Sự kiện kinh tế tuần: Trình Quốc hội phê chuẩn CPTPP vào tháng 10

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trình Quốc hội phê chuẩn CPTPP vào tháng 10; ACV lại lộ hàng loạt sai phạm trong đầu tư; Nhiều doanh nghiệp nội có dấu hiệu chuyển giá... là nội dung chú ý tuần qua.

Trình Quốc hội phê chuẩn CPTPP vào tháng 10
Tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2018 ngày 4/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, hồ sơ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang được tích cực chuẩn bị và sẽ trình Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp cuối năm, vào tháng 10.

Việc Việt Nam sớm thông qua CPTPP nhận được đồng tình từ phía đại diện các DN, nhóm công tác thuộc VBF tham dự diễn đàn. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tận dụng triệt để các lợi thế xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do là một trong những giải pháp để xuất khẩu Việt Nam tìm được con đường riêng, ổn định trong bối cảnh thương mại thế giới diễn biến phức tạp.
Vì vậy, cộng đồng DN đề xuất Chính phủ tiến hành các thủ tục phê chuẩn CPTPP, tốt nhất là vào kỳ họp Quốc hội cuối năm nay để hiệp định này sớm có hiệu lực với Việt Nam. Chính phủ, DN có thời gian chuẩn bị thực hiện các cam kết về thể chế, hàng hóa (thuế quan, quy tắc xuất xứ) ngay khi CPTPP có hiệu lực. Với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, việc CPTPP sớm được Việt Nam phê chuẩn là tin đáng mừng.
Bà Orsolya Grove - Nhóm Công tác Đầu tư và thương mại của VBF cho biết, nhóm ủng hộ Việt Nam sớm phê chuẩn CPTPP. "Mỗi hiệp định đều mở ra các cơ hội, và cùng nhau, các hiệp định đó sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn hơn nữa. CPTPP với 11 thành viên của TPP trước đây sẽ tạo ra sự tăng trưởng, việc làm và sự phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững khắp khu vực", bà Orsolya nhận xét.
Dù Mỹ không còn là thành viên của CPTPP sau quyết định rút lui của Tổng thống Donald Trump, đại diện cộng đồng DN Mỹ tại Việt Nam (AmCham) vẫn nuôi hy vọng nước này sẽ sớm quay trở lại với hiệp định. Động thái gần đây của ông Trump chỉ đạo các cố vấn thương mại xem xét lại hiệp định càng nhóm lên hy vọng với DN Mỹ.
"TPP không có Mỹ" vẫn mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân. Hiệp định này cũng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới. Trong số các nghĩa vụ được tạm hoãn, các nước đồng ý để Việt Nam miễn thực thi một số cam kết quan trọng liên quan đến sở hữu trí tuệ, đầu tư, mua sắm của Chính phủ, dịch vụ tài chính, viễn thông...
Tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ tăng 1,1% vào năm 2030, 100% các sắc thuế sẽ về 0% sau 7-10 năm... nếu CPTPP có hiệu lực.
ACV lại lộ hàng loạt sai phạm trong đầu tư
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có kết luận thanh tra trách nhiệm trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn đầu tư do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý.
Theo ACV báo cáo, giai đoạn từ tháng 3/2012 đến tháng 12/2016, tổng công ty này đã đầu tư xây dựng 85 dự án (có tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng) với tổng mức đầu tư các dự án là hơn 42.140 tỷ đồng.
Trong đó, giá trị đầu tư bằng vốn NSNN là 1.420,9 tỷ đồng; vốn TPCP là 4.221,7 tỷ đồng; vốn ODA là 12.443,13 tỷ đồng; vốn ACV là 24.074,7 tỷ đồng.BQua thanh tra cho thấy, việc huy động, quản lý sử dụng các nguồn đầu tư do ACV quản lý còn nhiều bất cập, tồn tại.

