Sự kiện kinh tế tuần: Sẽ cho phá sản doanh nghiệp Nhà nước nếu thua lỗ

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nói về công tác điều hành của Chính phủ trong năm 2017 sẽ tập trung nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

Bán hoặc cho phá sản DNNN mất vốn, thua lỗ kéo dài
Trình bày về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 trước Quốc hội mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong năm tới, công tác điều hành của Chính phủ sẽ nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
 Nhiều tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước hiệu quả hoạt động giảm sút, thua lỗ.
Cụ thể, khi cổ phần hóa phải đăng ký, niêm yết trên thị trường chứng khoán. "Đối với các DNNN thua lỗ kéo dài, mất vốn chủ sở hữu mà không thể tháo gỡ được thì xem xét cho bán hoặc phá sản theo quy định của pháp luật", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cam kết sẽ thực hiện công khai, minh bạch trong tái cơ cấu DNNN và đơn vị sự nghiệp công lập, chống thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm, nhất là trong xác định giá trị quyền sử dụng đất, thuê đất để tính giá trị doanh nghiệp.
Dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.
Điểm mặt hàng loạt dự án có nguy cơ gây ô nhiễm
Trong tuần qua, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương. Đi kèm với đó là danh mục các dự án, nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó chủ yếu là nhà máy nhiệt điện, phân bón, khai thác nhôm, sản xuất thép, dệt may.
 
Các nhà máy trên thuộc 4 tập đoàn gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Bên cạnh đó là 3 Tổng công ty gồm: Tổng công ty Thép Việt Nam và Tổng công ty Giấy Việt Nam.
Theo Bộ Công thương, người đứng đầu DN sẽ phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ, Chính phủ và nhân dân về việc tổ chức quán triệt chấp hành đầy đủ và nghiêm túc các chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực và đơn vị của mình.
Được biết, trong thời gian tới, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra và báo cáo đề xuất những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Giá xăng dầu tăng lần thứ 5 liên tiếp
Vào ngày 20/10 vừa qua, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng, dầu theo chiều hướng tăng. Cụ thể, giá xăng RON 92 tăng 441 đồng/lít lên mức tối đa 16.845 đồng/lít. Giá xăng sinh học (E5) cũng tăng 392 đồng/lít lên mức tối đa 16.533 đồng/lít.
Các mặt hàng dầu diesel tăng 599 đồng/lít lên mức tối đa 13.023 đồng/lít và dầu hỏa tăng 520 đồng/lít lên mức tối đa 11.543 đồng/lít. Dầu mazut cũng tăng 592 đồng/kg lên 10.065 đồng/kg.
Như vậy, đây là lần thứ 5 liên tiếp giá xăng tăng giá trong các kỳ điều hành gần đây. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng 10 lần với tổng cộng gần 5.000 đồng/lít. Cũng từ đầu năm đến nay, giá xăng đã 8 lần giảm với tổng cộng hơn 4.400 đồng/lít và 2 lần giữ nguyên giá.
Kiến nghị Bộ Công an điều tra sai phạm tại Nhà máy xơ sợi Đình Vũ
Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có kết luận thanh tra về việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ do Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) làm chủ đầu tư. Dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến 325 triệu USD nhưng liên tục thua lỗ và đã ngừng hoạt động từ năm 2015 đến nay.
 
TTCP cho rằng, nguyên nhân khiến dự án thua lỗ và hoạt động không có hiệu quả có những nguyên nhân khách quan là thị trường tiêu thụ khó khăn, biến động giá nhiên liệu, lãi suất ngân hàng cao… nhưng về chủ quan, cả PVN và Vinatex đều có nhiều thiếu sót, khuyết điểm.
Nếu như ban đầu (2008), vốn điều lệ của PVTex chỉ là 160 tỉ đồng, trong đó PVN góp 39%, thì sau nhiều lần điều chỉnh đã tăng đến 2.000 tỉ đồng vào năm 2014 với 100% vốn góp là của PVN và các đơn vị thành viên. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu PVN phải thoái vốn khỏi PVTex từ 56% xuống 36%. Tuy nhiên những quyết nghị của Bộ Công thương và các nghị quyết của PVN lại đi theo hướng ngược lại khi đẩy tỷ lệ vốn PVN tại PVTex tăng từ 56% lên 75%.
Trong kết luận của mình, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xử lý về kinh tế 54 tỉ đồng và hơn 22.000 USD do nghiệm thu thanh toán sai, trùng lắp trong quá trình triển khai dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ. Đồng thời yêu cầu PVTex xử lý dứt điểm các tranh chấp do thay đổi nguồn gốc xuất xứ thiết bị, vật tư.
Ngoài ra, TTCP cũng kiến nghị Bộ Công an vào cuộc nhằm điều tra, làm rõ các dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư tại dự án trên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần