Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10: Giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế
Chiều tối 5/11, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019, đã diễn ra buổi họp báo Chính phủ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019. |
Về tình hình kinh tế - xã hội, trong bối cảnh các tổ chức quốc tế đều cho rằng nền kinh tế thế giới đang xuất hiện hiện tượng "4 thấp" (tăng trưởng thấp, thương mại - đầu tư thấp, lãi suất thấp và lạm phát thấp), các tổ chức quốc tế tiếp tục nhận định lạc quan về phát triển kinh tế của Việt Nam.
Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng tiếp tục xu hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân 10 tháng tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 10 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Đối với thị trường tiền tệ, mặc dù chịu nhiều sức ép do biến động của thị trường thế giới, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung... nhưng nhờ sự điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phù hợp với thị trường, nên mặt bằng lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng vẫn tương đối ổn định, thanh khoản được đảm bảo. Tiến độ thu ngân sách Nhà nước 10 tháng đạt kết quả tích cực, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn FDI đạt khá, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Xuất siêu khoảng 7 tỷ USD.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, số DN thành lập mới 10 tháng tiếp tục phát triển với quy mô vốn đăng ký bình quân một DN tăng mạnh, đạt 12,5 tỷ đồng. Cả nước có 114.400 DN đăng ký thành lập mới và có 34.900 DN quay trở lại hoạt động, tăng 24,8% so với cùng kỳ.
Hoạt động du lịch sôi động, tháng 10 là tháng đầu tiên có lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,6 triệu lượt người, tính chung 10 tháng tăng 13% so với cùng kỳ. Chất lượng giáo dục đại học ngày càng được nâng cao, xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người có công và các đối tượng chính sách được bảo đảm và thực hiện tốt.
Bộ KH&ĐT cho rằng, vào thời điểm gần hết năm, dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong nước tăng mạnh. Nếu điều kiện thuận lợi, tăng trưởng kinh tế dự báo có thể đạt cao hơn 6,8%.
Việt Nam là quốc gia duy nhất thuộc Đông Á - Thái Bình Dương được Ngân hàng Thế giới (WB) giữ nguyên dự báo về tăng trưởng cho năm 2019 và 2020 với hai động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng nội địa và tính cạnh tranh trên toàn cầu.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại mục tiêu thúc đẩy để hoàn thành toàn diện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2019 và chuẩn bị thật tốt cho kế hoạch 2020 khi mà tình hình quốc tế rất khó khăn. Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo các giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, tiền tệ và tín dụng, giải ngân vốn đầu tư công…
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất từ nay đến cuối năm, kiên định với những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để phấn đấu hoàn thành 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao (dự kiến, có 5 chỉ tiêu vượt).
“Quan trọng là chúng ta cần phải giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như hiện nay, thậm chí hơn nữa. Điều này đòi hỏi phải tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách vĩ mô và phải được vận dụng một cách khéo léo, linh hoạt. Đồng thời, cần sớm nghiên cứu xây dựng phương án kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, xuất khẩu” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Nghị trường Quốc hội "dậy sóng" vì các vấn đề của ngành điện, dự án điệnSáng 7/11, Hội trường Diên Hồng đã “nóng” lên bởi vấn đề liên quan đến ngành điện và các dự án điện.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Bộ trưởng cho biết có bao nhiêu dự án năng lượng điện tái tạo chậm tiến độ? Bộ trưởng có giải pháp gì để cho các doanh nghiệp thực hiện được dự án của mình mà không bị phá sản, đồng thời tăng nguồn điện lực cho tất cả các cơ quan hiện nay?
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) liên quan đến các dự án, năng lượng tái tạo chậm tiến độ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, ngoài các dự án đã được duyệt và đưa vào thực hiện theo Quyết định 11 của Thủ tướng với công suất phát lên tới gần 5.000 Mw, hiện nay chúng ta còn có là gần 260 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 28.300 Mw đang chờ đợi để được đưa vào quy hoạch. Tương tự như vậy có 150 dự án điện gió đang đợi phê duyệt.
Ngoài ra còn có 8 dự án lớn về điện khí nhập khẩu và cũng đang được nghiên cứu và báo cáo trình Chính phủ. Như vậy, chưa kể đến các dự án lớn về hệ thống hạ tầng, trong đó được chuyển tải điện, trạm biến áp đang cần được bổ sung vào quy hoạch để bảo đảm giải tỏa công suất. Sau khi có chủ trương hướng dẫn của Quốc hội về giải thích pháp luật, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành tổng hợp dự án thẩm định dự án để đưa vào dự án có quy hoạch tích hợp bổ sung cho việc trong quy hoạch để tổ chức triển khai thực hiện ngay trong năm 2020 đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế.
Đối với điện gió, Chính phủ sẽ có văn bản chỉ đạo để đảm bảo cơ chế mới vẫn khuyến khích phát triển và khắc phục được những mặt hạn chế và phát huy tính tích cực của cơ chế trước đây nhưng đồng thời cũng tạo nên môi trường công bằng và minh bạch cho tất cả các nhà đầu tư liên quan, kể cả trong điện mặt trời sắp tới sẽ thực hiện như vậy.
Cùng về vấn đề dự án điện, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) đề cập đến việc Dự án Nhà máy Điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu báo cáo với Thủ tướng 18 tháng nay và đã được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc. Nhà đầu tư đã hoàn thành thủ tục đầu tư tròn 12 tháng nay theo yêu cầu của Bộ Công Thương.
Thủ tướng đã hai lần chỉ đạo Bộ Công Thương có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung dự án và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Trong thời gian chờ đợi các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Bạc Liêu và Đoàn đại biểu tỉnh Bạc Liêu đã có không dưới 30 văn bản đề nghị và kiến nghị sớm trình để phê duyệt dự án.
Để có những chuyển biến tích cực, khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn.
Cụ thể, năm 2020, hoàn thành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện VIII) và Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch bảo đảm phát triển cân đối giữa các vùng, miền, cân đối giữa nguồn và phụ tải; rà soát, xử lý vấn đề phát sinh trong quy hoạch, vận hành các dự án điện, điện khí, mặt trời, điện gió; huy động các nguồn lực, giải pháp về công nghệ để xây dựng hệ thống truyền tải điện, nâng cấp trạm biến áp, tăng cường đầu tư hệ thống truyền tải để giải tỏa nguồn điện; nghiên cứu cơ chế mới để huy động nguồn xã hội hóa cho việc xây dựng hệ thống truyền tải điện; tiếp tục mở rộng thị trường cạnh tranh bán buôn điện, thí điểm để các nhà máy điện gió và mặt trời bán điện trực tiếp cho khách hàng mua điện tiến tới hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2023.
Tiếp tục huy động nguồn lực triển khai Đề án điện nông thôn, miền núi, hải đảo; nghiên cứu sửa đổi cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ bình quân, sửa đổi quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; rà soát, đẩy nhanh tiến độ, xử lý các tồn tại, phát sinh của các công trình, các dự án điện trọng điểm như đối với dự án điện Bạc Liêu, Long Phú, Ô Môn, Thái Bình 2 và các dự án điện khác đã được đại biểu Quốc hội chất vấn để đảm bản nhu cầu sử dụng điện trong năm 2020 và các năm tiếp theo, bảo đảm an ninh năng lượng, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt điện cho sản xuất, kinh doanh.
Lo thất thoát tài sản Nhà nước, doanh nghiệp ngoại “thao túng” thị trường Việt Nam
Sáng 7/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Đặc biệt, Bộ trưởng Công Thương bị “truy” gay gắt về hai vụ việc điển hình là lô nhôm Trung quốc trị giá 4,3 tỷ USD “đội lốt” hàng Việt chờ xuất Mỹ và xe Volkswagen cài đặt bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp trưng bày tại triển lãm ô tô.
|
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) |
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương): Mua bán và sáp nhập trong kinh tế thị trường (M&A) là tất yếu, tuy nhiên các thương hiệu trụ cột có khả năng dẫn dắt, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp lớn có vốn Nhà nước còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho nền kinh tế, Sabeco là một điển hình. Nếu không có tầm nhìn chiến lược phù hợp thì sẽ tạo hệ quả khó lường cho nền kinh tế.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết “làn sóng” M&A là một hiện tượng phổ biến trong kinh tế quốc tế hiện nay và cũng là một xu thế phát triển của các doanh nghiệp.
Trên bình diện quốc tế, chúng ta đã hội nhập, chúng ta cũng tham gia những luật chơi chung có khung khổ pháp luật và điều chỉnh chấp nhận cho phép hoạt động nên đây sẽ là một hiện tượng có tác dụng và hiệu quả tích cực cho chúng ta, kể cả chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sau khi được M&A hoặc hoặc là tái cơ cấu lại.
Những câu chuyện để tài sản bị thất thoát thông qua thông qua quá trình cổ phần hoá do thực hiện không đúng quy định hoặc do việc chấp hành không nghiêm, thậm chí do những nguyên nhân không nắm vững cơ sở và quy định của luật pháp thì đây cũng là bài học kinh nghiệm rút ra để triển khai trong thời gian tới còn về câu chuyện cụ thể như đại biểu Quốc hội.
Nói về Sabeco hay những doanh nghiệp có thương hiệu lớn mà chúng ta cần phải giữ, chúng tôi cho rằng đây là đúng và cũng rất cần tính đến, không phải là chỗ tiếp tục duy trì những thương hiệu của Việt Nam bằng cách duy trì vai trò của Nhà nước trong những doanh nghiệp này, nhưng có lẽ chúng ta sẽ phải tính đến câu chuyện ưu tiên phát triển cho doanh nghiệp tư nhân như đã từng đề cập đến trong các nghị quyết Trung ương để coi như đây là một động lực cho phát triển của đất nước.
Quốc hội thông qua những chương trình cổ phần hoá và thoái vốn, nhất là các M&A, nhưng phải trên cơ sở của công khai, minh bạch và phù hợp với quy định của luật pháp. Đây cũng là định hướng lớn mà chúng tôi cho rằng các các cơ quan tham mưu của Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, trong đó Bộ Công thương.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình): Bộ trưởng Công Thương cần giải trình rõ hơn về vấn đề hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt và phòng vệ của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong một thời gian dài đã diễn ra bước đầu những hành vi có dấu hiệu gian lận thương mại và xuất xứ lừa dối người tiêu dùng, chúng ta đã từng chứng kiến vụ Khải Silk, Asanzo.
Đối với Luật Quản lý ngoại thương và Luật cạnh tranh, Bộ Công Thương đã ban hành Nghị định 31 hướng dẫn thực hiện Luật, hướng dẫn các cơ quan trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan.
Thủ tướng đã ký văn bản nhằm tăng cường quản lý Nhà nước đối với tất cả các khâu xuất, nhập khẩu và đầu tư nước ngoài để chống gian lận thương mại. Nghị định 43 quy định nội dung điều chỉnh chứng nhận nhãn mác và xuất xứ hàng hoá với sản phẩm lưu thông trong nước, giao trách nhiệm cho doanh nghiệp và đơn vị sản xuất tự kê khai nguồn gốc xuất xứ.
Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng pháp quy về ghi chứng nhận xuất xứ với hàng hoá Việt Nam sản xuất trong nước. Tuy nhiên, đây là việc khó nên Bộ xin ý kiến các bộ ngành xây dựng một Thông tư mở.
Ngoài ra, hiện nay Bộ Công thương lồng ghép triển khai nhiều chương trình, đề án khác để hỗ hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và hội nhập quốc tế.
Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ cần phải có sự tham gia phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành như tài chính, khoa học và công nghệ thông tin và truyền thông, ngân hàng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Doanh nghiệp nông nghiệp đã tăng gấp 3
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông nghiệp đã tăng gấp 3 lần. Từ hơn 3000 lên hơn 11.000 doanh nghiệp, trải đều khắp các vùng miền trong cả nước; trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào lĩnh vực này để nâng giá trị sản xuất nông nghiệp,... Tuy nhiên con số này vẫn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, Bộ sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.
|
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường |
Bộ trưởng đánh giá 11.800 doanh nghiệp nông nghiệp và hơn 40.000 doanh nghiệp hỗ trợ vẫn còn nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu. “Số lượng này còn ít, cần thiết phải tăng số lượng doanh nghiệp để làm hạt nhân cho 8,6 triệu nông dân”, Bộ trưởng Cường nói.
Về nâng cao giá trị lúa gạo, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung vào sản xuất các giống lúa mới (hữu cơ, tinh túy) hơn... Về xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng nhấn mạnh 10 năm qua chúng ta đã đạt được những kết quả lịch sử, tuy nhiên so với yêu cầu, nguyện vọng của thực tế chúng ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là vấn đề về môi trường (sản xuất, tự nhiên), hình thành sản xuất lớn, sản xuất liên kết, tái cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ,... tới đây Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để khắc phục các vấn đề này.
Về khai thác hải sản, Bộ trưởng cho biết, đối với những tàu lớn, tàu hậu cần chúng ta đã được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, phù hợp với việc đánh bắt; nhưng đối với những tàu dưới 15m thì vẫn còn khó khăn, cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang tranh luận về giải pháp căn cơ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói dù số doanh nghiệp tăng lên 3 lần nhưng số tuyệt đối còn rất thấp. Ông kỳ vọng vào việc sắp tới thông qua luật PPP để huy động đầu tư. Bởi thực tế hiện doanh nghiệp thiếu điều kiện, nếu có khuôn khổ pháp lý tốt, đặc biệt hướng PPP sẽ tiếp làn sóng đầu tư vì nông nghiệp dù khó khăn nhưng còn dư địa và thể hiện khát vọng của doanh nghiệp.
Về câu hỏi giải pháp khắc phục tình trạng được mùa mất giá, thậm chí mất cả mùa mất cả giá, mất giá kéo dài, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết những năm gần đây Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Về tổng thể kinh tế nông nghiệp đang đi theo chiều hướng tích cực. Tổng diện tích đất canh tác cả nước chỉ có 10 triệu ha, Việt Nam đã tạo ra được mức sản xuất lương thực 45 triệu tấn, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá, một số loại cây công nghiệp đứng đầu thế giới về sản lượng.
Tuy nhiên, bất cập lớn nhất của chúng ta là khâu chế biến và tổ chức thương mại, nếu không cải thiện được thì không thể khắc phục được tình trạng được mùa mất giá.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tiếp tục trả lời chất vấn các đại biểu nêu về công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Theo Bộ trưởng, có thể nói dịch tả lợn Châu Phi là dịch bệnh lịch sử xảy ra đối với ngành chăn nuôi Việt Nam và chăn nuôi thế giới. Chưa bao giờ ngành chăn nuôi phải đối mặt với dịch bệnh gây tác hại lớn như thế.
100 năm nay, thế giới không sản xuất được vắc xin, vì trước biến đổi của khí hậu thì dịch bệnh này lây lan rất nhanh. Thậm chí có tài liệu còn công bố 30% đàn lợn của thế giới bị chết vì dịch tả lợn Châu Phi, từ đó tạo ra một cuộc khủng hoảng về thịt lợn trước nay chưa từng có.
Trước đó, kể từ khi biết tin Trung Quốc bùng phát dịch tả lợn Châu Phi, Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các cơ quan, các địa phương liên quan đã diễn tập ứng phó với dịch này. Nhưng do tính chất phức tạp của loại dịch này nên chỉ trong thời gian ngắn dịch đã lây lan ra toàn quốc.
Đến nay, chúng ta phải tiêu hủy 5,7 triệu con lợn, chiếm hơn 8% tổng đàn lợn của Việt Nam. Bộ NN-PTNT đã triển khai các giải pháp ứng phó, khống chế dịch bệnh, và đến nay, dịch bệnh đang có xu hướng giảm. Nếu tháng 6 là tháng đỉnh điểm, chúng ta phải tiêu hủy 1,2 triệu con lợn, thì đến nay chúng ta chỉ phải tiêu hủy 40.000 con. Tín hiệu vui là nhiều xã đã trải qua 30 ngày mà dịch không quay trở lại.
Vụ nhôm Trung Quốc “đội lốt”: Để bị lợi dụng, Việt Nam phải chịu hậu quả rất lớn
Tổng cục Hải quan công bố thông tin lô nhôm 4,3 tỷ USD xuất xứ Trung Quốc “đội lốt” thương hiệu Việt chờ xuất Mỹ bị phát hiện. Đây được cho là một trong những vụ gian lận thương mại lớn nhất từ trước tới nay.
|
Ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương |
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 5/11, trả lời câu hỏi về xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan để xảy ra sự việc vi phạm và hướng xử lý lô nhôm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đưa ra một số thông tin liên quan.
Ông Cao Quốc Hưng cho hay: Cuối năm 2016, qua theo dõi truyền thông nước ngoài, Bộ Công Thương nắm được thông tin về việc có một lượng lớn nhôm nhập khẩu về Việt Nam, tập kết tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có những diễn biến phức tạp, hiện tượng né tránh các biện pháp phòng vệ thương mại xảy ra ngày càng nhiều và ở nhiều quốc gia, dù thông tin mới ở mức nghi vấn nhưng Bộ Công Thương vẫn chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đưa ra đề xuất về vấn đề này.
Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra, trong đó có đại diện của Tổng cục Hải quan để tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp có liên quan.
Kết quả kiểm tra cho thấy không có vi phạm trong cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho doanh nghiệp. Hơn nữa, trị giá tổng cộng của các lô hàng đã được cấp C/O tính đến thời điểm đó không nhiều, chỉ chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhôm của doanh nghiệp, 82% sản phẩm xuất khẩu còn lại doanh nghiệp không xin cấp C/O Việt Nam.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết lượng sản phẩm xuất khẩu đi Hoa Kỳ chỉ chiếm 10% tổng lượng xuất khẩu, trong đó trị giá xin cấp C/O Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3%.
“Sau khi kiểm ra, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các tổ chức cấp C/O ở khu vực Vũng Tàu để hướng dẫn và yêu cầu tăng cường quản lý công tác cấp C/O cho mặt hàng nhôm.
