Sự kiện kinh tế tuần: "Nóng" việc tăng giá điện tại Quốc hội

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tăng giá điện được thực hiện đúng quy định; Nợ công Việt Nam xuống mức thấp nhất từ năm 2015; Nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng kiểm soát tốt dưới 3%... là nội dung chú ý tuần qua.

Việc tăng giá điện được thực hiện đúng quy định
Sau khi được Quốc hội yêu cầu, Chính phủ đã gửi báo cáo tới Quốc hội về việc điều hành giá điện. Báo cáo do Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký ngày 21/5. Một lần nữa, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhắc lại quy trình xây dựng, ban hành giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 và khẳng định đã thực hiện theo đúng quy định, chỉ đạo của Thủ tướng.
 Ảnh minh họa
Mức điều chỉnh thêm 8,36%, khoảng 1.864,44 đồng một kWh, được đưa ra dựa trên tổng chi phí mua điện năm 2019 tăng khoảng 20.000 tỷ đồng cùng các yếu tố đầu vào như than bán cho điện, tỷ giá, giá khí trong và ngoài bao tiêu, giá dầu thế giới... Song, mức giá này chưa gồm khoản chênh lệch tỷ giá hợp đồng mua điện năm 2018, trên 3.260 tỷ đồng. Nếu bổ sung chi phí này, bán lẻ điện bình quân khoảng 1.879,9 đồng, tương đương 9,26%.
"Để tránh tác động lớn tới chỉ số CPI và ổn định kinh tế vĩ mô, Thường trực Chính phủ đã chọn phương án tăng giá điện 8,36%", báo cáo của Chính phủ nêu.

Thay mặt Chính phủ, ông Trần Tuấn Anh cũng cho biết, theo quy định, giá điện đã được điều chỉnh từ năm 2018, nhưng cân nhắc nhiều yếu tố tác động tới kinh tế vĩ mô, lạm phát nên "đã được lùi lại". Năm 2019, Thủ tướng có quyết định cho phép Bộ Công Thương tăng giá điện bán lẻ bình quân thêm 8,36% và lựa chọn thời gian tăng là 15 - 20/3.

Đại biểu Quốc hội cho rằng tính toán sai, EVN khẳng định chính xác

Tại Phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội ngày 22/5 đã “nóng” lên xung quanh câu chuyện tăng giá điện khiến người dân bức xúc. Đáng lưu ý khi đề cập tới giá điện, đại biểu Lê Thu Hà khẳng định, cách giải trình của EVN đã ẩn đi một lần tăng giá.

Theo vị này, giá điện không phải tăng 8,37% như EVN công bố mà thực chất là 10%, 12,7%, 14,2%, 15%. Do đó, Kiểm toán Nhà nước cần vào cuộc, báo cáo Quốc tại kỳ họp tới. Trước phát biểu này, ngay chiều 22/5, bên lề Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành đã lên tiếng khẳng định đại biểu Lê Thu Hà đã tính toán sai.

Cụ thể theo Chủ tịch EVN, ông đã đọc được thông tin về tính toán của bà Hà, thậm chí một số đại biểu cũng gửi thông tin trên cho ông đề nghị làm rõ. Làm rõ hơn về ý kiến này, ông Dương Quang Thành cho biết mức độ phần trăm mà EVN đưa ra hoàn toàn chính xác. Thực tế, giá điện tăng đã được Chính phủ thông qua chứ không phải tính toán của riêng của EVN.

Ông Thành nói: “So sánh trước khi tăng giá và sau khi tăng giá với từng bậc thang một đưa ra chính xác, đồng thời, đều tăng từ 8,3 - 8,4%, chứ không tăng mười mấy phần trăm như đại biểu nói”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Sẽ kiểm toán toàn bộ báo cáo của EVN

Liên quan đến thời điểm tăng giá điện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thông thường, tháng 3 là tháng sau Tết Nguyên đán và CPI thường giảm rất mạnh. Thực tế giá điện tăng vào tháng 3 nhưng CPI tháng vẫn âm. Chính vì lẽ đó, nếu tăng vào tháng 3 sẽ đỡ được sức ép lạm phát.

