Sự kiện kinh tế tuần: Lùm xùm vụ Sabeco bị truy thu thuế

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục thuế TP Hồ Chí Minh tạm dừng truy thu thuế của Sabeco; Chứng khoán Việt Nam "vô địch" Đông Nam Á năm 2018; Lại kiến nghị giải cứu "đại dự án" của PVC... là nội dung chú ý tuần qua.

Ngành nông nghiệp tăng trưởng cao nhất 7 năm qua

Sáng 3/1, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự, chỉ đạo tại hội nghị quan trọng này.

Sự kiện kinh tế tuần: Lùm xùm vụ Sabeco bị truy thu thuế - Ảnh 1
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu chủ trì đầu cầu Hà Nội.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong năm 2018, các địa phương đã chuyển 105.000ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và các cây màu, cây làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Sản lượng và chất lượng nhiều loại rau màu, trái cây tăng 26.100ha về diện tích và 300.000 tấn về sản lượng so với năm 2017. Giá trị sản xuất trồng trọt tăng 2,52%, cao hơn mục tiêu đề ra (2,5%).

Lĩnh vực chăn nuôi đã có chuyển biến rõ nét trong tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, trang trại theo chuỗi. Một số sản phẩm chăn nuôi bước đầu đã xuất khẩu, như thịt lợn đông lạnh chính ngạch sang Myanmar, thịt gà sang Nhật Bản,... Tổng sản lượng thịt hơi đạt 5,36 triệu tấn, tăng 3,2% so với năm 2017. Giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 3,98%, cao hơn mục tiêu đề ra (2,1%).

Năm 2018, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,75 triệu tấn, tăng 6,1%. Tỷ trọng các sản phẩm có giá trị cao tăng mạnh (tôm các loại đạt khoảng 804.000 tấn, tăng 8,0%, cá tra đạt khoảng 1,418 triệu tấn, tăng 10,3%). Giá trị sản xuất tăng 6,5%, vượt mục tiêu đề ra (5,29%).

Sự phát triển của công nghiệp chế biến góp phần quan trọng thúc đẩy xuất khẩu. Hầu hết nông sản được tiêu thụ kịp thời, giá ở mức có lợi cho nông dân.

Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40,02 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017; thặng dư thương mại đạt 8,72 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 19,51 tỷ USD, tăng 1,4%; thủy sản ước đạt 9,01 tỷ USD, tăng 8,5%; đồ gỗ và lâm sản ước đạt 9,34 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2017.

Tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ: 8,86 tỷ USD; tôm: 3,59 tỷ USD; rau quả: 3,81 tỷ USD; cà phê: 3,46 tỷ USD; hạt điều: 3,43 tỷ USD).

Đánh giá tổng thể, ngành NN&PTNT năm 2018 tiếp tục khẳng định xu thế, chuyển đổi cơ cấu ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả, thị trường xuất khẩu mở rộng, giá cả ổn định, cùng với ứng dụng khoa học công nghệ mới là động lực chủ yếu tạo sự đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Hoàn thành và vượt 5/5 chỉ tiêu, đó là: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành NN&PTNT đạt 3,76%, cao nhất trong 7 năm trở lại đây; Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86%; Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 40,02 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 41,65%; Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 42,4%, có 61 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, kết quả trên có được là thành quả của đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ cơ chế, cải cách thủ tục hành chính, khai thông thị trường, nên đã tạo môi trường thuận lợi, tăng niềm tin, phát huy cao độ tinh thần lao động cần cù sáng tạo của bà con nông dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp hướng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn… và nỗ lực, hành động quyết liệt, sáng tạo, đổi mới, bứt phá, sát thực tiễn trong thực hiện cơ cấu lại và xây dựng nông thôn mới của Bộ và toàn ngành ngay từ những ngày đầu năm.

Dù đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tuy nhiên, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn 4 hạn chế, yếu kém và nhiều thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Thứ nhất, cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chủ đạo; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và tiếp tục bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển, lợi thế cạnh tranh năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao.