Bộ Công Thương cũng đã trao đổi với Bộ Tài chính để chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát các biến động bất thường trong hoạt động xuất nhập khẩu nhôm, phát hiện các hành vi gian lận (nếu có) và đã nhận được sự phối hợp rất tích cực của lực lượng hải quan, không phát sinh tình huống phức tạp nào.” - ông Hưng nói.
Về việc xử lý lô nhôm, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết đây là việc của doanh nghiệp. Bộ Công Thương sẽ kiểm tra về việc này.
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có những diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong vấn đề này, nếu không quản lý tốt thì đây chính là cơ sở gây thiệt hại lớn.
Quy định giá trị gia tăng là 3%, nhưng lợi dụng xuất xứ hàng hóa vấn đề rất quan trọng. Nếu để lợi dụng thương hiệu Việt để xuất khẩu sang các nước thì sau này sẽ có những sự áp thuế lên các mặt hàng của Việt Nam. Thủ tướng đã chỉ thị các cơ quan chức năng, đặc biệt là cấp C/O của Bộ Công Thương với các nước liên quan tới FTA, C/O còn lại giao cho VCCI.
“Các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc, các cơ quan chức năng trong qúa trình kiểm tra, nhất là các cơ quan hải quan, cơ quan cửa khẩu phải có xem xét kỹ, tránh núp bóng nhà đầu tư, lợi dụng làm nhà xưởng để chuyển giao, tập kết… ” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Thủ tướng giao cho Bộ Công Thương chủ trì báo cáo với Chính phủ để ban hành Nghị quyết của Chính phủ liên quan tới các giải pháp chống gian lận thương mại. “Nếu chúng ta để các nước bên cạnh, các nước hàng xóm lợi dụng thì chúng ta sẽ bị thua thiệt rất nhiều” - Người phát ngôn Chính phủ nói rõ. Nhãn hiệu SEVEN.am bị tố là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc
Trước phản ánh của người tiêu dùng việc sản phẩm quần áo thời trang, túi xách nhãn hiệu SEVEN.am là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sau đó cắt mác hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty CP MHA (DN sở hữu thương hiệu thời trang SEVEN.am) Nguyễn Vũ Hải Anh, thừa nhận có nhập sản phẩm của Trung Quốc.
Cụ thể, Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Hải Anh thừa nhận, Công ty CP MHA có nhập một số hàng quần áo của Trung Quốc, tuy nhiên những sản phẩm nào nhập ngoài sẽ không gắn mác SEVEN.am.
“Những sản phẩm nào do chúng tôi sản xuất mới gắn mác thương hiệu, còn những mặt hàng của Trung Quốc chúng tôi không gắn mác. Khi bán hàng chúng tôi có nói rõ với khách hàng: Đây là hàng Trung Quốc, không phải của thương hiệu SEVEN.am” - ông Nguyễn Vũ Hải Anh phân trần.
Khi được hỏi về những thông tin người dân phản ánh về tình trạng cắt mác những sản phẩm nhập từ Trung Quốc, ông Nguyễn Vũ Hải Anh giải thích "phải cắt sạch và may lại vì khách hàng phàn nàn về cảm giác ngứa ngáy, khó chịu!".
Được biết, năm 2009 hệ thống cửa hàng thời trang SEVEN.am chính thức xuất hiện, đến nay thương hiệu này đã có mặt tại 18 tỉnh, TP với hệ thống 24 showroom. Thương hiệu thời trang này từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: “Top 20 DN Toàn quốc có sản phẩm và dịch vụ được tin dùng” và “Bằng khen vinh danh thương hiệu cấp nhà nước - Top 15 DN Hội Nhập và Phát triển toàn quốc”.
Trước sự việc SEVEN.am nhập hàng Trung Quốc sau đó cắt bỏ và dán nhãn hàng Việt, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nêu rõ: Đây không không phải là lần đầu tiên DN Việt Nam dán nhãn mác Việt Nam lên hàng Trung Quốc, mà đã trở thành “vấn nạn” chung bởi trước đó ông chủ thương hiệu Khaisilk cũng thừa nhận Khaisilk nhập khăn từ Trung Quốc và bán lẫn với khăn của Việt Nam. Có như vậy là bởi hàng Việt Nam và thương hiệu Việt đã chiếm được lòng tin người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Để ngăn chặn tình trạng này đòi hỏi quản lý nhà nước như lực lượng chức năng như quản lý thị trường, hải quan, công an kinh tế phải đẩy mạnh kiểm tra kiểm soát thị trường. Trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra, ngăn chặn từ gốc là khu vực biên giới, không nên để hàng lậu, hàng giả lọt tới thị trường nội địa mới ngăn chặn thì quá muộn.