Cụ thể, theo số liệu đơn vị báo cáo giai đoạn 2011 - 2016, kế hoạch vốn chưa sát với thực tế nên có dự án giá trị giải ngân lớn hơn kế hoạch vốn; cũng có dự án giá trị giải ngân thấp hơn kế hoạch.
Riêng dự án mở rộng Nhà ga quốc tế T2 - cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bố trí vốn đầu tư dự án không đúng theo quyết định đã được phê duyệt.
Trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, ACV cũng để xảy ra nhiều tồn tại khi khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt dự án. Cụ thể, chất lượng công tác khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt một số dự còn hạn chế, nên trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, thay đổi so với hồ sơ thiết kế cơ sở, bổ sung một số hạng mục dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh thời gian thực hiện… như tại dự án đường vào cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, dự án mở rộng nhà ga quốc tế T2 - cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Mặc dù lập dự án đầu tư theo quy hoạch, tuy nhiên quy hoạch còn hạn chế nên một số dự án vừa đầu tư xong đã phải nâng cấp mở rộng như dự án kéo dài, nâng cấp đường CHC, đường lăn và sân đậu cảng hàng không Pleiku.
Thậm chí, một số dự án ACV phê duyệt đầu tư khi chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định hiện hành về hồ sơ về báo cáo đánh giá tác động môi trường, ý kiến thoả thuận của các cơ quan như PCCC, cấp điện, cấp thoát nước, cảng vụ… như dự án mở rộng nhà ga Phú Quốc, dự án nhà ga hành khách cảng hàng không Vinh…
Đáng lưu ý, tại một số dự án, chất lượng công tác khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán chưa cao, chưa sát với thực tế nên trong quá trình thi công phải điều chỉnh thiết kế, bổ sung hạng mục, khối lượng phát sinh, thay đổi vật liệu, điều chỉnh đơn giá, thiết bị… cho phù hợp với thực tế.
Thiết kế kỹ thuật thiếu chi tiết gây khó khăn cho việc kiểm soát khối lượng, chất lượng; thiết kết kỹ thuật thay đổi so với thiết kế cơ sở nhưng chưa tiến hành điều chỉnh thiết kế cơ sở theo quy định.
Cùng với đó là việc tính sai đơn giá, tính trùng chi phí, biện pháp thi công chưa đúng. Ở Dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa đường HHC 25R - cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thiết kế bản vẽ thi công chưa phù hợp với thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, chưa thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 12 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Về công tác đấu thâu: Hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu, tuy nhiên, có nhiều gói thầu đến khi chấm thầu chỉ còn lại một nhà thầu tham gia chẳng hạn như gói 4, 5, 5a Dự án nhà ga hành khách Phú Quốc hoặc có nhiều nhà thầu tham gia dự thầu nhưng chỉ có 1 nhà thầu đạt hồ sơ về đề xuất kỹ thuật như ở gói 5b Phú Quốc, gói 6, 6B, 6C Dự án nhà ga hành khách Vinh. Để giải quyết tình huống trong đấu thầu, chủ đầu tư có văn bản xử lý cho phép mở thầu. Với tình huống này chưa có sự cạnh tranh về giá.
Mặc dù ACV đã thuê đơn vị tư giám sát nhưng chất lượng công tác giám sát về chất lượng, khối lượng chưa cao. Một số công tác chưa tuân thủ theo quy định phải nghiệm thu theo quy trình để kiểm soát khối lượng, chất lượng.
Một số công tác, thiết bị lắp đặt thực hiện không đúng với hồ sơ thiết kế hoặc điều kiện hợp đồng, yêu cầu kỹ thuật của dự án nhưng vẫn được nghiệm thu, thanh toán, nghiệm thu còn trùng lắp, không đúng khối lượng; nhật ký giám sát chưa ghi chép đầy đủ theo quy định.
Quản lý vật liệu đầu vào cũng còn một số tồn tại. Một số dự án còn chậm tiến độ thi công. Có 49 dự án quyết toán chậm tiến độ...
Vừa qua, ACV cũng đang phải đối mặt với những thông tin đầy bất lợi về việc ông Lê Mạnh Hùng, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc ACV trước khi về hưu theo chế độ (dự kiến vào giữa tháng này) ký 104 quyết định bổ nhiệm nhân sự, trong đó riêng ngày 19/6 đã ký tới 76 quyết định (hiệu lực từ 1/7).
Ngay sau tiếp nhận phản ánh, Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập đoàn thành tra để kiểm tra việc bổ nhiệm này của ACV. Trong khi đó, ACV lý giải rằng, việc bổ nhiệm cùng một lúc này đều căn cứ vào nhu cầu quản lý, điều hành và nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh được đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp với quy hoạch cán bộ giai đoạn năm 2016-2021.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tiếp tục siết chặt các khoản chi khánh tiết, mua sắm ô tô, đi nước ngoài

Ngày 18/7, ngành tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện nhiệm vụ tài chính- NSNN và thống nhất kế hoạch triển khai nhiệm vụ từ nay tới hết năm. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đại diện Ban Kinh tế Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành tham dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết các bộ, ngành và địa phương đã bám sát các mục tiêu, giải pháp theo các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, đạt được nhiều kết quả quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, trong đó có sự đóng góp quan trọng, toàn diện của ngành tài chính.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ ra rủi ro trong thu ngân sách khi hiện có tới 20 địa phương thu đạt dưới 50% kế hoạch, trong đó Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đạt xấp xỉ 50% (tuy số thu tuyệt đối cao hơn) là những địa phương trọng điểm thu ngân sách.

Do vậy, ngành tài chính phải tăng cường quản lý thu hơn nữa, xây dựng một đề án chống thất thu, chống xói mòn cơ sở thuế nhất là đối với khu vực phi chính thức, bằng các giải pháp đẩy mạnh thực hiện hoá đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và giảm bớt việc thu thuế khoán.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính thành lập ngay Tổ rà soát, kiểm tra công tác thu của 20 tỉnh đang thu dưới 50% dự toán, làm rõ trách nhiệm của địa phương, Trung ương, không để tới cuối năm các địa phương này hụt thu thì Trung ương phải bù ngân sách hay việc sử dụng nguồn của tỉnh thu ngân sách nhiều hơn bù cho tỉnh thu ngân sách thiếu.

Về chi ngân sách, Phó Thủ tướng đề nghị ngành tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương chi, nhất là chi thường xuyên như khánh tiết, mua sắm ô tô, đi nước ngoài...

Bên cạnh đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm cần phải thúc đẩy hơn nữa, đồng thời Bộ Tài chính tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, kịp thời điều chuyển các nguồn vốn, địa chỉ sử dụng vốn, bám sát hơn việc xây dựng dự án Luật sửa đổi Đầu tư công để trình Chính phủ và Quốc hội vào cuối năm.

Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các tỉnh, thành phố để xây dựng tốt hơn dự toán thu chi ngân sách năm 2019, khắc phục tình trạng ngân sách Trung ương hụt thu còn ngân sách địa phương tăng thu và bảo đảm mức thu sát với tình hình của từng địa phương.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng ủng hộ cải cách của Bộ Tài chính trong giao dự toán chi thường xuyên của bộ, địa phương thì phải bám sát biên chế được giao, coi đây là giải pháp quan trọng để thực hiện tốt Nghị quyết số 18 và số 19 của Trung ương Đảng khoá XII.

Trên cơ sở chỉ tiêu thu chi ngân sách được giao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị ngành tài chính quyết tâm giữ được bội chi và kiểm soát nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội. Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp cải cách nợ công, vừa kiểm soát được nợ, vừa hỗ trợ tăng trưởng. Thực tế vừa qua, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ cho phép một số dự án nhà máy điện chuyển nợ bảo lãnh thành nợ tự vay tự trả trong nước, đồng thời sử dụng nợ bảo lãnh để dùng cho các công trình cấp bách.

Về cổ phần hóa DNNN, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính có phương án thực hiện nghiêm Nghị quyết số 60 của Quốc hội về giám sát tối cao trong lĩnh vực này, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất trong cổ phần hoá, bảo đảm tiến độ và hiệu quả bán vốn Nhà nước.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính bảo đảm nguồn cho cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 29 của Trung ương, bắt đầu từ việc dùng số vượt thu ngân sách của năm 2018 để phục vụ cho cải cách lương từ năm 2021...

Nhiều doanh nghiệp nội có dấu hiệu chuyển giá
Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết thời gian qua Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và đã thu hồi hàng trăm nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, trong đó có các khoản kiến nghị tăng thu từ hoạt động chuyển giá của đối tượng kiểm toán.

Đáng nói, không chỉ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà cả doanh nghiệp nội địa cũng có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước. Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu trường hợp cụ thể là Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)..
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng nhỏ trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, theo PGS. TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính), trên thực tế, chuyển giá không chỉ được thực hiện bởi các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI, nó còn được thực hiện bởi các công ty có nhiều công ty con chỉ hoạt động kinh doanh trong nước, hoặc thậm chí được thực hiện bởi các công ty là các chủ thể kinh tế độc lập, song chủ sở hữu lại có mối quan hệ thân nhân với nhau.
Ngày nay, hoạt động chuyển giá là một thực tế phổ biến có tác động tiêu cực tới mọi nền kinh tế không phân biệt quy mô và trình độ phát triển trở thành vấn đề nan giải của mọi quốc gia trong quản lý nhà nước về lĩnh vực thuế.
Chuyển giá không những gây thất thu ngân sách lớn mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và chứa đựng nhiều rủi ro khác.
Ở Việt Nam cách đây khoảng chục năm “chuyển giá” vẫn là một khái niệm mới lạ thì hiện nay nó đã là hoạt động phổ biến không chỉ đối với các doanh nghiệp FDI mà còn xảy ra ở cả các doanh nghiệp trong nước (hay hoạt động này còn được gọi là chuyển giá nội địa).
Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát chuyển giá ở Việt Nam trong thời gian tới, không nên thu hút FDI bằng mọi giá. Thay vì dành quá nhiều ưu đãi thuế, đã đến lúc Việt Nam cần phải khẳng định lại vị thế của mình, không đưa ra quá nhiều ưu đãi đại trà.
Ngoài ra, cần phải hoàn chỉnh hệ thống pháp lý về chuyển giá, thiết chế pháp lý phải đủ mạnh để ngăn chặn các doanh nghiệp, tập đoàn lớn lợi dụng chuyển giá…
Nguyễn Kim đã nộp tiền phạt và tiền “lách” thuế hơn 148 tỷ đồng
Ngày 18/7, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết, Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim (Nguyễn Kim) đã nộp đủ 148 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.

Ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM chia sẻ, trong ngày 17/7, Nguyễn Kim đã xin gia hạn nộp tiền phạt và truy thu thuế đến ngày 20/7. Tuy nhiên, đến ngày 18/7 thì doanh nghiệp này bất ngờ nộp tiền đầy đủ.
Như vậy, Nguyễn Kim đã thi hành quyết định xử phạt và truy thu thuế của Cục Thuế TP.HCM với số tiền nộp thuế thu nhập cá nhân là 104,7 tỷ đồng, nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế là hơn 19,4 tỷ đồng, nộp tiền chậm nộp thuế nhu nhập cá nhân hơn 24,1 tỷ đồng.
Trước đó, Cục Thuế TP.HCM đã ra quyết định cưỡng chế thuế đối với Nguyễn Kim, tức hạn chế thanh toán hóa đơn, phong tỏa tài khoản ngân hàng đối với DN này. Sau thời gian ngắn bị cưỡng chế thì Nguyễn Kim đã phải nộp tiền phạt và tiền truy thu thuế.
Như đã từng phản ánh việc kê khai lương nhân viên của siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã có biểu hiện “lách” thuế. Nhiều năm qua, nhân viên của Nguyễn Kim đã ủy quyền cho công ty quyết toán thuế. Thế nhưng, công ty Nguyễn Kim đã “lách” thuế thu nhập cá nhân bằng cách chuyển từ tiền lương chức danh, tiền thưởng thành tiền tăng ca, làm thêm giờ.
Chẳng hạn, chức danh trưởng bộ phận thực lãnh 50 triệu đồng/tháng nhưng Nguyễn Kim chỉ khai thuế với lương cơ bản là 12 triệu đồng/tháng, số tiền chênh lệch 38 triệu đồng được chuyển thành lương tăng ca (chỉ nộp bằng giờ làm việc bình thường, phần chênh lệch được miễn thuế).
Tương tự, các khoản tiền thưởng hằng quý, hằng năm cũng được chuyển thành lương ngoài giờ để "lách" thuế phần chênh lệch. Sau khi thanh tra, lực lượng chức năng đã ra văn bản xử phạt và truy thu thuế với số tiền tổng cộng lên tới hơn 148 tỷ đồng.