Thứ hai, thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro; trong khi năng lực quản trị công tác dự báo cung, cầu còn bất cập; việc “giải cứu” thịt lợn, giá thịt lợn có thời điểm tăng rất cao là bài học sâu sắc trong công tác chỉ đạo; chưa giải quyết dứt điểm việc gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản; sản phẩm cây công nghiệp giá cả bất lợi; thiên tai, bão, lũ, sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục được dự báo diễn ra nghiêm trọng hơn, trong khi nguồn lực còn rất hạn chế sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, duy trì tăng trưởng ngành và nâng cao giá trị xuất khẩu.

Thứ ba, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; quản lý ATTP vẫn rất khó khăn, phức tạp.

Thứ tư, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn; một số địa phương cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới để chuyển sang giai đoạn nâng cao, thì một số địa phương có số xã đạt chuẩn rất thấp; các vấn đề phát triển sản xuất, thu nhập, hạ tầng cơ sở, nhất là tình trạng môi trường nông thôn chưa chuyển biến rõ nét.

Cục thuế TP Hồ Chí Minh tạm dừng truy thu thuế của Sabeco

Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích từ tài khoản ngân hàng của Sabeco số tiền thuế và phạt nộp thuế chậm trả là hơn 3.140 tỷ đồng. Cụ thể, số tiền cưỡng chế gồm tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định trong quá trình thanh tra từ năm 2010 đến 2014 và tiền phạt vi phạm hành chính về thuế của Sabeco, trong đó, số chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2007 - 2015 là hơn 2.645 tỷ đồng, còn tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 494 tỷ đồng.
Sabeco vướng lùm xùm trong truy thu thuế .

Sabeco đã có văn bản khẳng định luôn rõ ràng và nhất quán từ năm 2015 khi Kiểm toán Nhà nước ban hành kết luận kiểm toán rằng Sabeco không có bất kỳ hành vi sai phạm nào trong việc kê khai, tính và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và Sabeco đã luôn thực hiện đúng hướng dẫn bằng văn bản của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP Hồ Chí Minh trong những năm qua về vấn đề này.

"Chúng tôi đã tham vấn ý kiến với các đơn vị tư vấn pháp lý độc lập và thấy có căn cứ để cho rằng việc Cục Thuế TP Hồ Chí Minh thực hiện việc cưỡng chế nói trên đã vi phạm pháp luật (cưỡng chế thi hành khi chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực), mâu thuẫn với chính hướng dẫn bằng văn bản của Bộ Tài chính, Tổng cục thuế và Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho vấn đề này", văn bản nêu.

Đặc biệt, sau khi Kiểm toán Nhà nước ban hành kết luận kiểm toán trái với các hướng dẫn trước đây (của Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế và Cục Thuế TP Hồ Chí Minh), Sabeco đã gửi nhiều văn bản giải trình, kiến nghị đến Kiểm toán Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ về việc tuân thủ pháp luật thuế theo đúng hướng dẫn và các căn cứ pháp luật mà Sabeco thấy chưa được cân nhắc thỏa đáng khi kết luận kiểm toán.

Ngay sau đó, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa ký văn bản gửi Bộ Tài chính và UBND TP Hồ Chí Minh về việc chưa xử lý cưỡng chế 3.100 tỉ đồng tiền thuế từ Sabeco.

Văn bản cho biết, trong thời gian Thủ tướng đang chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan xem xét, xử lý kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc chậm nộp thuế và tiền phạt vi phạm hành chính thuế của Sabeco, giao Bộ Tài chính, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh chưa cưỡng chế Sabeco nộp tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính.

Ngày 2/1 công ty Sabeco nhận được 8 quyết định do Cục thuế TP Hồ Chí Minh ban hành ngày 2/1. Theo đó, Cục trưởng Cục thuế TP.HCM quyết định dừng thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Sabeco (theo các quyết định do cơ quan này ban hành ngày 28/12/2018).

Các quyết định trên được ban hành để thực hiện Công văn số 01/VPCP-KTTH ngày 2/1/2019 của Văn phòng Chính phủ. SAB cho biết Công văn 01 nêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính và UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Cục thuế thành phố chưa thực hiện cưỡng chế Sabeco nộp tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính với thuế tiêu thụ đặc biệt giai đoạn 2007 - 2015 trong thời gian Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan xem xét, xử lý.

Trao đổi với với báo chí, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nói việc cưỡng chế thuế của Sabeco phải cẩn trọng, xem xét kỹ vì liên quan đến môi trường đầu tư, đến thực thi pháp luật. Nếu xử lý vội sẽ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư chung.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói thêm, trong thời điểm này chưa thực hiện cưỡng chế thuế của Sabeco chứ không phải không cưỡng chế. Sau khi các bộ ngành cho ý kiến đầy đủ, Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp lại và Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp.

Cũng vì lùm xùm truy thu thuế mà cổ phiếu Sabeco khởi đầu năm mới với cách không thể tồi tệ hơn khi chốt phiên giao dịch ngày 2/1/2019 giảm tới 18.700 đồng/cổ phiếu, tương đương 6,99% so với thời điểm chốt phiên ngày 28/12/2018 (từ mức 267.500 đồng/cổ phiếu xuống còn 248.800 đồng/cổ phiếu).

Việc mất giá mạnh khiến mức vốn hóa của Sabeco trên thị trường chứng khoán cũng giảm mạnh. Theo đó, tại thời điểm chốt phiên ngày 28/12/2018, Sabeco đang có mức vốn hóa lên tới 159,5 nghìn tỷ đồng nhưng sau phiên 2/1/2019 chỉ còn 171,5 nghìn tỷ đồng, tương đương giảm 12 nghìn tỷ đồng.
Chứng khoán Việt Nam "vô địch" Đông Nam Á năm 2018
Phát biểu tại lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2019 vào sáng 2/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận xét, mặc dù thị trường chứng khoán (TTCK) kết thúc năm 2018 với mức giảm 9,3% của VN-Index, song quy mô và thanh khoản thị trường tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Chứng khoán Việt Nam đạt kỷ lục trong khu vực.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Dũng, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2017, tương đương với 70,2% GDP năm 2018, vượt chỉ tiêu 70% GDP đề ra tại Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt 6.500 tỷ đồng/phiên, tăng 29% so với năm 2017.

Trên thị trường trái phiếu, giá trị niêm yết đạt 1,12 triệu tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2017, tương đương 20,3% GDP của năm 2018. Giao dịch trái phiếu về cơ bản vẫn giữ được mức sôi động với giá trị giao dịch đạt 8.834 tỷ đồng/phiên.

Thị trường chứng khoán phái sinh mặc dù mới ra đời hơn một năm với sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 nhưng đã khẳng định được vai trò với khối lượng bình quân đạt 78.800 hợp đồng/phiên, tăng gần 7 lần so với năm 2017 và vị thế mở cuối năm đạt gần 21.653 hợp đồng, tăng 2,7 lần so với cuối năm 2017.

Đặc biệt, vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài vẫn vào ròng, đạt 2,8 tỷ USD, cơ bản bằng mức kỷ lục 2,9 tỷ USD của năm 2017. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt trên 32,8 tỷ USD.

Năm 2018 cũng ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của các DN. Trong 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp niêm yết có doanh thu tăng 20,5%, lợi nhuận tăng 24,9%, trong kh đó, các công ty chứng khoán có lợi nhuận sau thuế tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, TTCK tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hữu hiệu cho phát triển kinh tế. Trong đó huy động trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đạt 192 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu kho bạc đạt mức 12,55 năm, đáp ứng được nhu cầu đầu tư công và cơ cấu nợ công của Chính phủ.

Huy động vốn qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu DN, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước ước đạt 62,2 nghìn tỷ đồng tăng 30,7% so với 2017.

Với những thành công đó, TTCK tiếp tục khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn hữu hiệu cho cả Chính phủ và khu vực tư nhân để phục vụ cho nhu cầu đầu tư và phát triển kinh tế; và được đánh giá là thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn trong năm 2018.

Bước sang năm 2019, Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tài chính sẽ nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực chứng khoán, nghiên cứu trình Chính phủ hệ thống giải pháp đồng bộ để phát triển TTCK theo chiều rộng và chiều sâu nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, bảo vệ lợi ích chính đáng của công chúng đầu tư.
Lại kiến nghị giải cứu "đại dự án" của PVC
Bộ Công Thương lại vừa có đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét các kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí (PVN) đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình (NĐTB) 2. Đây là dự án do PVC làm tổng thầu dưới thời của Trịnh Xuân Thanh.
Kiến nghị giải cứu với Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Theo Bộ Công Thương, dự án này vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc nhưng những yếu kém này do nguyên nhân cơ bản là PVC chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu nhà máy nhiệt điện than.

"Năng lực tài chính của PVC kém, không đảm bảo khả năng thanh toán cho các công việc đã hoàn thành và tạm ứng các hợp đồng đã ký với nhà thầu phụ", Bộ Công Thương đánh giá.

Như đánh giá trước đó của các cơ quan bảo vệ pháp luật khi xét xử Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm, trước đây, PVC sử dụng hơn 1.100 tỷ tiền tạm ứng của dự án vào mục đích khác đã làm thiếu hụt nguồn tiền thực hiện dự án. PVN cũng đã có báo cáo, khi hoàn thành dự án, dự kiến tổng thầu PVC sẽ bị thiếu hụt khoảng hơn 55 triệu USD và hơn 1.000 tỷ đồng so với giá trị hợp đồng EPC.Trong khi đó, PVN khó khăn trong thu xếp nguồn vốn còn thiếu gồm hơn 326 triệu USD vốn vay nước ngoài đã hết hạn giải ngân vào 28/9/2018 (hiện chưa được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng cho phép gia hạn) và khoảng hơn 343 triệu USD chưa ký được hợp đồng vay (dự kiến vay trong nước).

Kết quả kiểm tra gần nhất cho thấy, hiện nay, nhiều thiết bị tại dự án chưa đưa vào sử dụng nhưng đã bị quá thời hạn bảo hành của nhà sản xuất/nhà chế tạo. Và nếu dự án NĐTB2 nếu còn chậm tiến độ sẽ dẫn đến tăng rủi ro liên quan đến chất lượng thiết bị đã quá thời hạn bảo hành của nhà sản xuất/nhà chế tạo. Sự chậm trễ trong việc thực hiện sẽ càng làm phát sinh chi phí và gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung cấp điện và tạo dư luận không tốt. Những vướng mắc này, theo Bộ Công Thương, cần có sự chỉ đạo xử lý của Chính phủ.

Hiện nay, PVN đã chuyển giao quyền đại diện vốn chủ sở hữu sang Ủy ban quản lý vốn nhà nước. Do vậy, mặc dù dự án NĐTB 2 phát sinh từ thời do Bộ Công Thương quản lý nhưng đến nay Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN sẽ tham gia, xem xét xử lý các vấn đề của dự án này.

Để khắc phục các vướng mắc, PVN kiến nghị được sử dụng 2.500 tỷ đồng từ nguồn chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 và lợi nhuận từ nguồn sản xuất kinh doanh của tập đoàn để tập trung nguồn lực hoàn thành dự án. Do đây là nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại PVN, nên Bộ Công Thương cho rằng, kiến nghị này cần được Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN xem xét.

Theo Bộ Công Thương, PVN cần báo cáo rõ nguồn vốn sử dụng, mục đích sử dụng cụ thể cho dự án và có đánh giá tổng thể liên quan tới dự án cũng như các nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên.

Lập Hội đồng xử lý vụ vi phạm cạnh tranh giữa Uber và Grab
Bộ Công Thương ngày 3/1 cho biết, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh Trần Quốc Khánh đã ký quyết định về việc lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan tới hành vi tập trung kinh tế của Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam. Hội đồng này được lập căn cứ theo Luật Cạnh tranh 2014 và các Nghị định hướng dẫn thi hành, sau khi tiếp nhận hồ sơ điều tra từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương).
Bộ Công Thương lập Hội đồng xử lý cạnh tranh Uber, Grab

Theo quyết định trên, 2 DN bị điều tra gồm Công ty TNHH Grab và Công ty TNHH Uber Việt Nam có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh.

Chủ tọa phiên điều trần là ông Phan Chí Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Các thành viên khác, gồm ông Trần Mai Hiến, bà Trịnh Thị Hằng Nga, ông Ngô Hữu Lợi và ông Phạm Văn Khánh. Hai thư ký phiên điều trần là bà Trần Thị Mai Hương và ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - cùng là Phó chánh Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh.

Ngoài Grab và Uber, trong vụ việc này còn 6 DN có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng sẽ bị điều tra, xử lý. Tuy nhiên, Bộ Công Thương không nêu rõ danh tính của 6 đơn vị này.

Theo Bộ Công Thương, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh sẽ tiến hành các trình tự tố tụng theo quy định của pháp luật và quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Cạnh tranh.

Trước đó, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã ký kết luận vụ việc cạnh tranh theo quy định tại khoản 9, Điều 76 Luật Cạnh tranh.

Căn cứ kết quả xác minh các tình tiết, chứng cứ của vụ việc trong quá trình điều tra, Cục này đã xác định vụ việc Grab mua lại Uber có hai dấu hiệu vi phạm: Một là, hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh. Hai là, hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã hoàn tất việc chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật cạnh tranh.

Việc xử lý vụ việc cạnh tranh được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Mục 5, Mục 6, Chương V Luật Cạnh tranh. Theo đó, sau khi nhận được báo cáo điều tra và toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh sẽ quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có thể sẽ ra một trong các quyết định, gồm: Trả hồ sơ để điều tra bổ sung (trong 60 ngày); Đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh; Mở phiên điều trần để ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Xăng dầu đồng loạt giảm giá từ 0h ngày 1/1/2019

Theo Bộ Công Thương, Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Như vậy, kể từ thời điểm này thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol) là 4.000 đồng/lít, dầu diesel là 2.000 đồng/lít, dầu hỏa là 1.000 đồng/lít, dầu mazut là 2.000 đồng/lít.

Ảnh minh họa.

Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 28/12/2018 của Chính phủ về phương án điều hành giá xăng dầu ngày 1/1/2019, Chính phủ thống nhất kỳ điều hành giá xăng dầu kế tiếp sau kỳ điều hành ngày 21/12/2018 là kỳ điều hành ngày 1/1/2019; đồng thời lấy ngày 1/1/2019 là thời điểm để tính chu kỳ điều hành giá tiếp theo theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới từ ngày 21/12/2018 đến ngày 31/12/2018 là: 53,358 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92; 55,485 USD/thùng xăng RON95; 62,760 USD/thùng dầu diesel 0.05S; 65,733 USD/thùng dầu hỏa; 333,308 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S.

Nhằm mục đích điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo giá xăng dầu trong nước phản ánh xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới, đồng thời tiếp tục góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần giảm chi phí đầu vào của DN sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định:

Trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như sau: Xăng E5RON92 giữ nguyên mức trích lập như hiện hành; xăng RON95: 500 đồng/lít; dầu diesel: 800 đồng/lít; dầu hỏa: 700 đồng/lít; dầu mazut: 500 đồng/kg.

Sau khi thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như mục 1 nêu trên, giá các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường điều chỉnh như sau: Xăng E5RON92 giảm 515 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 538 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 1.092 đồng/lít; dầu hỏa giảm 818 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 733 đồng/kg.

Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92: Không cao hơn 16.272 đồng/lít; xăng RON95-III: Không cao hơn 17.603 đồng/lít; dầu diesel 0.05S: Không cao hơn 14.909 đồng/lít; dầu hỏa: Không cao hơn 14.185 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S: Không cao hơn 13.275 đồng/kg.