Sự kiện kinh tế tuần: Lần đầu công bố Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần đầu công bố Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam; Mỹ đánh thuế thép Việt Nam ở mức cao nhất; Vingroup lập Hãng hàng không Vinpearl Air... là nội dung kinh tế đáng chú ý tuần qua.

Lần đầu tiên công bố Sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019
Chiều 10/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019, tài liệu về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam được biên soạn bởi Tổng cục Thống kê. Đây là lần đầu tiên Sách trắng về doanh nghiệp được công bố.
  Ảnh minh họa
Ấn phẩm năm 2019 dự kiến xuất bản trên trang thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Tổng cục Thống kê vào ngày 22/7 và phát hành bản in vào ngày 1/8.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Thống kê, Sách trắng cung cấp thông tin chi tiết nhất về thực trạng phát triển doanh nghiệp theo ngành kinh tế, theo loại hình doanh nghiệp và theo địa phương. Mục đích của tài liệu này giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương có thêm thông tin trong hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển bền vững và hiệu quả doanh nghiệp.
Sách trắng 2019 gồm 4 cấu phần: Bối cảnh phát triển doanh nghiệp năm 2018; Tổng quan phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2016 - 2018; Các giải pháp phát triển doanh nghiệp và Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2018 và giai đoạn 2016 - 2018.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, giai đoạn 2016 - 2018 là "thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của doanh nghiệp trong lịch sử", với số lượng và quy mô doanh nghiệp thành lập mới liên tiếp đạt mức kỷ lục. Trung bình mỗi năm có gần 123.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường với số vốn đăng ký đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 49,3% về số lượng và 156% về số vốn so với giai đoạn 3 năm trước đó.
Với tốc độ tăng nhanh quy mô doanh nghiệp, sự ra đời của Sách trắng được Bộ trưởng Dũng đánh giá là sự khẳng định của Chính phủ, các Bộ, ngành về việc xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn bằng những hành động cụ thể nhất.
Đánh giá cao về tài liệu này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận xét: "Sách trắng là căn cứ để so sánh hiệu quả kinh tế, để các doanh nghiệp tự biết mình đang đứng ở đâu, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI hoạt động ra sao, đóng góp vào GDP, xuất khẩu, thu ngân sách như thế nào".
Tuy nhiên, người đại diện Chính phủ đề xuất cần có thêm sự so sánh giữa những chỉ tiêu với quy mô của khu vực và thế giới. Ví dụ quy mô doanh nghiệp trên 1.000 người trong độ tuổi lao động tại từng địa phương, ông Huệ cho rằng cần có sự so sánh để biết mức độ trung bình 14,7 doanh nghiệp trên 1.000 người của Việt Nam "là cao hay thấp, có cần cải thiện hay không so với khu vực và thế giới".
Cơ sở dữ liệu soạn thảo Sách trắng gồm: Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê điều tra hàng năm; cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch Đầu tư); cơ sở dữ liệu thuế (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) và các nguồn thông tin khác.
Sách trắng hàng năm sẽ được công bố thường niên vào cuối quý I, trong đó bao gồm những thông tin hiện trạng doanh nghiệp tính tới cuối năm gần nhất và kết quả kinh doanh trước đó một năm.
Mỹ đánh thuế 'kép' thép Việt Nam ở mức cao nhất
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) tuần qua cho biết Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chính thức khẳng định có việc lẩn tránh thuế đối với sản phẩm tôn mạ và thép cán nguội xuất khẩu từ Việt Nam do có sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc.
Sự kiện kinh tế tuần: Lần đầu công bố Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 2
 Ảnh minh họa
Với kết luận cáo buộc này, Hải quan Hoa Kỳ sẽ bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với hai sản phẩm nói trên của Việt Nam, đồng thời áp dụng mức tiền cọc tương đương với mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Đài Loan - vốn đã bị Mỹ áp thuế từ năm 2016.
Điều đáng nói, Bộ Thương mại Mỹ cho phép các doanh nghiệp Việt Nam không mất tiền đặt cọc nếu chứng minh tôn mạ và thép cán nguội không sử dụng từ thép cán nóng của Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.
Trong trường hợp doanh nghiệp Việt Nam không chứng minh được hàng xuất khẩu sang Mỹ sử dụng nguyên liệu thép cán nóng từ quốc gia nào thì phải chịu mức thuế mà Mỹ đã áp dụng đối với Trung Quốc nhằm tránh trường hợp trốn thuế.
Cụ thể, đối với sản phẩm tôn mạ, mức thuế chống bán phá mà Mỹ dành cho Trung Quốc là 199,43%, thuế chống trợ cấp là 39,05%. Với sản phẩm thép cán nguội, mức thuế chống bán phá mà Trung Quốc đang chịu khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ là 199,76%, trong khi thuế chống trợ cấp lên đến 256,44%.
Toàn bộ mức thuế nói trên sẽ được Bộ Thương mại Mỹ áp dụng đối với tất cả lô hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ ngay từ ngày 2/8/2019, trong khi quyết định cuối cùng ban hành mức thuế chính thức sẽ được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào tháng 9 tới đây.
Vingroup lập Hãng hàng không Vinpearl Air
Đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết tập đoàn này vừa thành lập Công ty Vinpearl Air có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại khu đô thị Vinhomes Riverside, quận Long Biên, Hà Nội.
Sự kiện kinh tế tuần: Lần đầu công bố Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 3
 