"Chính phủ không dự báo được tháng 4 nắng như đổ lửa. Những năm trước, tháng 4 bãi biển nhiều nơi còn lạnh chưa tắm được trong khi năm nay nắng như đổ lửa trước 30/4, 1/5. Nhưng đến đầu tháng 5 lại lạnh như mùa đông. Thời tiết rất lạ, hoa sữa còn nở vào tháng 5. Nên rất khó dự báo, cái này phải thông cảm cho Chính phủ", ông nói.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, thời điểm tăng vào tháng 3 là phù hợp bởi thời điểm tháng 1, 2 là tháng Tết không tăng được. Còn nếu lùi lại vào tháng 4, 5, 6 là cao điểm mùa hè sẽ tạo sức ép hơn nữa. Và nếu để sau nữa thì sẽ không chịu nổi sức ép từ chi phí đầu vào tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng.

Khẳng định công tác dự báo cần phải tăng cường hơn nữa nhưng Phó Thủ tướng cũng thừa nhận rất khó đoán, khó lường nên cần sự chia sẻ.

"Thường trực Chính phủ đã họp đi họp lại nhiều lần và đã lựa chọn tăng 8,36% thay cho 9,26% như đề nghị của các bộ", Phó Thủ tướng nói, đồng thời cho biết tới đây sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ báo cáo tài chính EVN và điều hành giá điện năm 2019.

"Sai ở đâu Chính phủ, các bộ ngành nhận khuyết điểm chỗ đó. Kết quả sau đó sẽ công khai cho Quốc hội, người dân biết", ông Huệ nói.

Thanh tra Chính phủ công bố quyết định kiểm tra giá điện

Chiều 24/5, đơn vị sẽ phối hợp với Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)... công bố quyết định thanh, kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện, thu tiền điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).

Dự kiến trong 35 ngày, đoàn thanh tra sẽ kiểm tra, xác minh toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện từ ngày 20/3 và phương pháp tính giá, thu tiền điện...

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Công thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện, làm rõ đúng, sai báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019.

