ nước ngoài của quốc gia, cải cách cơ chế thu chi ngân sách, kể cả cơ chế phân cấp thu, chi ngân sách của các địa phương để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Đánh giá cao các ý kiến của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Hội đồng đã tham mưu hiệu quả cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành và đạt được những kết quả tích cực trong năm 2018.

Phó Thủ tướng ghi nhận các kiến nghị của các thành viên Hội đồng về điều hành chính sách tài chính, tiền tệ trong năm 2019, những năm sau và cho biết Chính phủ đang tích cực xây dựng hành lang pháp luật để triển khai, trong đó có việc phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thanh toán trung gian và cho vay ngang hàng, hạn chế tình trạng tín dụng đen,...

Chủ tịch Hội đồng đồng tình với yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh gắn các tuyên bố của các bộ, ngành về cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và tạo thuận lợi thương mại với thực tiễn thông qua các văn bản pháp luật.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng “đặt hàng” các thành viên Hội đồng, các nhà khoa học đóng góp trí tuệ, cùng Chính phủ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn tới 10 năm tới, trong đó có quan điểm coi khoa học công nghệ là một lực lượng, động lực của phát triển kinh tế.

Bộ Công Thương sẽ thanh tra hàng trăm doanh nghiệp năm 2019
Bộ trưởng Công Thương tuần qua đã ký quyết định phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2019. Theo đó, trong năm 2019, Bộ Công Thương sẽ tiến hành thanh tra hàng loạt đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trong các lĩnh vực: đa cấp, xăng dầu, viễn thông, dược...
Bộ Công Thương sẽ thanh tra hàng loạt doanh nghiệp. Ảnh minh họa.
Cụ thể, Thanh tra hành chính do Thanh tra Bộ chủ trì sẽ tiến hành thanh tra tại: Viện Nghiên cứu Da giày, Viện Nghiên cứu Cơ khí, Trường ĐH Công nghiệp Việt Hưng, Cao đẳng Công nghiệp và xây dựng, Đại học điện lực. Hai doanh nghiệp nằm trong danh sách thanh tra hành chính bao gồm: Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Trong năm 2019, Thanh tra Bộ sẽ chủ trì thanh tra chuyên ngành tại Tổng công ty Gas Petrolimex, Công ty cổ phần kinh doanh khí miền Bắc và Tổng công ty Phát điện 2. Danh sách dự phòng có một loạt Cục Quản lý thị trường tại Quảng Ninh, Bình Dương, Sóc Trăng, Hải Phòng.
Đáng lưu ý, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số dự kiến thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về thương mại điện tử tại Công ty TNHH Thương mại VHC và Công ty TNHH Recess vào 2 quý cuối năm.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chủ trì thanh tra về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng cũng như trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, hoạt động bảo hành.
Những doanh nghiệp nằm trong danh sách này bao gồm: Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (Sacombank), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Công ty TNHH HD Saigon, Ngân hàng TMCP Standard Chartered Việt Nam và Ngân hàng Phương Đông (OCB).
Một số doanh nghiệp đa cấp cũng sẽ bị thanh tra trong năm nay như: Thiên Sư Việt Nam, New Image Việt Nam, World Việt Nam, Morinda Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại Việt Nam Quốc tế Mưa, Công ty TNHH Người lái xe Mặt trời.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ tiến hành thanh tra nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực đặc thù như điện, xăng dầu, dược, hoá mỹ phẩm, thuỷ điện...
Doanh nghiệp phải 'lót tay' nhiều khi kiểm tra chuyên ngành
Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu năm 2018 với các chỉ số liên quan đến chi phí ngoài quy định cải thiện vượt bậc. Số doanh nghiệp trả lời cho biết phải trả chi phí ngoài còn 18% thay vì 28% như năm 2015. Khoảng 56% doanh nghiệp trả lời cho biết không phải trả phí ngoài quy định, trong khi tỷ lệ này của năm 2015 chỉ là 37%.
 Ảnh minh họa
Tuy nhiên, khảo sát các thủ tục quản lý kiểm tra chuyên ngành tại các bộ thì doanh nghiệp vẫn phải chi các khoản ngoài quy định. Kết quả cho thấy, Bộ Công Thương là cơ quan có tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả phí ngoài quy định lớn nhất, gần 51%. Kế đến là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn với 34%. Hai Bộ có chi phí chi ngoài quy định thấp là Văn hoá, thể thao và du lịch và Thông tin & Truyền thông, lần lượt 16% và 17,5%.
Với thước đo về mức độ thuận lợi khi thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra công nghệ theo 5 mức: Rất dễ/ Dễ/ Bình thường/ Khó/ Rất khó, kết quả khảo sát 2018 cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp cho biết việc thực hiện những thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành của các bộ ngành là ở mức bình thường (xung quanh 60-70%). Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá các thủ tục là dễ thực hiện chỉ ở mức khá thấp, khoảng 15-27%.
Tỷ lệ doanh nghiệp bị phân biệt đối xử khi không chi trả chi phí không chính thức ngoài quy định khoảng 15%, giảm gần một nửa so với cách đây 3 năm.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng, kết quả khảo sát cho thấy năm 2018 mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp với ngành hải quan đã được cải thiện ở hầu hết nội dung khảo sát so với năm 2015. Tuy nhiên, còn nhiều việc ngành hải quan cần tích cực triển khai thời gian tới.
Theo ông, quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu cần tăng cường công khai minh bạch, nâng cao kỷ cương, kỷ luật và năng lực giải quyết công việc của công chức hải quan, đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất nhằm tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
"Lưu ý rằng việc đầu tư mạnh mẽ hơn vào công nghệ thông tin là yêu cầu rất quan trọng. Cần bắt buộc mọi thủ tục hành chính xuất nhập khẩu phải được thực hiện triệt để trên nền tảng công nghệ thông tin, không nên chờ đợi sự tự nguyện của các cơ quan nhà nước như vừa qua", ông Lộc nói.
Chủ tịch VCCI cho rằng, hiện hầu hết bộ quản lý chuyên ngành đều đã áp dụng thủ tục điện tử qua Cổng thông tin một cửa quốc gia nhưng phần lớn còn ở mức bán thủ công, số thủ tục qua đây mới chiếm một tỷ lệ nhỏ. Điều này dẫn đến tình trạng dù đã thực hiện khai báo điện tử, doanh nghiệp vẫn phải nộp hồ sơ giấy.
Nhắc lại mục tiêu cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành trước tháng 6/2019 được nêu tại Nghị quyết 02 Chính phủ vừa ban hành, lãnh đạo VCCI nhấn mạnh, ngoài ngành hải quan, các bộ, ngành cần có vai trò, trách nhiệm trong rà soát sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành liên quan tới thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá, nhất là kiểm tra chuyên ngành... mới đảm bảo đạt mục tiêu.
PVN xin cơ chế xử lý dự án liên quan tới Trịnh Xuân Thanh
Bộ Công Thương vừa gửi Thủ tướng kiến nghị của PVN xoay quanh việc "cứu" dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Đây là dự án do PVN làm chủ đầu tư và liên quan trực tiếp tới công ty PVC do ông Trịnh Xuân Thanh trước đây làm Chủ tịch. Dự án đang chậm tiến độ 55-57 tháng so với hợp đồng EPC đã ký năm 2011 và chậm 27 tháng so với quy hoạch điện VII điều chỉnh.
 Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2
Theo kết quả kiểm tra tiến độ, Bộ Công Thương nhận xét, PVC chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC nhà máy nhiệt điện than, năng lực tài chính yếu, không đảm bảo khả năng thanh toán cho các công việc đã hoàn thành và tạm ứng hợp đồng đã ký với nhà thầu phụ. Việc PVC sử dụng tiền tạm ứng 1.115 tỷ đồng vào mục đích khác đã làm thiếu hụt nguồn tiền thực hiện dự án.
Theo báo cáo của PVN khi hoàn thành dự án, tổng thầu PVC sẽ bị hụt gần 55,2 triệu USD và 1.095 tỷ đồng so với giá trị hợp đồng EPC đã ký điều chỉnh sau khi tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 được phê duyệt.
PVN đang thiếu gần 327 triệu USD vốn vay nước ngoài đã hết hạn giải ngân ngày 28/9/2018 nhưng Bộ Tài chính chưa báo cáo Thủ tướng cho phép gia hạn. PVN cũng thiếu trên 342 triệu USD nên chưa ký được hợp đồng vay. Các thiết bị của nhà máy này chưa đưa vào sử dụng nhưng đã quá thời hạn bảo hành của nhà sản xuất.

Đây là dự án có quy mô lớn, Bộ Công Thương cho rằng, nếu không sớm thực hiện dẫn tới phát sinh chi phí và gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng việc đảm bảo cung cấp điện và tạo dư luận không tốt. Tuy nhiên, các vướng mắc của dự án được đánh giá "phức tạp, cần sự chỉ đạo và ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành". Đến cuối 2018, dự án này gần như không tiến triển, tiến độ tổng thể chỉ tăng gần 2%, đạt trên 82%.
Để cứu vãn, PVN trong vai trò chủ đầu tư kiến nghị loạt biện pháp. Ví dụ, tập đoàn muốn dùng 2.500 tỷ đồng từ nguồn chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 và lợi nhuận từ nguồn sản xuất kinh doanh để hoàn thành dự án. Chi phí này sẽ được kiểm toán, quyết toán riêng.
PVN cũng kiến nghị dùng vượt vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 30/70 (vốn chủ sở hữu/vốn vay) đã được quy định trong dự án đầu tư; cũng như đề nghị điều chỉnh tiến độ hoàn thành tổ máy 1 dự án vào tháng 6/2020 và tổ máy 2 tháng 10/2020...
Trước những đề xuất này, Bộ Công Thương cho rằng, PVN cần báo cáo rõ nguồn vốn, mục đích sử dụng cụ thể và có đánh giá tổng thể liên quan tới nghĩa vụ, trách nhiệm các bên theo hợp đồng EPC đã ký khi sử dụng số tiền này. Việc sử dụng dự phòng của tổng mức đầu tư, lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh cần được thực hiện theo đúng quy định. Ngoài ra, việc xác định lại tiến độ dự án không miễn trừ nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư, PVC theo hợp đồng EPC đã ký.
Bộ cũng kiến nghị giao Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét, trình Thủ tướng phương án tái cơ cấu OceanBank, trong đó ưu tiên sớm xử lý các khoản tiền gửi theo kiến nghị của PVN; giao Bộ Tài chính sớm xem xét, báo cáo Thủ tướng quyết định gia hạn khoản vay nước ngoài của dự án.
Cơ quan này cũng cho rằng các khó khăn vướng mắc chủ yếu liên quan tới việc bố trí, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban quản lý vốn. Vì vậy, Bộ kiến nghị Thủ tướng giao Ủy ban quản lý vốn nhà nước tiếp nhận để chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành tiếp tục xử lý vướng mắc tại dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1. Bộ Công Thương cũng hứa sẽ phối hợp chặt chẽ với Siêu ủy ban để giải quyết các vướng mắc.
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư với tổng vốn gần 41.800 tỷ đồng, thuộc danh mục các dự án nguồn điện cấp bách theo Quyết định 2414 năm 2013 của Thủ tướng. Dự án gồm hai tổ máy, tổng công suất thiết kế 1.200 MW do PVN làm chủ đầu tư và Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) - đơn vị do ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch giai đoạn 2007-2013, làm tổng thầu EPC.
Hiện dự án đã giải ngân trên 31.200 tỷ đồng và đạt hơn 82% tiến độ tổng thể. Kế hoạch ban đầu nhà máy sẽ vận hành tổ máy số 1 vào năm 2017 và tổ máy 2 vào 2018. Tuy nhiên đến nay, 2 tổ máy vẫn chưa thể hoàn thành. Hiện nay, dự án đói vốn, năng lực PVC ngày một suy giảm, tranh chấp với các nhà cung cấp thiết bị, công tác giải ngân và nhiều rủi ro bất khả kháng ập đến khiến dự án đã chậm tiến độ hơn 1 năm. Tiến độ dự án đã điều chỉnh nhưng vẫn còn 17% tổng khối lượng công việc đang dang dở.
Chủ tịch World Bank từ chức
Trong một email gửi nhân viên Ngân hàng Thế giới (WB), ông Jim Yong Kim cho biết sẽ rời chức chủ tịch ngày 1/2, để gia nhập một công ty tư nhân trong lĩnh vực đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển. WB hiện là tổ chức cho vay và tài trợ lớn nhất thế giới với các nước nghèo và thu nhập trung bình.
 Ông Jim Yong Kim nghỉ ở World Bank từ 1/2. Ảnh: Reuters.
"Cơ hội gia nhập lĩnh vực tư nhân đến rất bất ngờ. Nhưng tôi đã quyết định đây là con đường mình có thể đi, để tạo ra ảnh hưởng lớn hơn lên các vấn đề lớn trên toàn cầu, như biến đổi khí hậu và thiếu hụt cơ sở hạ tầng tại các thị trường mới nổi", ông viết.
Ông Kim được cựu Tổng thống Mỹ - Barack Obama đề cử vào chức vụ này từ năm 2012. Đến năm 2022, ông mới kết thúc nhiệm kỳ thứ 2. Sau khi ông rời đi, Kristalina Georgieva – Giám đốc điều hành WB sẽ làm chủ tịch tạm quyền.
Ông Kim bất đồng với chính quyền Tổng thống Mỹ - Donald Trump về vấn đề biến đổi khí hậu và nhu cầu tài nguyên cho phát triển. Tuy nhiên, Reuters trích lời một nguồn tin thân cận cho biết đây là quyết định cá nhân và không chịu tác động từ chính quyền Trump. Dù vậy, ông Trump sẽ có quyền lực lớn trong việc chọn người kế nhiệm ông Kim, do Mỹ nắm cổ phần kiểm soát tại WB.
Việc đề cử sẽ không hề dễ dàng. Mark Sobel – cựu lãnh đạo tại Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng khả năng các nước mới nổi lớn như Brazil hay Trung Quốc tạo ra thách thức là khá cao. Các nước này đang đấu tranh để có ảnh hưởng lớn hơn trong các cơ chế đa phương, nhằm cân xứng với tầm ảnh hưởng kinh tế của họ.
Sau khi nhận được đề cử, Hội đồng của WB vẫn cần họp để ra quyết định cuối cùng. Vì vậy, một ứng cử viên ôn hòa sẽ có khả năng cao được chấp thuận, Sobel cho biết.