Trước đó, ngày 29/5/2019, phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch - đầu tư TP Hà Nội đã cấp đăng ký thay đổi cho Công ty CP Phát triển thương mại và dịch vụ VinAsia đổi tên thành Công ty CP Hàng không Vinpearl Air.
Cùng với việc đổi tên, ngành nghề kinh doanh chính của công ty cũng được thay đổi từ kinh doanh bất động sản sang vận tải hành khách hàng không.
Vinpearl Air có 3 cổ đông sáng lập gồm Công ty CP Phát triển du lịch VinAsia góp vốn 45%, ông Hoàng Quốc Thủy góp vốn 30% và ông Phạm Khắc Phương góp vốn 25%. Ông Phạm Khắc Phương từng giữ nhiều chức vụ chủ chốt tại Vingroup và Vinpearl.
Công ty CP Phát triển du lịch VinAsia - cổ đông lớn nhất của Vinpearl Air - tiền thân là CTCP Phát triển du lịch Nam Hà, được thành lập vào tháng 6/2017.
Hiện tại, cả nước đang có 5 hãng hàng không trên thị trường, gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Jetstar Pacific Airlines, Vasco Airlines.
Một chuyên gia hàng không cho biết việc thành lập hãng bay mới có rất nhiều thủ tục liên quan, trong đó cần có đề án cụ thể để Bộ Kế hoạch - đầu tư và Bộ GTVT thẩm định, trình Thủ tướng quyết định.
Vị này cũng cho rằng việc thành lập hãng hàng không mới khiến thị trường hàng không thêm sôi động, khách có nhiều sự chọn lựa, song vẫn cần chú ý đến hạ tầng sân bay đang quá tải hiện nay như Tân Sơn Nhất...
Bàn giao 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ về 'siêu' Ủy ban vốn quản lý
Ngày 9/7, Bộ Công Thương đã bàn giao việc xử lý 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ('Siêu' ủy ban).
Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất nằm trong 12 dự án thua lỗ
Việc bàn giao trên cơ sở quyết định của Thủ tướng về kiện toàn Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án kém hiệu quả ngành Công Thương. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn là Phó trưởng ban chỉ đạo và tổ giúp việc Ban chỉ đạo đặt tại Ủy ban vốn, thay vì Bộ Công Thương như trước.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cho biết, sẽ quy định trách nhiệm của chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty sở hữu 12 dự án, nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý thua lỗ nghìn tỷ. "Họ sẽ phải vào cuộc cùng xử lý chứ không thể phụ thuộc vào ban chỉ đạo. Đây sẽ là một trong những tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hàng năm hay không", ông Nguyễn Hoàng Anh nói.
12 dự án trên được Chính phủ "điểm danh" và đưa vào danh sách các dự án thua lỗ nghìn tỷ từ cuối năm 2016, trong số này có 5 dự án thuộc quản lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), 4 dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)...
Sau hơn 2 năm, Bộ Công Thương cho biết đã "xử lý được một số bước nhất định" nhưng vẫn còn những khó khăn như tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu; thiếu pháp lý trong xử lý, quyết toán hợp đồng EPC, đấu giá dự án...
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cam kết phối hợp hiệu quả cùng Ủy ban Vốn trong xử lý các dự án này. Theo lộ trình được Bộ Công Thương đưa ra trước đây trình Quốc hội, đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý tồn tại ở các dự án.
12 dự án thua lỗ ngành Công Thương gồm: Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2- Lào Cai; Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất Đạm Hà Bắc; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất; Dự án nhà máy thép Việt Trung; Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam.