Nợ công Việt Nam xuống mức thấp nhất từ năm 2015
Tại báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Tài chính đưa ra con số về các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2018 dựa trên thực hiện kế hoạch vay, trả nợ và các hạn mức nợ. Theo đó, nợ công đã giảm xuống dưới 60% GDP, ở mức 58,4% GDP và cũng là mức thấp nhất 3 năm qua. Kết quả này cũng thấp hơn kịch bản nợ công ở mức 63,9% GDP mà Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra hồi tháng 8/2018 và trong Nghị quyết 01 của Chính phủ.
 Ảnh minh họa
Với quy mô kinh tế năm 2018 khoảng 5,5 triệu tỷ đồng, nợ công ở ngưỡng 3,2 triệu tỷ. Như vậy, bình quân mỗi người dân Việt Nam gánh hơn 32 triệu đồng nợ công năm 2018.
Ngoài nợ công, theo Bộ Tài chính, nợ Chính phủ 2018 ở mức 50% GDP, nợ được bảo lãnh Chính phủ là 7,9% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia 46% GDP. Nợ chính quyền địa phương khoảng 0,5% GDP. Nếu cộng các khoản vay về cho vay lại và vay Ngân hàng Phát triển thì chỉ số nợ này khoảng 0,9% GDP. Các chỉ tiêu nợ này đều nằm trong giới hạn cho phép.
Bộ Tài chính cũng cho biết đã đưa ra loạt biện pháp "siết" quản lý nợ công. Chẳng hạn với nợ Chính phủ, cơ quan này điều chỉnh cơ cấu và khối lượng vay phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, điều kiện thị trường. Cơ quan này đã chủ động giảm khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2018 trong bối cảnh thị trường tiền tệ, ngoại hối nhiều biến động. Mặt khác, bình quân kỳ hạn trái phiếu Chính phủ cũng dài hơn, mức 12,7 năm. Hơn 90% lượng trái phiếu huy động kỳ hạn từ 10 năm trở lên. Kỳ hạn trái phiếu Chính phủ dài trong khi lãi suất giảm giúp nghĩa vụ trả nợ giảm.
Với vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài, Bộ Tài chính chủ động rà soát, công khai thông tin về khung điều kiện vay ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ, khả năng điều kiện cho vay lại vốn vay ODA... làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương, chủ dự án và các doanh nghiệp đề xuất dự án mới.
Nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng kiểm soát tốt dưới 3%
Ngân hàng Nhà nước tuần qua công bố báo cáo cho thấy tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3 năm nay, toàn hệ thống đã xử lý 907.300 tỷ đồng nợ xấu. Riêng năm ngoái xử lý 163.140 tỷ, đưa tỷ lệ nợ xấu về 2,02%. Tính chung tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ xấu tiềm ẩn hiện ở mức 5,88%. Con số này giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016 và 7,36% cuối năm 2017.
 Ảnh minh họa
Theo báo cáo, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để xử lý nợ và tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%.
Còn theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, báo cáo từ các tổ chức tín dụng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ mức 2,5% vào cuối năm 2017 xuống mức 2,4% vào cuối 2018. Dự phòng rủi ro tín dụng tăng khoảng 30,1% trong cùng giai đoạn.
Mùa đại hội cổ đông vừa qua cũng ghi nhận tình hình kiềm chế nợ xấu khả quan tại các ngân hàng thương mại. Ghi nhận trong số 17 ngân hàng niêm yết, đa số các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu 1 - 2%, thậm chí có ngân hàng kiểm soát nợ xấu dưới mức 1%. Trong đó, ACB ghi nhận nợ xấu ở mức thấp nhất 0,73%, Vietcombank 0,97%, MBBank 1,33%, HDBank 1,45% và TPBank 1,89%.
Các chuyên gia tài chính nhận định, từ quý III năm ngoái, nợ xấu có chiều hướng gia tăng tuy nhiên tính đến cuối quý I năm nay, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống vẫn còn dưới mức mục tiêu 3%.
Cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra loạt yêu cầu với các nhà băng cũng như VAMC trong việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống. Theo đó, VAMC phải đẩy mạnh hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, đồng thời áp dụng biện pháp giảm thiểu rủi ro trong việc mua bán nợ theo giá trị thị trường.
Mục tiêu của ngành ngân hàng năm nay phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% và tỷ lệ nợ xấu, nợ xấu tiềm ẩn dưới 5%.

Ngăn chặn hiểm họa từ tôm hùm đất

Tuần qua, tình trạng rao bán tôm hùm đất (hay còn gọi là tôm càng đỏ) xuất hiện tại một số địa phương. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nhà quản lý, đây là loài sinh vật ngoại lai hết sức nguy hiểm, nếu không kịp thời ngăn chặn có thể trở thành “đại họa” cho ngành nông nghiệp.

Sự kiện kinh tế tuần: "Nóng" việc tăng giá điện tại Quốc hội - Ảnh 4
Tôm hùm đất là loàisinh vật ngoại lai hết sức nguy hiểm.

Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, tôm hùm đất (hay còn gọi là tôm càng đỏ) có tên khoa học là Cherax quadricarinatus. Đây là một trong số những loài sinh vật ngoại lai nguy hại có trong danh mục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT của Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết, tôm hùm đất sinh sản rất nhanh, có thể thích nghi với sự thay đổi của điều kiện sống. Chúng ăn tất cả các loại thủy sinh cạnh tranh, bao gồm cả tôm, cá. Đồng thời, cạnh tranh nguồn thức ăn với nhiều sinh vật bản địa, nhất là các loài tôm, cá đặc trưng của Việt Nam. Từ đó, có thể dẫn tới nguy cơ suy giảm các loài hữu ích.

Thực tế vào năm 2008, tôm hùm đất đã được nuôi thử nghiệm tại tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Quang Huy - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau quá trình đánh giá, đơn vị đã khuyến nghị các bộ, ngành không nhân giống, phát triển tôm hùm đất. Đến năm 2013, tôm hùm đất bị liên bộ NN&PTNT, TN&MT liệt vào danh mục các loài sinh vật ngoại lai nguy hại. Các hoạt động nhập khẩu, buôn bán, kinh doanh loài sinh vật này đều vi phạm quy định tại Điều 7 của Luật Đa dạng sinh học 2008.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh cho biết: Sau khi nhận được công văn của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường kiểm tra kiểm soát đối với mặt hàng tôm hùm càng đỏ, chiều 20/5, Tổng cục QLTT đã có văn bản gửi các cục QLTT chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường đối với mặt hàng này.

Cụ thể, lực lượng QLTT huy động lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với mặt hàng tôm hùm càng đỏ, đặc biệt ở những địa bàn giáp biên giới Trung Quốc; các nhà hàng, quán ăn có tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện, kiểm soát chặt chẽ các kho, cửa hàng đang rao bán trên mạng mặt hàng tôm càng đỏ để có biện pháp kiểm tra kiểm soát kịp thời.

YouTube tuyên bố dừng hợp tác với Yeah1
Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (mã CK: YEG) tuần qua đã thông tin về thông báo chính thức của YouTube cho biết, thỏa thuận lưu trữ nội dung giữa Yeah1 và YouTube đã không còn hiệu lực. Từ ngày 22/5 nền tảng này đã giải phóng các kênh đang hợp tác với Yeah1 và các công ty con (bao gồm các kênh tự sở hữu vận hành và các kênh của bên thứ 3).
 Ảnh minh họa
"Các quyền MCN của Yeah1 cũng sẽ bị ngừng không xác định thời gian. Việc truy cập lại vào các quyền hạn này sẽ được xem xét trong tương lai", thông báo của YouTube gửi Yeah1.

YouTube cũng cho biết, "không giới hạn cơ hội thảo luận" về các thỏa thuận hợp tác nội dung trong tương lai với Yeah1, tuy nhiên các quyền MCN - như quyền thêm kênh, Content ID, hệ thống CMS - sẽ vẫn bị ngừng. Theo nền tảng chia sẻ video này, các kênh tự vận hành và kênh thứ 3 tự do có thể đăng ký lại chế độ kiếm tiền qua chương trình YouTube Partnership Program, tuân theo quy trình kiểm duyệt của YouTube.
Như vậy, MCN từng lớn nhất Việt Nam đã không còn có thể hoạt động đa kênh nữa. Tuy vậy, hơn 1.500 kênh YouTube do Yeah1 quản lý trước đây đã được chuyển sang các network khác nhiều ngày trước đó. Trong đó, những cái tên như Freedom, Metub được các chủ kênh ưu tiên lựa chọn.
Trong thông báo Yeah1 cũng cho biết họ sẽ làm việc với YouTube và các đối tác để quá trình chuyển đổi được diễn ra thuận lợi và các chiến lược kinh doanh khác vẫn được duy trì, phát triển.

Trước đó, ngày 3/3, Công ty CPTĐ Yeah1 gửi đi thông báo về việc YouTube sẽ ngừng thỏa thuận lưu trữ nội dung với đơn vị này từ sau ngày 31/3.
Theo Tập đoàn Cổ phần Yeah1 (YGC), sự việc bắt đầu khi YouTube cho rằng SpringMe - công ty có trụ sở tại Thái Lan mà YGC có 16,5% cổ phần hoạt động tuyển lựa kênh trái với quy định của YouTube. Việc này khiến Yeah1 Network chịu ảnh hưởng liên đới.
Ngày 2/4, Yeah1 được YouTube gia hạn thỏa thuận thêm 2 tuần. Đến ngày 16/4, thời hạn phán quyết ngừng hợp tác có hiệu lực, Yeah1 vẫn tiếp tục hoạt động đa kênh. Sau thông tin nói trên, cổ phiếu YEG lập tức giảm hiện dao động quanh ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu.