Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Lợi nhuận SCIC “bốc hơi” 10.000 tỷ đồng sau kiểm toán

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos bị soán ngôi sau 4 tiếng, lợi nhuận SCIC “bốc hơi” 10.000 tỷ đồng sau kiểm toán... là nội dung nổi bật tuần qua.

Tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos bị soán ngôi sau 4 tiếng
 
Chốt phiên ngày 27/7, giá cổ phiếu đại gia thương mại điện tử Amazon mất 0,7%, xuống 1.046 USD. Việc này đã kéo tài sản của Jeff Bezos xuống 89,3 tỷ USD, thấp hơn so với 90,7 tỷ USD của Bill Gates.
Mã này có lúc lên tới 1.083 USD, giúp Bezos trở thành người giàu nhất thế giới với tài sản 92,3 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi Amazon công bố báo cáo tài chính quý II, cổ phiếu này lại quay đầu giảm.
Dù chỉ chiếm vị trí của Bill Gates trong 4 tiếng đồng hồ, việc Jeff Bezos trở thành người giàu nhất thế giới được CNBC đánh giá là có ý nghĩa biểu tượng đặc biệt cho thấy tài sản của những tỷ phú ngày nay có thể lớn nhanh thế nào.
Cổ phiếu hãng này đã tăng 40% năm nay, tính đến hết hôm qua, giúp ông có thêm 23,9 tỷ USD. Từ đầu năm, Bezos liên tục được dự báo sẽ chiếm ngôi giàu nhất hành tinh của Bill Gates, khi lần lượt vượt qua huyền thoại đầu tư Warren Buffett và ông chủ Zara - Amancio Ortega.
Ông chủ Amazon đã là tỷ phú trong 20 năm, ngay khi Amazon lần đầu lên sàn chứng khoán năm 1998. Khi đó, Jeff Bezos lần đầu được nêu trong danh sách người giàu của Forbes với tài sản ròng là 1,6 tỷ USD. Đến 2007, tài sản của ông đạt 4,4 tỷ USD và tăng dần lên 18,4 tỷ USD vào năm 2012.
Tuy nhiên, chỉ trong 2 năm vừa qua, khi cổ phiếu Amazon bùng nổ và tài sản của Bezos cũng tăng nhanh. Hiện tại, Bezos sở hữu 79,9 triệu cổ phiếu, tương đương gần 17% cổ phần của công ty, tài sản ròng của ông đã tăng thêm 70 tỷ USD chỉ trong 5 năm qua. Nếu so với 2 năm trước, tài sản của ông đã tăng thêm 45 tỷ USD, mức tăng chóng mặt nhất trong lịch sử.
Lợi nhuận của SCIC “bốc hơi” 10.000 tỷ đồng sau kiểm toán
 
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2016 đã được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán Deloitte.
Theo đó, sau khi được kiểm toán, SCIC báo doanh thu cả năm ở mức 10.530,6 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước đó. Lợi nhuận thuần từ hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn đạt 7.941,4 tỷ đồng, bằng 92,2% kết quả đạt được trong năm 2015.
Cộng với khoản lợi nhuận khác và phần lãi trong công ty liên kết, liên doanh, tổng công ty này đạt 8.097,6 tỷ đồng tổng lợi nhuận kế toán trước thuế trong năm vừa qua, giảm gần 581 tỷ đồng so với năm trước đó. Lợi nhuận ròng còn 7.426,3 tỷ đồng, bằng xấp xỉ 95% mức lợi nhuận ròng của 2015.
Như vậy, các số liệu kinh doanh sau kiểm toán đã giảm rất mạnh so với báo cáo mà SCIC từng công bố trước đây. Cụ thể, theo báo cáo Tổng kết hoạt động năm 2016 của SCIC được công bố vào tháng 1/2017, Tổng công ty này đạt 18.629 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 15.826 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kết quả này có được một phần lớn là nhờ SCIC đã thực hiện bán cổ phần 5,4% cổ phần tại Vinamilk, thu về 11.286 tỷ đồng, gấp 28 lần so với giá vốn.
Như vậy, thay vì lãi trước thuế hơn 18.600 tỷ, lợi nhuận của SCIC chỉ đạt hơn 8.000 tỷ. Được biết, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này là do đã có sự thay đổi trong việc hạch toán lợi nhuận từ thoái vốn tại một số khoản đầu tư. Kết quả này dẫn đến lợi nhuận 2016 của SCIC thấp hơn cả năm 2015.
Tạm ngừng giao dịch cổ phiếu Hanoimilk
 
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 25/7 đã có thông báo về việc tạm ngừng giao dịch của Hanoimilk - ​​Công ty của nhãn hiệu sữa Izzi. Nguyên nhân chủ yếu là cho đến nay Hanoimilk vẫn chưa nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016. Đây cũng là lý do khiến HNM hết bị đưa vào diện cảnh báo đến diện bị kiểm soát và công ty chưa cho thấy có biện pháp khắc phục.
Việc chưa có báo cáo kiểm toán là do đơn vị kiểm toán năm 2016 cho Hanoimilk là Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Thăng Long bất ngờ thông báo bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ tư cách kiểm toán báo cáo tài chính năm 2016.
Do đó, Hanoimilk cho biết đã có công văn gửi Ủy ban chứng khoán báo cáo về vấn đề này, xin tìm kiếm đơn vị kiểm toán khác để thay thế. Công ty Hanoimilk đã đề được gia hạn nộp báo cáo kiểm toán năm 2016 đến 20/7/2017.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, sẽ có thông báo cho phép Hanoimilk được giao dịch trở lại sau khi công ty có biện pháp khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán bị tạm ngừng giao dịch.
Tại thời điểm bị tạm ngừng giao dịch, cổ phiếu HNM có mức giá 4.800 đồng/cổ phiếu và hầu như không diễn ra giao dịch trong nhiều phiên liên tiếp.