Hà Nội tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa

Ngày 13/7, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp 6 tháng đầu năm và thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản - Trưởng ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp TP Hà Nội chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy, giai đoạn 2017 - 2020, Hà Nội thực hiện cổ phần hóa 15 doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước đầu tư tại 34 doanh nghiệp; thoái vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước tại 67 doanh nghiệp. 2 năm 2017 - 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, UBND TP đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và triển khai công tác cổ phần hóa tại 15/15 doanh nghiệp.

Hà Nội cũng đã hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại Hà Nội, với tổng số tiền thu về ngân sách nhà nước là 2.835 tỷ đồng (vốn nhà nước tại doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa là 1.749 tỷ đồng). Kết quả cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại Hà Nội cũng đã được Kiểm toán Nhà nước rà soát, ghi nhận và đánh giá cao.

So với kế hoạch được giao, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn của Hà Nội còn chậm. Đến nay, mới hoàn thành cổ phần hóa 1 doanh nghiệp trên tổng số 15 doanh nghiệp; thoái vốn được 4 doanh nghiệp trên tổng số 34 doanh nghiệp có vốn nhà nước; thoái vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước tại 24 doanh nghiệp trên tổng số 67 doanh nghiệp.

6 tháng cuối năm, TP sẽ tập trung nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn. Bên cạnh việc tập trung rà soát, sắp xếp lại doanh nghiệp, đẩy nhanh việc xử lý nhà, đất của doanh nghiệp, sẽ định kỳ công bố công khai thông tin về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trên website của Sở Tài chính để làm cơ sở theo dõi, đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn...

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra.

Chính thức khởi động dự án gần 500 tỷ đồng tạo thuận lợi thương mại

Sáng 10/7, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ khởi động Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ.

 Lễ khởi động Dự án Tạo thuận lợi thương mại.

Dự án hỗ trợ kỹ thuận Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ đã được Chính phủ phê duyệt và giao Bộ Tài chính là cơ quan chủ quản, Tổng cục Hải quan là chủ dự án. Tổng vốn viện trợ của dự án là hơn 21,7 triệu USD (tương đương gần 500 tỷ đồng).

Dự án sẽ thực hiện trong 5 năm với mục tiêu tổng thể là cải cách, chuẩn hóa, hài hòa hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế nhằm thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) của Tổ chức Thương mại thế giới và chủ trương của Chính phủ về cải cách việc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Chiến lược thực hiện của Dự án sẽ từ cấp Trung ương tới cấp tỉnh. Ở cấp Trung ương, dự án sẽ tăng cường sự phối hợp giữa các bộ chủ quản; hỗ trợ đổi mới chính sách về tạo thuận lợi thương mại; hỗ trợ Ủy ban 1899; đẩy mạnh quan hệ đối tác với khu vực tư nhân.

Ở cấp tỉnh, dự án sẽ tăng cường sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương; hỗ trợ thực hiện Hiệp định TFA; góp phần cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành; hỗ trợ áp dụng thống nhất các thủ tục giữa các tỉnh; đẩy mạnh quan hệ đối tác với khu vực tư nhân...

Hà Nội hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo

Chiều 8/7, với 96/96 số đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết thông qua chủ trương ban hành Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội đến năm 2025 và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thuộc Đề án.

 Ảnh minh họa

Theo đó, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo gồm: Hỗ trợ kinh phí để thực hiện các hoạt động truyền thông khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp; Hỗ trợ chi phí để thực hiện các hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ kinh phí để phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ kinh phí để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, liên kết, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; 

Hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm.

Ngoài ra, nhất trí chủ trương hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội, đóng vai trò kết nối, dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thu hút và liên kết các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Trung tâm có 5 chức chính gồm: Quảng bá công nghệ; Tư vấn - Đào tạo; Cung cấp các dịch vụ ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sảng tạo; Hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ (R&D); Kết nối mạng lưới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần