Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Khaisilk bị đề nghị truy tố

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khaisilk bị đề nghị truy tố; phê duyệt phương án cơ cấu lại SCIC; Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Than thoái toàn bộ vốn khỏi 16 công ty con... là nội dung chú ý tuần qua.

Khaisilk bị đề nghị truy tố
 Khaisilk bị đề nghị truy tố. Ảnh minh họa
Ngày 12/12, Bộ Công Thương đã ra thông báo cho biết: Lãnh đạo Bộ này đã yêu cầu chuyển hồ sơ vụ Khaisilk sang cơ quan điều tra do Khaisilk có nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật qua kiểm tra.
Kết quả kiểm tra cho thấy, Công ty TNHH Khải Đức (Công ty) kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra chỉ tập trung xác minh, kiểm tra các nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất/gia công, xuất/nhập khẩu, mua bán các sản phẩm thời trang.
Kết quả kiểm tra cho thấy: Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, trong giai đoạn 2006 - 2009, Công ty có nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan.
Tuy nhiên, giai đoạn từ 2009 đến ngày 15/10/2017, Công ty không còn thực hiện các hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thời trang. Từ năm 2012 đến nay, Công ty cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước.
Công ty chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa “Khaisilk®”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để kinh doanh trên thị trường.
"Công ty đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng. Kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Công ty cho thấy cho kết quả kiểm tra khác (Không có thành phần silk) so với các thông tin công bố (trên nhãn hàng hóa) về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm (“100% silk”)", nội dung kết luận nêu.
Cũng theo kết quả kiểm tra, Công ty này đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý thuế và quản lý hóa đơn. Cụ thể: (i) một số hóa đơn do Công ty xuất trình không hợp lệ (hóa đơn không phải do Chi cục Thuế phát hành, quản lý), một số hóa đơn kê khai không đúng tên hàng hóa; (ii) một số lượng lớn sản phẩm chênh lệch giữa số liệu chứng từ kế toán và số liệu kiểm tra thực tế tại một chi nhánh công ty. Công ty không giải trình được nguyên nhân hoặc xuất trình đầy đủ hóa đơn cho số sản phẩm này.
Ngoài ra, kết luận cũng nêu Công ty trên đã có dấu hiệu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng. Công ty cung cấp thông tin tới người tiêu dùng thông qua website với một số nội dung không chính xác.
"Căn cứ kết luận kiểm tra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng: Chuyển hồ sơ, vật chứng cho Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự; đôn đốc, theo dõi, tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định đối với các sai phạm của Công ty theo thẩm quyền", Bộ Công Thương cho biết.
Phê duyệt phương án cơ cấu lại SCIC
Phó Thủ tướng phê duyệt phương án cơ cấu lại SCIC. Ảnh minh họa
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định 2012/QĐ-TTg phê duyệt “Phương án cơ cấu lại Tổng công ty đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đến năm 2020”.
Mục tiêu của Phương án nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Tổng công ty theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật; tái cơ cấu và đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ nhằm đưa Tổng công ty thực sự trở thành một công cụ, kênh truyền vốn nhà nước; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DN nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại DN.
Ngành, nghề kinh doanh chính của Tổng công ty là đầu tư và quản lý vốn đầu tư theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các DN theo quy định của Chính phủ; tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đầu tư tại DN đã tiếp nhận theo quy định hiện hành.
Ngành, nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính của Tổng công ty là đầu tư và kinh doanh vốn vào các ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật; cung cấp các dịch vụ tư vấn: Đầu tư, tài chính; chuyển đổi, quản trị, mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật.
Phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của Tổng công ty đến năm 2020 thực hiện theo Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Phương án, hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ Tổng công ty, tập trung vào sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty và Nghị định thay thế Nghị định Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành; hoàn thiện quy chế về công tác cán bộ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực.
Đồng thời phát triển và quản lý nguồn nhân lực một cách có hệ thống, kiện toàn bộ máy quản lý, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý DN đáp ứng yêu cầu quản trị.
Bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đại diện phần vốn nhà nước đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn để làm tốt vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN. Tăng cường cơ chế đãi ngộ, khuyến khích người lao động, xây dựng cơ chế, chính sách huy động các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực đầu tư và tài chính.
Bên cạnh đó tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ; trong ký kết và thực hiện các hợp đồng với những người có liên quan đến người quản lý DN theo quy định của pháp luật; rà soát, xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các DN thua lỗ, các dự án đầu tư không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản DN nhà nước theo quy định của pháp luật...
Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Than thoái toàn bộ vốn khỏi 16 công ty con
Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Than thoái toàn bộ vốn khỏi 16 công ty con. Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ hôm 14/12 đã ký Quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) giai đoạn 2017 - 2020, trong đó có kế hoạch cổ phần hoá, bán vốn và đặc biệt yêu cầu thoái toàn bộ vốn nhà nước tại TKV khỏi 16 DN ngoài ngành.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng: Đề án tái cơ cấu của TKV thu gọn ngành nghề kinh doanh chính của ông lớn này là công nghiệp than; công nghiệp khoáng sản - luyện kim; công nghiệp điện; vật liệu nổ công nghiệp.
Mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thành Tập đoàn kinh tế mạnh có trình độ công nghệ, mô hình quản trị theo hướng hiện đại và chuyên môn hóa cao; cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, hợp lý; nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh; hoạt động hiệu quả, bền vững; giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu than sản xuất trong nước cho các ngành kinh tế
Theo quyết định của Thủ tướng, Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ (cổ phần hóa vào năm 2019).
Quyết định số 2006/2017 của Thủ tướng cho phép: TKV giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động trong cơ cấu Công ty mẹ - TKV của 16 đơn vị; 8 đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất, giải thể, sắp xếp, tổ chức lại. Cùng với đó là 5 DN do TKV nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm: Tổng công ty Công nghiệp hóa chất mỏ; Viện Khoa học công nghệ mỏ; Trường cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam; Bệnh viện Than - Khoáng sản; Tạp chí Than - Khoáng sản.
TKV cũng được nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại 3 Công ty cổ phần: Than Vàng Danh, Than Hà Tu, Than Mông Dương và nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ tại 8 Công ty cổ phần và nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ ở 4 Công ty cổ phần
Đặc biệt, quan trọng nhất là Chính phủ yêu cầu TKV thực hiện thoái toàn bộ vốn tại 16 doanh nghiệp. Trong đó có các DN điển hình là: Công ty cổ phần cơ điện Uông Bí, Công ty cổ phần Địa chất và khoáng sản, Công ty cổ phần Vận tải thuỷ, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và hạ tầng, Công ty cổ phần Đầu tư, thương mại, dịch vụ, Công ty cổ phần Cơ khí mỏ và đóng tàu; Công ty cổ phần Du lịch và thương mại; Công ty cổ phần Cơ khí ô tô Uông Bí....
Bán hàng qua Facebook, một người bị truy thu thuế 9,1 tỷ đồng
Bán hàng qua Facebook, một người bị truy thu thuế 9,1 tỷ đồng. Ảnh minh họa
Cục Thuế TP.HCM tuần qua mới truy thu một cá nhân kinh doanh mỹ phẩm qua mạng số tiền 9,1 tỷ đồng từ việc đối chiếu thu nhập kê khai và thu nhập thực tế.
Sau khi nhận được đơn tố cáo, Cục Thuế TP.HCM đã chuyển dữ liệu cho Chi cục Thuế quận Phú Nhuận tiến hành thu thập thông tin từ ngân hàng, đối chiếu với số liệu mà cá nhân này kê khai với cơ quan thuế.
Kết quả cho thấy chênh lệch doanh thu theo kê khai và doanh thu thực tế (thể hiện qua số tiền được chuyển vào tài khoản cá nhân) lên đến hơn 400 tỷ đồng.
Một lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết do cá nhân này tự nguyện khắc phục nên cơ quan thuế không chuyển hồ sơ sang cơ quan công an (do hành vi trốn thuế) mà xử phạt hành vi khai sai, truy thu thuế và tiền chậm nộp với tổng số tiền là 9,1 tỷ đồng.
Một trường hợp kinh doanh mỹ phẩm khác tại Q.9 cũng bị cơ quan thuế truy thu và phạt 1,7 tỷ đồng. Ngoài ra, Cục Thuế TP.HCM cho biết cũng đã xử lý truy thu 2 DN có doanh thu bán hàng qua mạng với số thuế truy thu là 8,7 tỷ đồng, trong đó thuế giá trị gia tăng (VAT) là 7,5 tỷ đồng và thuế thu nhập DN là 1,2 tỷ đồng.
Tổng Công ty Dầu Việt Nam kinh doanh đại trà xăng E5 từ 15/12
Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cho biết đã sẵn sàng kinh doanh đại trà xăng E5 từ ngày 15/12, sớm hơn 2 tuần so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, PVOIL đã sẵn sàng cho nhiệm vụ này bắt đầu từ ngày 15/12 (sớm hơn 2 tuần so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ). Thông tin từ PVOIL, ngay từ tháng 10/2008, PVOIL là đơn vị đầu tiên trong nước thực hiện nghiên cứu, sản xuất, đưa vào sử dụng thí điểm xăng sinh học E5 RON92 và kinh doanh chính thức từ ngày 1/8/2010.
 
Thông tin đến các cơ quan báo chí, ông Cao Hoài Dương - Tổng giám đốc PVOIL cho biết, hiện nay, có 2 nhà máy sản xuất E100 của Công ty TNHH Tùng Lâm đặt tại Quảng Nam và Đồng Nai đang hoạt động. Bên cạnh đó, PVOIL đang cùng các đối tác, cổ đông để cố gắng đưa vào vận hành 2 nhà máy sản xuất E100 tại Bình Phước và Dung Quất (Quảng Ngãi) sớm nhất trong quý I/2018. PVOIL ưu tiên sử dụng các nguồn E100 trong nước, nhưng cũng đã chuẩn bị sẵn phương án nhập khẩu để không bị gián đoạn nguồn cung E100. "Khi 2 nhà máy sản xuất E100 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đi vào hoạt động thì hoàn toàn đáp ứng đủ nguồn cung E100", ông Cao Hoài Dương khẳng định.

Đồng thời nhấn mạnh, ngoài việc tiếp tục kinh doanh xăng sinh học E5 RON92 song song với xăng khoáng, hiện PVOIL đã xây dựng kế hoạch đảm bảo đầy đủ các điều kiện cần thiết như: Kho chứa, trạm pha chế xăng E5, nguồn nguyên liệu, phương tiện vận chuyển cho việc triển khai kinh doanh đại trà xăng sinh học E5 RON92 từ ngày 1/1/2018.

Về công tác sản xuất chế biến xăng sinh học E5 RON92, PVOIL đã nâng cấp và mở rộng hệ thống kho tồn chứa đảm bảo đủ cho việc kinh doanh đại trà xăng E5, lắp đặt và đưa vào hoạt động 11 trạm pha chế tại các khu vực trên toàn quốc, đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn Việt Nam. PVOIL đã tính toán, cân đối công suất pha chế của các trạm, tiếp tục đưa thêm một số trạm pha chế khác đi vào hoạt động trong tháng 12/2017 nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu cho toàn bộ hệ thống phân phối 540 cửa hàng xăng dầu thuộc sở hữu và hơn 3.000 cửa hàng xăng dầu của các tổng đại lý/đại lý/thương nhân nhượng quyền. Bên cạnh đó, PVOIL đã chủ động lập kế hoạch đảm bảo nguồn nguyên liệu liệu Ethanol (E100) dùng pha chế xăng sinh học E5 RON92, trong đó sử dụng tối đa nguồn E100 sản xuất trong nước. Tổng kinh phí PVOIL đầu tư cho công tác cải tạo, nâng cấp và mở rộng hệ thống phục vụ cho việc kinh doanh đại trà xăng E5 RON92 ước tính khoảng gần 100 tỷ đồng.

Đến nay, PVOIL đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị cho lộ trình kinh doanh đại trà xăng sinh học E5, bao gồm: Công tác đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng; đảm bảo nguồn, kế hoạch sản xuất chế biến, điều độ, vận chuyển xăng sinh học E5 RON92 từ nơi pha chế đến các kho trung chuyển và tới hệ thống phân phối, các cửa hàng bán lẻ của PVOIL trên toàn quốc cũng như cung ứng cho thị trường.